Bộ NN&PTNT có kế hoạch thu mua 200 nghìn tấn muối để sản xuất muối I ốt phát cho đồng bào Ảnh minh họa. |
Báo động độ phủ muối I - ốt
Năm 2005, Việt Nam công bố thanh toán các rối loạn thiếu hụt I-ốt qua 3 chỉ số: độ bao phủ muối I-ốt và chế phẩm I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hơn 90%; tỷ lệ bướu cổ học sinh 8-10 tuổi dưới 5%... Ba năm sau đó, năm 2009, UNICEF đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt I-ốt và chế phẩm I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh cho người dân giảm còn dưới 70%.
Thiếu muối I-ốt trong thực tế do nguồn kinh phí hỗ trợ mua muối bị thiếu hụt. Cũng theo Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư, mỗi năm Bộ Y tế chỉ cấp được 6,5 tỷ đồng để mua I-ốt. Do trượt giá của USD và giá I-ốt ngày càng tăng, nên năm 2006, hơn 6 tỷ đồng nhà nước cấp, mua được 13.500 kg I-ốt, thì đến năm 2010, cũng số tiền đó chỉ mua được 7.650 kg I-ốt.
Kiểm tra hoạt động phòng chống rối loạn do thiếu I-ốt (PCRLTI) ở 30 tỉnh mới đây cũng cho thấy, mỗi tỉnh cũng chỉ cấp hơn 1 tỷ đồng cho hoạt động này. Còn thực tế các cơ sở sản xuất muối I-ốt thì sơ sài, ẩm ướt, bảo quản I-ốt còn chưa tốt, máy trộn I-ốt cũ, mất vệ sinh; cả nước chỉ còn vài nơi có phòng xét nghiệm muối đạt chuẩn.
Chính vì thế, tỷ lệ I-ốt trộn trong muối ở nhiều nơi là rất khác nhau và không ổn định, không thể kiểm soát. Các chuyên gia về nội tiết lưu ý, nếu người dân dùng muối có lượng I-ốt vượt quá mức quy định sẽ dẫn đến huyết áp cao.
Theo các chuyên gia, hiện nay, do thiếu sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng nên ở nhiều thành phố lớn và các tỉnh đồng bằng, người dân không được sử dụng muối I-ốt. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ phủ muối I ốt xuống mức rất thấp (ở TPHCM, chỉ có 1 xã đạt độ phủ muối tối thiểu (từ 90% trở lên), rất báo động về tình hình thiếu I-ốt.
Do thiếu I-ốt, tỷ lệ người mắc bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt nhập viện đang gia tăng trở lại. Theo TS-BS Lê Phong- Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, 77% số phụ nữ ở Việt Nam mang thai bị thiếu I-ốt, trong đó hơn 44% thiếu I-ốt từ trung bình đến nặng.
Phụ nữ thiếu I-ốt sẽ dẫn đến sẩy thai, sinh non, sinh con đần độn. Trẻ thiếu I-ốt dẫn đến đần độn thì suốt quãng đời còn lại không thể khắc phục được hậu quả…với người lớn bị thiếu I-ốt sẽ dẫn đến bệnh bướu cổ, giảm trí tuệ.
Bộ NN&PTNT có nên nhảy vào sản xuất muối I-ốt?
Trong khi thực tế chỉ đạo sản xuất muối I-ốt ở bộ Y tế để kiểm soát bệnh tật bị hụt hơi, gặp khó khăn trong phòng chống rối loạn do thiếu I-ốt, thì mới đây, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Cty lương thực 1 xây dựng kế hoạch mua tạm trữ 200 nghìn tấn muối.
Trong đó, sẽ sản xuất 133 nghìn tấn muối I ốt phát không cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Tổng Cty lương thực 1 còn sản xuất 110 nghìn tấn muối I-ốt bán ra thị trường. Kế hoạch này của Bộ NN&PTNT đảm bảo mua muối dự trữ cho diêm dân, để người làm muối có được mức lãi 30%.
Không đồng tình với việc thực hiện mua tạm trữ và phát không muối I-ốt cho đồng bào dân tộc vùng cao TS-BS Lê Phong cho rằng, việc mua và sản xuất muối I-ốt phát không bằng ngân sách là không ổn, bởi muối người dân ăn rất ít, một kg muối I-ốt giá nếu có cao hơn muối thường cũng chỉ vài nghìn đồng/năm.
Trong khi đó, nếu nhà nước chi ra 30 tỷ đồng/năm thôi thì có thể đảm bảo người dân cả nước được ăn muối I-ốt. Một điều quan trọng khác nữa là nếu phát không muối I-ốt cho đồng bào sẽ dẫn đến tình trạng dự trữ muối I-ốt, dân ăn nhiều muối I-ốt cũng phản tác dụng và dẫn đến gia tăng bệnh tật khác.
Cũng theo một số chuyên gia ngành y, việc Bộ NN&PTNT sản xuất muối I-ốt sẽ dẫn đến đảo lộn việc kiểm soát quá trình sản xuất muối I-ốt và kiểm soát bệnh rối loạn do thiếu I-ốt. Chất lượng muối I-ốt sản xuất ra khó mà kiểm soát được chất lượng.
Về mặt kinh tế, nếu phát không muối I-ốt sẽ dẫn đến bất bình đẳng giữa người được thụ hưởng, đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ xây trường học, công trình thiết yếu chứ không cần hỗ trợ 2-3 nghìn đồng/kg muối. Sẽ tốt hơn nếu dành tiền mua muối phát không để đầu tư xây trường học, bệnh xá cho vùng cao.
TS Lê Phong cho biết, sản xuất muối I-ốt để phục vụ người dân cả nước chống bệnh tật, chứ không phải sản xuất chỉ để cấp không cho một vùng nào đó khiến chệch hướng kiểm soát bệnh tật nói chung cho người dân cả nước.
Nếu chỉ muốn hỗ trợ nông dân thu mua muối thì nên dùng chính sách khác phù hợp hơn. Còn sản xuất muối I-ốt thì chỉ nên để cho cơ quan chuyên ngành có kinh nghiệm, năng lực, chuyên môn. Như thế vừa đúng hướng vừa hiệu quả.