Triển lãm tư liệu lịch sử tại Trường Sa

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng (áo sẫm, đứng giữa), Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân (mặc quân phục) cắt băng khai mạc triển lãm
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng (áo sẫm, đứng giữa), Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân (mặc quân phục) cắt băng khai mạc triển lãm
TPO - Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức tại thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Triển lãm trưng bày 120 bản đồ và văn bản, là tập hợp các nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Mảng tư liệu của Việt Nam bao gồm các thư tịch, bản đồ và tài liệu có tính chất chính thức của Nhà nước, các công văn hay ghi chép của những quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công vụ của Nhà nước.

Mảng tư liệu của Trung Quốc gồm một số bản đồ khẳng định ranh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam; một số tài liệu khác trực tiếp hay gián tiếp xác định các quần đảo giữa biển Đông không thuộc về Trung Quốc, mà thuộc quyền cai quản của Việt Nam.

Mảng tư liệu bản đồ và thư tịch cổ phương Tây gồm một số bản đồ và tư liệu xác nhận một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở trên vùng các quần đảo này.

Các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau, bổ sung cho nhau, có thể dễ dàng đối chiếu và kiểm chứng, khẳng định một sự thật lịch sử khách quan: trong ít nhất ba thế kỷ liên tục, các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và trong hòa bình, không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào.

Triển lãm tư liệu lịch sử tại Trường Sa ảnh 1

Không gian triển lãm

Triển lãm tư liệu lịch sử tại Trường Sa ảnh 2

Các chiến sĩ đảo Trường Sa xem triển lãm

Triển lãm tư liệu lịch sử tại Trường Sa ảnh 3

Các nhà sư ở chùa Trường Sa cũng chăm chú xem triển lãm và ghi lại hình ảnh tư liệu

Không gian Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” tại đảo Trường Sa được sắp xếp thành 5 nhóm chính: Các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 19 châu bản của vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 – 1841) đến triều Bảo Đại (1925 – 1945)…; Phiên bản 5 văn bản Hán Nôm từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại việc thành lập đội quân ra khảo sát các đảo của Hoàng Sa; Tập bản đồ gồm 60 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; Phiên bản 15 văn bản hành chính thuộc Pháp và Việt Nam Cộng hòa về việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; Hình ảnh, tư liệu về Trường Sa hôm nay.

Trước khi trực tiếp tổ chức triển lãm tại đảo Trường Sa, trong các ngày 22/4 và 23/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng bộ bản đồ và tư liệu cho đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. 

MỚI - NÓNG