Chỉ còn vài ngày nữa là đến 20/10 - ngày tôn vinh phụ nữ Việt. Những nội dung, bài chia sẻ về nữ quyền đã bắt đầu nóng trên các diễn đàn. Một chủ đề quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ "phụ nữ sinh ra có phải là để nấu ăn?" đang được dân mạng bàn luận xôn xao trên Facebook của bạn T.H.Trang.
Cô gái này đã nêu ra 1001 lý do khiến mình không thích nấu ăn - điều vốn được xem là thước đo của sự đảm đang, hình mẫu vợ hiền hay dâu thảo trong mắt của nhiều gia đình.
Nấu nướng là nguồn gốc của mọi cuộc tranh cãi?
1. Không có một người đàn ông nào say mê một cô gái hùng hục nấu nướng trong bếp
Lý do thứ nhất để Trang không thích nấu ăn đó chính là chẳng người phụ nữ nào đẹp, được đàn ông mê mẩn say đắm mà lại xuất hiện trong hình ảnh đang mồ hôi nhễ nhại trong bếp cả.
"Các nàng thơ hay hình tượng phụ nữ được ngưỡng mộ trong thơ văn... chẳng bao giờ là thiếu nữ hùng hục rửa bát hay cô gái miệt mài nhặt rau cả. Họ toàn là thiếu nữ bên hoa huệ, nàng Mona Lisa chẳng làm gì cả, chỉ biết cười", Trang viết.
Trang giải thích thêm đàn ông có thể nói rằng họ muốn vợ, người yêu của mình là người biết nấu nướng. Nhưng thực tế, họ lại toàn rung động trước hình ảnh các mỹ nữ ngồi không, mơ màng chứ hiếm khi rung động trước hình ảnh một cô gái hùng hục bếp núc hay lau nhà.
2. Nấu ăn nhưng toàn phải ăn đồ thừa
Lý do thứ hai để chuyện nấu ăn trở thành áp lực với cô đó chính là nấu một bữa thì không bõ công đi chợ, chuẩn bị thức ăn, rồi hì hục dọn dẹp. Còn cứ hễ nấu nhiều một tí, thì thể nào những ngày sau cũng phải ăn đồ thừa của ngày "trót nấu cho bõ công". Cái này ai từng nấu ăn sẽ hiểu!
3. Cãi nhau vì ăn xong sao không rửa bát? Bỏ cơm nhà sao không báo?
Chưa hết, nấu nướng còn là nguồn gốc của mọi cuộc tranh cãi trong đời sống hằng ngày chứ chẳng đùa!
"Vì sao không rửa bát? Vì sao không về nhà ăn cơm? Xưa mình ở với một bạn tên X. Bạn ý người Hà Nội, nấu ngon lắm. Lần đầu được bạn ý nấu cho ăn, mình sung sướng vì sau bao lâu mới được ăn cơm nhà. Hai đứa thủ thỉ từ nay nấu ăn cùng nhau nhé.
Nhưng ồ nô, hôm sau mình đã hứng lên tót đi ăn với trai, để mặc bạn ý chuẩn bị sẵn mâm cơm ở nhà mà không về. Mặt bạn ý sưng lên rơm rớm nước mắt. Và thế là tình cảm chia cắt từ đây.
Lần thứ 2 ở cùng chị Y. (người đã chứng kiến chuyện mình và bạn X). Chị ấy nói sẽ không nấu cho mình vì mình toàn đi chơi. Nhưng rồi vì mình khéo mồm vẫn dụ được chị ý nấu, và rồi mình lại tót đi chơi để kệ đồ ăn chị đã chuẩn bị. Ôi thôi bi kịch tiếp tục lặp lại.
Thế rồi đến hôm qua, mình cũng hứng lên vào bếp vì thèm món này lâu rồi. Nấu nướng xong xuôi, ăn no đẫy bụng, mình cũng gào lên với bạn cùng phòng là tao nấu xong mày không rửa bát à? Nó bảo biết ăn xong phải rửa bát thà đi ăn ngoài hàng cho xong, lười bỏ xừ.
Xong mình nghĩ, ừ nhỉ chả phải lỗi nó. Tự nhiên mình bày ra đấy chứ. Thế là mình lại đi rửa bát. Ơ thế nào mà mình lại vừa phải nấu, vừa phải rửa?", Trang kể về những trói buộc vô hình lên tâm lý của người thích nấu ăn và cả người bỗng dưng được nấu cho ăn.
4. Nấu ăn khiến phụ nữ không có thời gian kiếm tiền
Nhận mình là một cô gái hiện đại, Trang cho rằng thời gian để đi chợ, chuẩn bị ngày 2 bữa cơm tươm tất như nhà hàng lấy mất của cô quá nhiều thời gian, thời gian ấy có thể làm được nhiều việc khác có ích hơn.
