Trong phát biểu của mình gửi đến mẹ của người thanh niên 20 tuổi bị tai nạn giao thông chết não đã đồng ý hiến tạng, Bộ trưởng Tiến xúc động tri ân: “Cho đi là đỉnh cao trong triết lý nhà Phật cũng như luân lý Công giáo. Hiến tạng chính là hành động cho đi cao nhất. Tôi tin rằng trái tim của con chị vẫn đang đập trong cơ thể người nhận. Cả người nhận cũng luôn có cảm giác người cho vẫn về bên cạnh mình”.
Theo Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đã đồng ý hiến 2 quả thận, 2 giác mác, tim và gan của người thanh niên chết não do tai nạn giao thông này. Nhờ đó, thận và giác mạc đã giúp phục hồi chất lượng sống cho 4 bệnh nhân tại TPHCM. Trước đó, tim và gan cũng đã được ghép cho 2 bệnh nhân tại Hà Nội trong ca ghép tạng xuyên Việt lần 2 ngày 26/4. Sức khỏe cả 6 người được ghép tạng đến nay đều đã tương đối ổn định.
Với tư cách Chủ tịch Hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người Việt Nam, bà Tiến đánh giá tình trạng hiến tạng từ người cho chết não hiện nay vẫn còn rất hạn chế trên cả nước. Do quan niệm muốn bảo toàn xác người thân, rất ít gia đình đồng ý làm việc này. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân cần ghép tạng hiện rất cao. Nếu như gan, thận còn thể được hiến từ người cho sống, thế nhưng tim, phổi thì chỉ có thể lấy từ người cho chết não với sự đồng ý của gia đình.
Bởi lẽ đó, Bộ trưởng y tế đánh giá cao đơn vị điều phối của Bệnh viện Chợ Rẫy trong công tác vận động gia đình người cho chết não. Từ khi thành lập đến nay là 8 năm, đơn vị đã nhận được 16 trường hợp tình nguyện hiến mô-tạng khi qua đời. Trong đó, có 13 trường hợp hiến tặng khi chết não, 3 trường hợp hiến khi tim ngừng đập. 16 người này đã hiến thận, gan, tim, khối tim-phổi, giác mạc cứu giúp cho 46 người khác.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã tiếp nhận 1.848 đơn tình nguyện hiến mô-tạng nhân đạo khi qua đời của người dân khắp mọi miền.