1.Lào - Việt hai dân tộc cùng tựa lưng dãy Trường Sơn hơn 2000 cây số. Một bên nhìn về Đông rì rầm sóng biển, một bên hướng về Tây với dòng sông Mê Kông đỏ nặng phù sa. Hai dân tộc Lào - Việt có nét văn hoá tương đồng, chính trị tương đồng và kinh tế tương đồng bậc nhất khối ASEAN.
Cộng đồng người Việt chiếm số lượng đông nhất trong các cộng đồng người nước ngoài ở Lào. Theo Hội người Việt Nam tại Lào, người Việt đến Lào đông đảo, nhất từ giai đoạn 1938-1945, nhiều gia đình Việt đã có thế hệ thứ 5 ở Lào. Đến nay có khoảng 20.000 Việt kiều Lào, đa số sống ở Thủ đô và các thành phố lớn như Viêng Chăn, Champasac, Savannakhet, Khammuon, Attapeu…Việt kiều ở đây chủ yếu làm kinh doanh, dịch vụ, một số ít sản xuất nhỏ, kể cả buôn gánh bán bưng. Khoảng 20% người Việt ở Lào có thu nhập cao, làm chủ các xí nghiệp, nhà máy, hãng kinh doanh lớn, chủ trang trại… Thương hiệu nổi tiếng như Dao Huong của bà Lê Thị Lượng - Chủ tịch tập đoàn Đào Hương, một trong số ít tập đoàn kinh tế lớn ở Lào kinh doanh hệ thống siêu thị biên giới, chế biến cà phê…. Cty sắt thép Khăm Hùng Xay Cha Lơn của anh Phạm Văn Hùng, Việt kiều quê Nam Định có dây chuyền sản xuất tự động hoá, công nghệ tiên tiến, công suất 70 tấn sản phẩm/ ngày, mỗi năm sản xuất khoảng trên 10 nghìn tấn thép đạt tiêu chuẩn chất lượng cao có mặt khắp thị trường 17 tỉnh, thành của Lào. Cty may Kiên MiLay nổi tiếng ở Lào, do Tổng giám đốc Lê Văn Kiên, Việt kiều quê ở Nghệ An làm chủ. Cty này có hơn 3.000 công nhân, sản xuất 18 đến 20 triệu sản phẩm quần áo/năm xuất khẩu sang các nước lớn: Anh, Đức, Pháp, Nga, Mỹ…
Nhờ sự cần cù và tiết kiệm, so với người dân bản địa, cộng đồng người Việt có cuộc sống khá sung túc trên đất bạn. Những khu phố có nhiều cửa hàng cơm, phở, bún, cà phê nhà hàng, khách sạn Việt… nổi tiếng ở một số địa phương. Ở Champasac có cả “làng tiến sĩ” người Việt với hàng chục con em đỗ tiến sĩ, thạc sĩ du học nước ngoài khiến cộng đồng dân cư xung quanh rất ngưỡng mộ. Đây là nguồn lực, là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp trong nước đến thị trường Lào đặc biệt lưu tâm.
2. Đầu tháng 9-2011, tại Thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào. Trên 300 doanh nghiệp hai nước tham dự. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Thủ tướng Lào đều nhấn mạnh tới kết quả hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch, coi kết quả này là nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Việt Nam đứng đầu về đầu tư tại Lào tổng vốn đạt trên 3,3 tỷ USD với 203 dự án, cao nhất trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư.
Thủ tướng Thongsing Thammavong đánh giá cao thiện chí của các nhà đầu tư Việt Nam. Doanh nghiệp Việt không vì lợi nhuận đơn thuần mà có đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội. Chính phủ Lào luôn luôn khuyến khích và tạo các điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam.
3.Trong số các doanh nghiệp trong nước quan tâm đến thị trường Lào có các tập đoàn mạnh như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Golf Long Thành, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn CN cao su, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group)… Lào là thị trường mới mở cửa, đất đai tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân cư thưa thớt, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế, nên đó là cơ hội để phát triển những vùng chuyên canh quy mô lớn cũng như khai thác khoáng sản, thủy điện, bất động sản, chế biến, dịch vụ. Giữa Việt Nam và Lào có nhiều cặp cửa khẩu thông thương giữa 2 nước như cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị) Bờ Y (Kon Tum), Tây Trang (Điện Biên), Na Mèo (Thanh Hóa)…
Trong số các nhà đầu tư vào Lào sự xuất hiện được xem là một hiện tượng bởi trong vòng 5 năm, tổng vốn đầu tư vào Lào đã ở con số hơn 1 tỷ USD. Năm 2007 HAGL bước chân vào thị trường Lào bằng dự án trồng cao su ở Attapu. Năm 2008 làng SEA Games 25 do tập đoàn này tài trợ khoảng 19 triệu USD ra đời ở thủ đô Viêng Chăn thực sự tạo thiện cảm và uy tín cao trong Chính phủ và nhân dân Lào. Từ bước đi ban đầu này, đến nay HAGL đã đầu tư 4 lĩnh vực ở xứ sở triệu voi: Dự án cao su; Dự án mía đường; Nhà máy nhiệt điện; Nhà máy phân bón.
Chúng tôi có nhiều dịp qua lại vùng cực nam Lào, vùng đất này thay đổi từng ngày. Thị xã Attapeu cách đây vài ba năm còn hoang sơ vậy mà từ khi có các doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện ngày càng đông, cửa khẩu với Bờ Y-Kon Tum phá thế ngỏ cụt nên cơ hội giao thương rộng mở. Ông Hoàng Cung Thượng Nhân - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Lào khẳng định trong số các quốc gia láng giềng đầu tư vào Lào như Trung Quốc, Thái Lan, hàng hoá Việt Nam chiếm được cảm tình hơn cả trong cộng đồng các bộ tộc Lào. Cách đây 5 năm thị trường Lào chủ yếu hàng Thái thì nay hàng hoá Việt đã có mặt hầu khắp các bản làng của bạn. Một thuận lợi đặc biệt mà khó quốc gia nào cạnh tranh nổi là trí thức Lào biết tiếng Việt khá lớn, đại học quốc gia Lào hàng năm trao đổi hàng trăm học sinh Việt Nam sang đào tạo, đa số đều có nghề nghiệp tốt khi ra trường. Nguồn lực này góp phần đáng kể thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.