Ngẫm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris

Tri thức hay niềm tin?

Kinh Thánh chuyển trọng tâm từ “tri thức là sức mạnh” sang trọng tâm “tiên học lễ hậu học văn”. Ảnh: Hớn hở khoanh tay chờ đến lượt Ảnh: HQD
Kinh Thánh chuyển trọng tâm từ “tri thức là sức mạnh” sang trọng tâm “tiên học lễ hậu học văn”. Ảnh: Hớn hở khoanh tay chờ đến lượt Ảnh: HQD
TP - Có tri thức chưa chắc thành người theo đúng nghĩa nhưng không có niềm tin thì không thể thành người. Chỉ niềm tin mới có khả năng định hướng cho tri thức trở thành tri thức thiện. Bằng không, tri thức nhiều mấy đi nữa cũng có khi phản tác dụng, có khi khiến ta mất tính người.

Niềm tin trước tri thức sau

Giống nhiều tôn giáo như Phật giáo hay Hồi giáo, Cơ Đốc giáo lấy niềm tin làm phác đồ điều trị căn bản cho tín đồ và nó theo suốt cuộc đời họ. Tư duy lý tính, bên cạnh nhiều thành tựu không thể chối cãi, luôn mang hạn chế cố hữu là thiếu tính nhân bản. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta chủ yếu đề cao tri thức thay vì niềm tin. Lý tính cũng tìm kiếm đường đạt đến tự do, đường giải thoát, giải phóng khỏi tội lỗi. Song con đường nó xác lập chủ yếu nằm ở học tập, ở tích luỹ tri thức, hay ở tính tích cực nhận thức thế giới. Không may là bản thân tri thức không chịu trách nhiệm buộc kẻ sở hữu nó trở thành người có đức nếu không muốn nói nhiều khi ngược lại.

Chính các nhà tư tưởng lý tính cả cổ đại lẫn đương thời đều thừa nhận rất ít ai có thể đi theo con đường mà lý tính đã kẻ vạch. Đơn giản vì không phải ai cũng có thể làm khoa học, không phải ai cũng có thể thành nhà tư tưởng. Thay vào đó, chỉ thiểu số có phẩm chất nhận thức, chỉ thiểu số có điều kiện học hành và bằng cấp mới có thể tránh tội lỗi.

Cũng như các tôn giáo lớn khác, Kinh Thánh đã mở ra khả năng mới không phải cho số ít có học mà cho tất cả để thoát khỏi tội lỗi. Nó chuyển trọng tâm từ coi trọng nhận thức hay coi trọng tri thức sang coi trọng niềm tin hay coi trọng lương tâm. Nó chuyển trọng tâm từ “tri thức là sức mạnh” sang trọng tâm “tiên học lễ hậu học văn”, cái mà nền giáo dục ở nhiều nơi ngày nay đang làm ngược lại.

Niềm tin được coi như năng lực đặc biệt của linh hồn và vốn có ngay từ đầu ở mọi người, không phân biệt có học hay không. Khi có niềm tin, người ta thường tin vào cái gì đó. Song niềm tin trong Kinh Thánh không có chỗ cho niềm tin mù quáng mặc dù không ít người thường diễn đạt rằng, tin vào Chúa là niềm tin mù quáng.

Khi tin mù quáng, người ta thường không tự ý thức được bản thân và tất yếu dẫn tới sùng bái các thần tượng trần tục. Qụy lụy mua chuộc, hối lộ, tham ô, và tham nhũng đều từ đấy mà ra.

Tri thức khó đo được niềm tin

Các nhà tư tưởng thiên về lý tính cố gắng quy niềm tin về tri thức. Không may niềm tin và tri thức thuộc hai hệ quy chiếu khác hẳn nhau và có hai chức năng khác nhau để thành tạo một cá nhân hoàn chỉnh. Niềm tin thể hiện như một năng lực tâm hồn, thuộc về lĩnh vực đạo đức và lương tâm. Nó không thể quy giản về việc có hay không có tri thức. Niềm tin có thể tồn tại mà không phụ thuộc sự hiện diện hay vắng mặt của tri thức, vào sự hoàn hảo hay không hoàn hảo của tri thức.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy người là sản phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, dù tìm thấy thêm bao nhiêu bằng chứng như thế đi nữa, khoa học cũng không thể cân đong đo đếm được giá trị tinh thần hay linh hồn. “Khoa học không thể chứng minh tình cảm của chị này với anh kia nặng một lạng hoặc hai cân”, PGS.TS Đỗ Minh Hợp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội&Nhân văn Việt Nam, nói với các học viên triết học.

Vì sao vậy? Khoa học chỉ có thể hoạt động ở lĩnh vực với tên gọi nôm na là “thể xác” mà sản phẩm của nó là các thông tin, tri thức mang tính định lượng thông qua các phép đo, các hình ảnh hoặc chữ. Đối lập với “thể xác” là “tinh thần” hay gọi nôm na là linh hồn. Ở lĩnh vực vô hình này, khoa học hay tư duy lý tính không có chỗ. Nó là lĩnh vực của tư duy định tính với ngôn ngữ chủ đạo là niềm tin. Nó là mảng hoạt động của các môn như chính trị, đạo đức, nghệ thuật, tâm lý, văn hóa, triết học, hay tôn giáo. Tất cả các bộ môn ấy đều luận giải trên cơ sở niềm tin chứ không hề và không thể cân đong đo đếm định lượng như trong khoa học, vẫn theo PGS.TS Đỗ Minh Hợp.

Sơ qua như vậy để thấy Chúa là một triết lý thuộc về lĩnh vực tinh thần được diễn đạt bằng ngôn ngữ của niềm tin. Thước đo của niềm tin vào Chúa hay của bất cứ triết lý nào đều dựa vào hiệu quả, vào tác động của nó trong thực tế khách quan. V.I.Lenin luôn nhấn mạnh “tính khách quan trong sự xem xét. Chẳng cần thí dụ, chẳng cần dài dòng, mà bản thân sự vật tự nó”. F.Engels cũng nhất trí “Quan điểm về đời sống… phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản về lý luận nhận thức”.

Tri thức không bao giờ thừa và nhờ tri thức nhân loại mới đạt được các thành tựu khoa học và kinh tế chưa từng có. Song mãi đến gần đây người ta mới ngã ngửa rằng nếu chỉ khoa học và thành tựu kinh tế thôi thì thành phiến diện. Nhiều nơi phải trả giá vì những vấn nạn xã hội phái sinh. Các quan niệm khác về người xã hội, người chính trị cũng lộ ra những khiếm khuyết khi được ứng dụng trong đời sống. Theo GS.TS Hồ Sỹ Quý, đã có lúc chúng ta từng nhấn mạnh thái quá khía cạnh xã hội, khía cạnh chính trị nên vô tình hạn chế tính tích cực của người cá nhân, thủ tiêu động lực thực sự của cá nhân. Giữa thập niên 1980, nhân tố người thực sự bắt đầu được quan tâm ở một số nước. “Tiếc rằng lịch sử không cho phép những người đề xướng thực hiện ý đồ của mình”, GS Quý viết.

Kinh Thánh đặt ra điều kiện tiên quyết để có thể mặc khải. Giao tiếp với Chúa hay với nhân cách cao thượng phải có niềm tin. Tri thức không thôi thì không bao giờ mặc khải được. Không mặc khải, xét một cách tổng thể, không thể nhận thức được thế giới. Nói cách khác, mặc khải không đơn thuần nhận thức Chúa. Trong thế giới trần tục, mặc khải là lá bùa kêu gọi người ta ý thức về giá trị của niềm tin. Đấy là tin vào bản thân mình bằng cách tin vào Chúa. Bản thân do Chúa sinh ra trong khi Chúa, xét đến cùng, chính là giáo huấn dạy người ta làm người theo một cách đặc biệt.

Sau 500 năm đắc thắng của lý tính đưa nhân loại tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0), Cơ Đốc lại chứng tỏ sức sống mãnh liệt khi lượng tín đồ tiếp tục tăng. Đến đầu thế kỷ 21, nó có 2 tỷ tín đồ trong số 5,8 tỷ tín đồ của 5 tôn giáo lớn nhất (chiếm 84% dân số toàn cầu).

Tri thức hay niềm tin? ảnh 1 Một ca nương có giọng trong vắt tại ca đoàn nhà thờ họ đạo Khe Cốc   Ảnh: HQD
HQD (còn nữa)

Đón đọc kỳ cuối: Đền thờ niềm tin

MỚI - NÓNG