Cô bạn đưa ra một bài toán về kinh tế như thế này. Thời gian nấu nướng cô đã có thể đi làm và kiếm được thu nhập 20 triệu tháng. Vậy nếu ai muốn ăn cơm cô nấu, phải trả lương cho cô bạn đúng bằng số tiền ấy. Cuối cùng, chẳng ai chịu trả cả vì thuê giúp việc nấu cho ăn chỉ tốn 3 triệu/tháng. Vậy cho nên, bỏ thời gian kiếm chục triệu đồng của mình đã đổi lấy công việc chỉ đáng giá 3 triệu là không khôn ngoan.
5. Nấu nướng là cách tạo ra quá nhiều kỳ vọng cho người khác
"Nấu nướng cũng là một các tạo cho người khác sự kỳ vọng vào mình. Đứa bạn A ở với đứa bạn B. Đứa B thích A nấu ăn hàng ngày và phải ngon. A đáp ứng được kỳ vọng ấy nhưng B vẫn cứ chê bai, không hài lòng vì đã ăn quen miệng rồi. A hết sức, mệt mỏi nghỉ không nấu nữa.
Bỗng một ngày C, người mà B chả kỳ vọng gì, bỗng mang sang nhà một gói mì tôm, đổ nước sôi vào mời B ăn. B cảm động sung sướng khen rối rít, kiểu vô cùng cảm kích. Thế A có cú không. Trời tức lắm ý chứ! Mình nấu ngon thế thì không khen, đứa nào vào đổ nước sôi thì khen?", Trang kể từ trải nghiệm thực tế của mình.
Trang khép lại bài chia sẻ với đúc kết rằng nấu nướng chỉ nên là niềm vui. Nấu cho mình, nấu vì bản thân. Nấu vì trách nhiệm, nấu vì quan điểm con gái nên biết nữ công gia chánh, phải nấu mới giữ được chồng là chết, chết luôn.
"Sao phải hi sinh, mình sướng trước chứ sao phải chiều người khác sướng?"
Trang (sinh năm 1992, sống tại Sài Gòn) là cô gái có suy nghĩ đơn giản và có cuộc sống khá sướng từ bé. Dù bản thân đánh giá mình là một người lười nhưng lại toàn gặp người chăm. 9X nghĩ trên đời có luật bù trừ, vì thế nếu muốn sướng thì con gái nên ít chăm lại.
"Lười nấu ăn thì sẽ gặp người thích nấu ăn, kiểu quy luật cân bằng của cuộc sống ý. Mình xưa nay lười nấu nên toàn yêu được bạn trai đảm hoặc ở với bạn gái chăm chỉ nấu ăn nên sướng. Mình thấy phụ nữ hay cho với cả hi sinh nhiều nên toàn gặp phải những người không biết trân trọng họ", Trang nói.
Trang nhận ra điều này sau một số lần va chạm với những người khác giới. Có lần, cô ở với một bạn nam. Ban đầu Trang cứ tức vì chàng trai lười giặt quần áo. Cô quyết định bỏ đi 1 tuần không làm gì hết, nghĩ cậu ấy sẽ hối hận và trân trọng khi mình quay về. Ai ngờ 1 tuần sau Trang quay lại, cậu ta vẫn sung sướng. Bản chất là cậu bạn ấy không cần Trang. Mình là người khó chịu vì quần áo không giặt chứ không phải đối phương. Nên ai khó chịu về chuyện ấy là đứa đó khổ!
"Sao phải hi sinh, mình sướng trước chứ sao phải chiều cho họ sướng. Từ bé đến lớn mình được nuôi là công chúa, có lấy chồng thì cũng phải thành nữ hoàng chứ không phải đi làm vợ hiền, osin xịn cho ai cả. Cho nên, nếu không thành nữ hoàng thì cả đời em là công chúa cũng được, chứ quyết tâm không lấy chồng để chịu khổ!", Trang nói rõ quan điểm sống.
Bài chia sẻ quan điểm về lý do con gái không cần biết nấu ăn của Trang đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên MXH.
Không ít người cho rằng vì lười nên cô nàng đã nghĩ ra đủ cách để biện hộ cho cái sự lười của mình. Nấu ăn thực chất không phải là một thứ gánh nặng nào đó trong cuộc đời người phụ nữ nói riêng, và tất cả chúng ta nói chung. Chúng ta nấu cho những người mình yêu thương ăn bằng tất cả tấm lòng và xem nó như một niềm hạnh phúc. Trong cuộc sống, nấu ăn là một trong những việc bạn cần thành thạo để có thể ít nhất là tự chăm sóc bản thân mình.
Cũng theo Trang, khi kết hôn phải được cung phụng, chiều chuộng, phải là nữ hoàng, với nhiều người thì quan điểm này trong hôn nhân là biểu hiện của sự ích kỷ. Khi đã quyết định tiến tới hôn nhân, cả vợ và chồng đều cần có trách nhiệm với gia đình. Vì sao cô lại đòi hỏi người được phục vụ là mình, trong khi lập gia đình có nghĩa là cả hai đều cần phải phân chia, san sẻ cho nhau từ những việc lớn như kiếm tiền, làm ăn... cho đến những việc nội trợ như nấu nướng, dọn dẹp...
Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm của Trang trong bài viết này?