Triều Tiên sẽ phóng thử 'tên lửa quái vật' Hwasong-17 vào tháng 4?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên vừa tuyên bố phóng thử vệ tinh, nhưng thực chất là thử nghiệm các bộ phận của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 có biệt danh “quái vật”.

Tính từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 9 vụ thử vũ khí trong một nỗ lực mà các chuyên gia cho là nhằm thông qua danh sách các vũ khí chiến lược do Chủ tịch Kim Jong-un đề ra.

Ưu tiên hàng đầu trong danh sách là ICBM có thể mang nhiều đầu đạn - Hwasong-17, được mệnh danh là “tên lửa quái vật” và từng xuất hiện tại một cuộc duyệt binh hồi tháng 10/2020.

Hwasong-17 chưa từng được phóng thử, nhưng Mỹ và Hàn Quốc hôm 10/3 cáo buộc Bình Nhưỡng mới đây đã thử nghiệm các bộ phận của tên lửa này dưới vỏ bọc phóng thử vệ tinh.

Triều Tiên đã duy trì lệnh ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ cuối năm 2017, nhưng cho biết vào tháng 1 rằng họ có thể xem xét khởi động lại "tất cả các hoạt động tạm thời bị đình chỉ" trong bối cảnh đối thoại với Mỹ gặp bế tắc.

“Tôi nghĩ rằng lệnh ngừng thử vũ khí đã hết hiệu lực. Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm trở lại các tên lửa ICBM”, nhà phân tích an ninh Ankit Panda (Mỹ) nhận định. “Các cuộc phóng thử vệ tinh do thám vào ngày 27/2 và 5/3 có khả năng là cuộc thử nghiệm các bộ phận của Hwasong-17, cụ thể là công nghệ đa đầu đạn.”

“Triều Tiên chưa từng thử nghiệm công nghệ đa đầu đạn trước đó, dù đã 3 lần phóng thử ICBM có tầm bắn chạm tới lãnh thổ Mỹ”, ông Panda nói.

Dấu hiệu leo thang

Quyết tâm của Triều Tiên trong việc thử nghiệm ICBM diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi Hàn Quốc vừa có Tổng thống mới - ông Yoon Suk-yeol.

Ông Yoon từng đưa ra nhiều quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên, cho thấy Hàn Quốc có thể sẽ “mạnh tay” hơn với Bình Nhưỡng sau nhiều năm cầm quyền của Tổng thống ôn hoà Moon Jae-in.

Nhưng cách tiếp cận này có thể dẫn đến một chu kỳ leo thang căng thẳng mới, Yang Moo-jin - Giáo sư nghiên cứu vấn đề Triều Tiên cho biết.

Các vụ phóng sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới mà Bình Nhưỡng sau đó có thể sẽ đáp trả bằng cách bắn thử nhiều vũ khí hơn. Trước đó, Triều Tiên tạm dừng các cuộc thử nghiệm để “mở đường cho ngoại giao và tránh các lệnh trừng phạt liên tiếp”, nhưng cùng lúc đó vẫn nỗ lực đa dạng hoá các loại tên lửa của mình, theo Leif-Eric Easley, Giáo sư Đại học Ewha (Seoul, Hàn Quốc).

Ahn Chan-il, một học giả nghiên cứu về Triều Tiên cho biết việc Bình Nhưỡng nguỵ trang vụ phóng thử tên lửa dưới vỏ bọc thử vệ tinh sẽ giúp họ “câu giờ để phát triển những công nghệ cần thiết cho ICBM”.

Đồng quan điểm, Hong Min - một nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho rằng bằng cách sử dụng vỏ bọc “vệ tinh”, Triều Tiên hy vọng có thể “giảm thiểu phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế”.

Triều Tiên sẽ tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào tháng 4. Trước đó, Bình Nhưỡng thường đánh dấu những ngày lễ quan trọng bằng các cuộc duyệt binh hoặc phóng thử.

“Rất có thể Triều Tiên sẽ phóng thử ICBM vào ngày 15/4, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành”, Ahn nói.

Cũng theo chuyên gia Hong Min, việc Mỹ và Hàn Quốc “bóc trần” các vụ thử vệ tinh của Triều Tiên có thể là động thái gửi cảnh báo tới Bình Nhưỡng, rằng họ không nên tiếp tục.

Dù vậy, một số nhà phân tích khác lại cho rằng Washington và Seoul đang "làm quá", vì có khả năng Triều Tiên chỉ đơn thuần phóng thử vệ tinh vì mục đích hoà bình.

"Nếu bạn bị cấm sử dụng một con dao làm bếp chỉ vì có nguy cơ bạn sẽ sử dụng nó để giết ai đó, thì bạn sẽ làm gì khi cần nấu ăn?", Cheong Seong-chang - Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong nói.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã có chuyến thăm Bãi thử Vệ tinh Sohae, đồng thời ra lệnh hiện đại hoá, mở rộng bãi phóng “để đảm bảo rằng nhiều loại tên lửa khác nhau có thể được phóng lên, mang theo các vệ tinh đa năng, bao gồm cả vệ tinh do thám quân sự.”

“Nhiệm vụ cao cả là biến bãi phóng - gắn liền với ước mơ và khát vọng của chúng ta về lĩnh vực không gian - thành một cơ sở tối tân, thành điểm xuất phát cho cuộc chinh phục không gian trong tương lai”, ông Kim nói.

Trước đó, KCNA đưa tin Chủ tịch Kim đã yêu cầu phát triển một vệ tinh do thám để thu thập thông tin thời gian thực về các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh.

Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG