Trí thức cách mạng giữa Sài Gòn - Kỳ cuối: Một thời cháy hết mình

Đoàn đại biểu trí thức Sài gòn một thời trong chuyến ra thăm Thủ đô.
Đoàn đại biểu trí thức Sài gòn một thời trong chuyến ra thăm Thủ đô.
TP - Chị Huỳnh Thiện Kim Tuyến là một trong 6 người đậu cao nhất khóa thi Trung học đệ nhất cấp năm 1959 của miền Nam. Chị tham gia Cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên (HS, SV) từ năm 15 tuổi (1956). Tuy chỉ mới học đệ lục chị đã được bầu làm khối trưởng buổi chiều (gồm các lớp đệ ngũ, đệ tứ).

Nhân kỷ niệm cái chết của anh Trần Văn Ơn (9/1), sáng ấy, bỗng nhiên lớp chị nhất loạt mặc đồ trắng. Một bà giáo vào lớp gay gắt chất vấn: - Vì sao mặc đồ trắng? - Hôm nay là ngày gì? - Ai phát động?

Trước chất vấn của bà giáo, Tuyến mạnh dạn đáp: - “Thưa bà, hôm nay là ngày kỉ niệm sự hy sinh của anh Ơn. Báo chí và nhân dân mình ca ngợi tấm gương hy sinh ấy thì chúng em tưởng nhớ anh ấy thôi”. Tuy rất tức giận nhưng bà không thể phạt. Có lẽ cái tên Émily đã rõ là dân Tây thân Pháp nên bà chùn bước chăng, khi thấy cả Sài Gòn đang hân hoan niềm vui thắng Pháp ở Điện Biên Phủ mới hai năm trước.

Thầy trò Nhất Chi Mai

Hoạt động công khai phải cực kỳ khôn ngoan, khéo léo, phải giỏi cãi lí. Chị thích hợp với hoạt động này. Khi ghi tên vào ĐH Văn khoa, chị nhạy bén nắm được tâm tư nguyện vọng của SV nên đã nhanh chóng phát triển được cơ sở Cách mạng và chỉ đạo gây dựng phong trào công khai, các nhóm hoạt động tập hợp SV quen dần với các sinh hoạt tiến bộ. Các nhóm đã cử người ghi bài giảng của các giáo sư và thuyết phục các thầy xem lại trước khi đem đi in để phân phối giá rẻ cho SV.

Tuy tham gia Cách mạng rất sớm nhưng do còn có những suy nghĩ “tiểu tư sản” nên mãi đến chiến dịch Mậu Thân (1968)  chị mới được kết nạp Đảng.

Các trường khác cũng ra báo, nhưng không duy trì được lâu, riêng Đại học Văn khoa (ĐHVK) thì duy trì được suốt từ 1966-1974 dù niên học 1973-1974 các SV Đảng viên trường bị bắt hết và chính quyền Sài Gòn đưa Cảnh sát đội lốt SV vào chiếm trụ sở và lên nắm BCH.

Ngoài Bắc nghe nhiều về cái chết của nhà sư Thích Quảng Đức (18/6/1963), nhưng ít người biết rằng có một nữ sinh Văn khoa (VK) mảnh mai, trắng muốt như hoa mai là Phan Thị Mai (bí danh Nhất Chi Mai) cũng đã xuống đường tự thiêu ngày 16/5/1967. Bởi trước đó chị đã  cháy lòng khi viết:

Sao người Mỹ tự thiêu?/ Sao thế giới biểu tình?/ Sao Việt Nam im tiếng?/ Không dám nói hòa bình?/ Tôi thấy mình hèn yếu/ Tôi thấy lòng đắng cay/ Sống mình không thể nói/ Chết mới được ra lờiChắp tay tôi quỳ xuống. Báo VK tháng 5/1969 đã đăng lại bài thơ này.

Bởi trước đó, vụ tự thiêu của Môrixơn và SVVK tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh Cách mạng. 15.000 người tham gia bãi thị, bãi khóa, 6 nữ SV tuyệt thực; xuống đường biểu tình đốt xe Mỹ, chống đàn áp SV, chống quân sự học đường, cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ, biểu tình bằng xe gắn máy... Nên có thể nói số SVVK vào tù đông nhất: gần 70 người.

Trong “Phong trào hát cho đồng bào tôi nghe”  có 5 “nhạc sĩ” là SV  của ĐHVK - Trương Quốc Khánh nổi tiếng với Tự nguyện, Tôn Thất Lập có Hát cho dân tôi nghe, Nguyễn Tuấn Kiệt có Tin tưởng ca. Trần Long Ẩn có Người mẹ Bàn Cờ.

Chị Tuyến đậu cử nhân giáo khoa nhân văn (loại cử nhân đòi hỏi phải có những chứng chỉ bắt buộc chứ không phải chỉ cần có 4 chứng chỉ tự chọn. Vì ngoài tiếng Pháp, tiếng Anh chị còn có chứng chỉ triết, nhân văn, lịch sử văn minh Việt Nam, xã hội học). Vừa dạy, vừa làm Hiệu trưởng một trường Trung học đệ nhị cấp, lấy đó làm vỏ bọc cho hoạt động công khai. Có SV do bị khống chế khai báo nên năm 1972 chị bị bắt.

Chị Kim Tuyến là trí thức được đào tạo trong chế độ cũ. Nhưng quá trình hoạt động Cách mạng và sau giải phóng, được học lớp chính trị trung cao nên khi nghỉ hưu (2000), chị được mời dạy bộ môn chính trị Mác-Lê nin làm tôi thêm phần tâm phục khẩu phục.

Trí thức cách mạng giữa Sài Gòn - Kỳ cuối: Một thời cháy hết mình ảnh 1

Tác giả với ông Nguyễn Chí Thành.

Tay không bắt giặc

Kiều Xuân Long đố tôi, có ai không phải là phi công như Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập ngày 28/4/1975 vẫn bay lên trời đánh địch, mà nếu không có những người như anh thì không thể nào có chiến thắng cuối cùng 30/4 được? Thấy tôi ngẩn tò te, anh chỉ người ngồi bên cạnh - Đây, anh bạn này, quê gốc Ước Lễ giò chả, gia đình ngụ ở phố cô đầu Khâm Thiên trước cách mạng, nơi ta vừa đi thắp nhang tưởng niệm hàng trăm người chết trong trận bom B52 rải thảm vào Hà Nội Noel 1972 đấy.

Anh là Nguyễn Chí Thành, tròn 70 tuổi, học Phổ thông 3, Hà Nội (47 Lý Thường Kiệt), đi bộ đội từ 1965, học sửa chữa ô tô. Nhưng vào chiến trường anh lại được huấn luyện để bay lượn trên trời, tay không bắt giặc.

Anh được trang bị toàn bộ kiến thức về binh lực của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Biết rõ các sư đoàn của địch đóng ở căn cứ nào, cách thức hoạt động, hành quân ra sao, âm mưu gì… nhờ theo sát gót mà báo cáo cho cấp trên có những xử lý kịp thời. Thành chính là lính trinh sát kỹ thuật. Anh sử dụng máy PRC25 chiến lợi phẩm của Mỹ, vừa thu sóng Vô tuyến điện (VTĐ) của địch, vừa giải mã theo dõi chúng 24/24h.

Tất nhiên trên sóng mạng đều được mã hóa, những mã hóa cũng phải theo quy định riêng (mật mã). Nhiệm vụ của Thành là phải giải được mật mã của chúng để nắm được thông tin hoạt động thực tế của địch trên địa bàn. Mới đầu anh phục vụ cho Bộ chỉ huy Miền, sau về phân khu 6 (SG-GĐ) do đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư, Trần Bạch Đằng là Phó Bí thư, rồi lại về Ban Trí vận, vừa làm việc vừa làm công tác huấn luyện cho các đồng chí  mới vào ngành.

Có lần theo dõi trên sóng mạng của pháo binh, Thành thu được công điện khẩn của địch thông báo ngày giờ và địa điểm đánh bom; điểm ném bom là một tọa độ gồm 8 con số. Thành dịch được 7 số, còn một ẩn số. Mã này trùng với mã  giờ địch đánh bom. Bằng phương pháp loại trừ và phương pháp tình huống, Thành xác định đó là con số 3 chứ không thể là số 2 hay 4. Vừa lấy con số 3 lắp vào tọa độ thì trúng ngay khu vực mà đơn vị đang đóng quân, đồng thời máy bay trinh sát L19 đã quần trên đầu. Điều đó càng xác nhận thông tin đơn vị thu được và giải mã là hoàn toàn chính xác. Anh báo ngay cấp trên và được lệnh di chuyển ra khỏi nơi đang trú. Vừa rời được mấy trăm mét thì L19 bắn trái điểm xác định mục tiêu ném bom. Rồi địch đánh bom vào đấy - Hú vía! 

Năm 1974, anh từng dẫn nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định từ Trung ương cục về chiến trường Mỹ Tho. Ông Định khuyên Thành, theo nghiệp văn khó lách lắm nên học chụp ảnh. Sau giải phóng anh đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 9 xong, được giữ lại làm công tác chính trị, chuyên thông tin tư liệu, quản lý học viên...

Chuyến đi Mỹ Tho hồi ấy, anh có hai cái được: nghe theo ông Định làm nghề ảnh và lấy được người vợ Mỹ Tho chịu thương chịu khó bây giờ.

Chất thợ của một giám đốc

Để chuẩn bị cho trận Mậu Thân (1968), tổ chức tăng cường cho cơ sở in đồng chí Trịnh Bảo Châu. Nhưng đồng chí Châu lại bị bắt. Tổ chức quyết định tăng cường Năm Hiền và Lâm Văn Phát.

Lâm Văn Phát sinh năm 1935, thân phụ người Việt, sinh ra ở Campuchia, nhưng 5 tuổi đã mồ côi cha. Là thợ in chuyên nghiệp hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Campuchia, mà trực tiếp là in tờ Sống chung và Trung lập của Việt kiều yêu nước. Anh được kết nạp Đảng năm 1967.

Đang sống yên ổn cùng vợ con ở Campuchia anh được điều về T.Ư cục. Phải làm căn cước giả, và có giấy chứng nhận miễn quân dịch.

Ở R (lên chiến khu rừng) một thời gian đợi đường dây thu xếp xong mới thâm nhập về Sài Gòn. Để làm bình phong che mắt địch, ông cùng vợ con thuê căn nhà mặt tiền làm cơ sở in.

Sau đợt 2 Mậu Thân, địch lùng sục dữ quá ông được rút về R tạm lánh. Rồi được giao lập một xưởng in ngay trong R. Sau 1975 làm giám đốc nhà in Trí thức mới, rồi giám đốc xí nghiệp in công tư hợp doanh số 5 Sở VHTT.

Ông giữ phẩm chất người thợ thủơ hàn vi: không cà phê, rượu chè, thuốc lá, một chút bia gọi là. Da điểm đồi mồi, nhưng tóc vẫn còn đen, nếu đóng Âu phục, đeo Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất vào chụp ảnh thì thật đẹp. Đẹp từ trong ra ngoài.

Người trẻ nhất - Trưởng đoàn

Không thể không viết về người trẻ nhất (sinh 1960) nhưng là trưởng Đoàn Cựu thành viên Trí vận ra thủ đô lần này. Bởi anh là đương nhiệm Phó Chủ tịch MTTQVN TPHCM Nguyễn Ngọc Phong.

Anh sinh đúng lúc quê nhà đồng khởi nên phải tản cư vào vùng địch hậu tránh bom đạn. Lớn lên giữa đất nước thống nhất, chàng thanh niên Bến Tre hăng hái tham gia công tác Đoàn, thành viên BCH Đoàn trường, học trường sĩ quan cảnh sát về công tác ở Vũng Tàu, rồi về MTTQ TPHCM. Vừa làm vừa học cử nhân luật, cử nhân chính trị, các lớp tập huấn về vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo... Giờ thành Phó Chủ tịch Mặt trận chuyên trách mảng này.

Lần đầu tiên Phong ra Hà Nội nên vừa lạ lẫm vừa xúc động đến nghẹn ngào trong nước mắt khi phát biểu…

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.