PV Tiền Phong là một trong số 19 nhà báo đầu tiên, theo tàu KN926 từ Đà Nẵng, trực chỉ Hoàng Sa. Chỉ biết trước 1 tiếng đồng hồ, tôi vớ vội ít tư trang, đồ nghề tác nghiệp rồi lao vội về Chi đội Kiểm ngư số 3 (Sơn Trà, Đà Nẵng) nhập đoàn. 24 giờ lênh đênh trên con tàu đầu kéo, những lớp sóng xô dồn khiến không ít nhà báo say lử. Nhưng vừa trạm mặt đảo thiêng, chẳng ai bảo ai, mọi người chạy lên cabin ghi lại từng khuôn hình hiếm có. Biển trời Hoàng Sa trong xanh, đẹp đến kỳ lạ. Chỉ tiếc cái giàn khoan lù lù, cùng đội tàu hộ tống Trung Quốc đang làm biến dạng, phá hủy vẻ đẹp tự nhiên của nó. Đập vào mắt tôi là hàng chục những tàu lớn nhỏ hải cảnh, hải giám, quân sự Trung Quốc như con dã thú lên cơn đói khát, trực chờ những tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tới để uy hiếp.
Tôi cùng 2 đồng nghiệp lên tàu CSB 4032, rồi sang “lá chắn thép” 8003 gần tuần lễ, trước khi sang tàu 4032 trở về đất liền. Hơn ai hết, những lần “nhảy tàu”, giúp tôi cảm nhận nhiều hơn tâm tư, tình cảm, thái độ của cán bộ, chiến sĩ trên những biên đội tàu đang ngày đêm giữ từng mét nước chủ quyền. Ngày ngày, biển Hoàng Sa động mạnh, những lớp sóng xô dồn cao 1,5-2m, nghiêng ngả mạn tàu. Các biên đội tàu CSB vững vàng “khoan” các mũi tiếp cận sâu vị trí “điểm nóng” Hải Dương-981. Con tàu 8003 của Việt Nam liên tục bị tàu 3411 Trung Quốc cùng nhiều tàu hải cảnh, hải giám khác của Trung Quốc theo kèm. Cao điểm có đến 4-5 tàu Trung Quốc cùng theo kèm, quyết liệt ngăn cản tàu Việt Nam, khoảng cách chừng 30-50m. Bên các mũi cơ động cảnh sát biển Việt Nam, tàu CSBVN 2015, 2016, 4032 liên tục bị các tàu lớn Trung Quốc hung hãn đe dọa. Những giây phút nghẹt thở diễn ra hằng ngày, hàng giờ. Đội hình các tàu bố trí phải linh hoạt, vòng tránh mới giảm thiệt hại những cú đâm chí mạng của tàu Trung Quốc.
Chuyện “bếp núc” tác nghiệp ngoài Hoàng Sa là kỉ niệm đáng nhớ. Ngày đầu mệt vì say sóng, tôi chẳng dám mở laptop để gõ bài, chỉ cố ghi lại sự kiện chính nhất, rồi phát thảo các bài viết ngay trên giấy. Chúng tôi được hướng dẫn kĩ năng “né” vòi rồng. Người luôn thường trực áo phao, tìm vị trí thành mạn tàu trú tránh. Nhiều lúc quá căng thẳng, anh em được huy động hết vào trong cabin để phòng tránh. Lực phá vòi rồng ghê gớm. Những thanh sắt to bằng cổ tay vẫn có thể bị áp lực vòi rồng bẻ cong. Nhiều kính cường lực nếu bị phun trực diện dễ bị bể nứt.
Không có điện thoại vệ tinh điện về đất liền, anh em trong đoàn ngậm ngùi “thủ hàng”, riêng tôi “may mắn” bởi trên “lá chắn thép” 8003 thuộc hàng hiện đại nhất của CSBVN có kết nối vệ tinh. “Phòng truyền thông” lập ngay trong phòng Chính trị viên Nguyễn Huy Trung. Các tuyến bài được chỉ huy tàu kiểm thảo, góp ý và điện thoại trực tiếp về đất liền. Ở đầu dây phóng viên Nguyễn Thành (Văn phòng Tiền Phong miền Trung) hỗ trợ ghi âm, lọc tiếng, gõ file word kịp thời chuyển những thông tin thời sự, chính xác nhất về đất liền.
Hàng ngày, Tiền Phong là một trong số ít báo cập nhật được dòng tin thời sự nhất về thực địa Hoàng sa.
Với tôi, điều ấn tượng nhất về các cán bộ chiến sĩ trên tàu luôn giữ bản lĩnh cao độ, sự kiềm chế, linh hoạt, khả năng ứng biến tài tình trước mọi tình huống. Giữa bối cảnh phức tạp, nguy hiểm nhưng ai cũng lạc quan, yêu đời, vững một niềm tin, quyết giữ trọn vẹn từng mét nước chủ quyền. Sau những giờ nghẹn thở, mọi sinh hoạt bình thường, mọi người tập thể dục, chơi thể thao. 1 tuần trên tàu, tôi 2 lần được các “tay kéo vàng tiệm cắt tóc Tri Tôn” kỉ niệm bằng quả đầu cắt gọt đáng nhớ.
Đến với Hoàng Sa, chắc chắn không còn câu chuyện của sự vất vả, có chăng chỉ gian nguy bởi hành động xâm phạm, uy hiếp của Trung Quốc. Với tôi, đó còn là sự may mắn, một kỉ niệm để đời trong sự nghiệp làm báo.