Triều Tiên im lặng đáng ngờ sau đề xuất đàm phán của Hàn Quốc

Đường dây nóng liên lạc liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Yonhap
Đường dây nóng liên lạc liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Yonhap
TPO - Bình Nhưỡng chưa có bất cứ phản ứng gì trước đề xuất đàm phán cấp cao từ Seoul, cho dù trước đó Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi đi thông điệp thân thiện với Hàn Quốc.

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay, 3/1, cho biết một quan chức nước này đã cố gắng liên lạc với Triều Tiên thông qua đường dây nóng được lắp đặt tại làng đình chiến, nhưng phía Triều Tiên vẫn chưa phản hồi.

Seoul hôm qua, 2/1, chính thức đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng để bàn bạc về sự tham gia của phái đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang.

Cụ thể, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc – ông Cho Myoung Gyon đề xuất đại diện từ hai miền Triều Tiên gặp nhau vào thứ Ba tuần tới, tức ngày 9/1, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thuộc khu phi quân sự nằm trên biên giới liên Triều.

Trước đó, Triều Tiên đã cắt đứt hai kênh liên lạc giữa hai nước, bao gồm đường dây nóng quân sự, vào tháng 2/2016 để phản đối việc Hàn Quốc cho ngừng hoạt động khu liên hợp công nghiệp liên Triều.

Thực tế, đường dây nóng không bị cắt đứt về mặt kĩ thuật, nhưng kênh liên lạc này không hoạt động vì phía Triều Tiên không trả lời các cuộc trao đổi hàng ngày của các quan chức Hàn Quốc qua điện thoại.

Trong thông điệp phát biểu mừng năm mới được đưa ra ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ trao cho Hàn Quốc “nhành ô liu” khi tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng cử phái đoàn tới dự Thế vận hội Olympic tại Hàn Quốc, và sẽ mở ra các cuộc đàm phán liên Triều về vấn đề này.

Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong cho biết Triều Tiên có thể sẽ không chấp nhận ngày đàm phán do Hàn Quốc đề xuất (9/1), vì 8/1 là ngày sinh nhật của Chủ tịch Kim Jong-un.

“Triều Tiên rõ ràng cần thời gian để lên danh sách những điều mà họ muốn thảo luận trước cuộc đàm phán. Họ có thể sẽ đề xuất một ngày đàm phán khác với Seoul”, ông Cheong nói.

Theo Theo Yonhap
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.