Hiệp ước Buôn bán vũ khí toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn về chuyển nhượng qua biên giới những loại vũ khí truyền thống, từ súng nhỏ đến xe tăng, trực thăng tấn công. Hiệp ước yêu cầu các nhà xuất khẩu vũ khí khắp thế giới phải đáp ứng tiêu chí xuất khẩu chặt chẽ hơn so với những quy định mà Mỹ và các nước phương Tây đang áp dụng.
Nhiều người hoan nghênh hiệp ước có hiệu lực sau một thời gian dài trì hoãn. Hôm qua, Reuters dẫn lời bà Anna Macdonald, đồng chủ tịch nhóm vận động hành lang Control Arms (gồm nhiều tổ chức trên thế giới), nói rằng, việc triển khai hiệp ước đánh dấu “buổi bình minh của kỷ nguyên mới”. Bà nhận định: “Nếu được triển khai mạnh mẽ, Hiệp ước Buôn bán vũ khí toàn cầu có thể cứu sống rất nhiều người và bảo vệ dân thường dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Cuối cùng thì việc đưa vũ khí vào tay những nhà độc tài và lạm dụng nhân quyền đã bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế”. Hơn 130 nước đã ký và 60 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước, trong khi chỉ cần 50 nước thành viên Liên Hợp Quốc phê chuẩn là hiệp ước được thực thi.
Mỹ ký Hiệp ước Buôn bán vũ khí toàn cầu vào tháng 9/2013, nhưng Thượng viện nước này chưa phê chuẩn. Hiệp hội Súng trường Quốc gia, một nhóm vận động vũ khí rất mạnh ở Mỹ, phản đối việc phê chuẩn hiệp ước, dù văn kiện này chỉ áp dụng với hoạt động xuất khẩu, không liên quan súng bán trong nước. Các nước xuất khẩu vũ khí lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… vẫn chưa ký. Anh, Pháp, Đức là những nước xuất khẩu vũ khí lớn đã ký và phê chuẩn hiệp ước. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố hôm 23/12: “Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy sự tham gia chung vào hiệp ước, bằng cách khuyến khích mọi quốc gia, đặc biệt là các nước xuất khẩu vũ khí lớn tham gia”.
Châu Âu có thể gia tăng ảnh hưởng ở châu Á
Dù vai trò của châu Âu trên thị trường vũ khí toàn cầu tương đối nhỏ so với Mỹ, Nga và Trung Quốc, châu Âu vẫn có thể tăng cường ảnh hưởng ở châu Á bằng các mối liên hệ chính trị thông qua mở rộng thương mại và hợp tác quốc phòng, tạp chí quốc tế The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản) nhận định. Trong khi châu Á đối mặt nhiều vấn đề an ninh căng thẳng, châu Âu gia tăng các thương vụ bán vũ khí cho châu Á, dù họ không thừa nhận điều đó.
Châu Á đã trở thành thị trường vũ khí lớn với tổng giá trị mua bán vượt mức 1 tỷ USD mỗi năm. Các công ty quốc phòng của Đức, Pháp và Anh bán vũ khí cho hầu hết quốc gia châu Á. The Diplomat dẫn con số thống kê, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng gấp ba sau một thập kỷ, trong khi ngân sách quốc phòng của Indonesia tăng gấp đôi. Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Indonesia mua xe tăng, trong khi Singapore mua xe tăng và tàu ngầm từ châu Âu. Các nước châu Âu bán tàu ngầm cho Hàn Quốc và máy bay chiến đấu cho Ấn Độ. Trung Quốc mua rất nhiều công nghệ quốc phòng từ châu Âu để sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.=
Theo The Diplomat, các chính trị gia châu Âu nhìn chung phản đối việc tác động chính sách an ninh của châu Á, nhưng châu Âu đã tham gia cuộc cạnh tranh giữa các nước châu Á. Nhiều nhà sản xuất vũ khí châu Âu xuất khẩu sang châu Á để duy trì năng lực sản xuất và bù đắp các vấn đề tài chính; họ cạnh tranh với nhau và chỉ quan tâm lợi ích mình, The Diplomat nhận định.
Nếu Trung Quốc có thể triển khai thành công chương trình tàu sân bay lớp 001A, quân đội Trung Quốc sẽ được trang bị những tàu sân bay tốt hơn của Ấn Độ và Nhật Bản, tạp chí quốc phòng Kanwa của Canada nhận định. So sánh khả năng của tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, và tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ, Kanwa kết luận, tàu sân bay Trung Quốc không có lợi thế gì trong chiến đấu thực sự.