Trên 80% tạp chí khoa học của Việt Nam chưa phù hợp thông lệ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Trên 80% tạp chí khoa học của Việt Nam chưa phù hợp thông lệ quốc tế
TPO - Nhóm nghiên cứu Vcgate (Vietnam Citation Gateway) của GS. Nguyễn Hữu Đức, TS. Võ Đình Hiếu và nghiên cứu sinh Phan Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố các kết quả đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam năm 2020. Kết quả cho thấy, có đến trên 80% tạp chí khoa học của Việt Nam chưa phù hợp theo thông lệ quốc tế.

Chỉ 19,1% tạp chí khoa học được số hóa

Đây là lần thứ 3 nhóm Vcgate công bố kết quả này (hai lần trước vào năm 2016 và 2018). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nhóm đánh giá theo chỉ số chỉ số ảnh hưởng (Impact factor - IF) và chỉ số H-index (mức độ ảnh hưởng tích lũy) theo thông lệ quốc tế.

Năm 2020, có 83 tạp chí được xem xét đưa vào hệ thống Vcgate và được đánh giá. Về chỉ số hưởng được tính cho qua số trích dẫn trong năm 2020 của bài báo xuất bản trong 5 năm (2015-2019), có 72/83 tạp chí có đã chỉ số ảnh hưởng. Trong đó có 42 tạp chí có chỉ số có IF > 0.1; 12 tạp chí có IF > 0,5 và 6 tạp chí có IF > 1,0.

Các trích dẫn được thu thập từ nguồn Google Scholar, do đó thường là cao hơn tổng số trích dẫn từ nguồn Web of Science và Scopus. Kết quả cho thấy, bên cạnh các tạp chí có yếu tố quốc tế, một số tạp chí khoa học của Việt Nam xuất bản hoàn toàn bằng nội lực, nhưng đã nhận được chỉ số IF rất đáng kích lệ.

Trên 80% tạp chí khoa học của Việt Nam chưa phù hợp thông lệ quốc tế ảnh 1

Nguồn Vcgate

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, chất lượng các tạp chí của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, còn xa với nhóm cuối cùng Q4 của các tạp chí quốc tế rất xa. Ngoài ra, năm nay Vcgate cũng công bố kết quả khảo sát chỉ số H-index của các tạp chí. Chỉ số này đánh giá mức độ tích hợp giữa năng suất công bố (số lượng) và chất lượng (số trích dẫn). Theo đó, Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn Lâm và Khoa học Việt Nam có chỉ số cao nhất (H-index = 53).

Đánh giá về bức tranh chung đối với tạp chí khoa học Việt Nam, nhóm Vcgate nhận thấy Việt Nam hiện có trên 600 tạp chí khoa học (chỉ tính riêng trong hệ thống tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm đã có hơn 400 tạp chí), trong đó mới 1 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE (Science Citation Index Expansed) và 8 tạp chí thuộc ESCI (Emerging Sources Citation Index) của Web of Sciences; 10 tạp chí Scopus và 18 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của ACI (Asean Citation Index). Đây là những con số hết sức khiêm tốn so với cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, các tạp chí khoa học của Việt Nam cũng không theo thông lệ quốc tế, từ định dạng đến cách trình bày. Đối với tiêu chuẩn về cơ bản chỉ quan tâm đến hình thức của ACI mà Việt Nam cũng chỉ mới có 18 tạp chí vượt qua. Ban biên tập cũng chưa đang dạng hóa được về mặt địa lý, cách thức trình bày tài liệu tham khảo, quy trình phản biên… đều chưa được chấp nhận.

Trong bối cảnh số hóa như hiện nay mà mới có khoảng 115/600 tạp chí xuất bản trực tuyến (chỉ khoảng 19,1%), trong đó chỉ có 83 tạp chí có website tương đối chuẩn hóa, tương thích với các cơ sở dữ liệu quốc tế và được chỉ mục trong hệ thống Vcgate là một kết quả rất bất ngờ và đáng buồn. Hệ thống Vcgate đã hoạt động được gần 5 năm, đi quảng bá, khuyến khích hỗ trợ các tạp chí rất nhiều, nhưng hầu như không tạo được sự chuyển biến, không biết nguyên do của lực cản từ đâu.

GS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng việc không số hóa sẽ khiến cho các tạp chí tự hạn chế bạn đọc tìm đến mình. “Không có bạn đọc, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có người trích dẫn và như thế, tầm ảnh hưởng của tạp chí đối với cộng đồng khoa học là rất thấp”, GS. Hữu Đức nói.

Quy trình thẩm định tạp chí của Hội đồng giáo sư nhà nước quá đơn giản và chủ quan

GS. Nguyễn Hữu Đức cho biết, trong khi việc quản lý năng suất và chất lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học và tổ chức KHCN Việt Nam có thể được thực hiện rất nhanh chóng và thuận lợi thông qua CSDL của Web of Science và/hoặc Scopus thì việc thống kê và quản lý các ấn phẩm công bố trong nước lại không thể thực hiện được. Nhà nước chi bao nhiêu kinh phí nghiên cứu, nhưng rất khó khăn trong việc quản lý và phân tích chính xác được hiệu quả.

Danh mục tạp chí của Hội đồng giáo sư nhà nước có hơn 400 tạp chí, nhưng việc xét chọn và đánh giá chất lượng còn đơn giản, định tính và chủ quan, chưa có tiêu chí và quy trình xét chọn. GS Nguyễn Hữu Đức phân tích, định dạng và quy cách trình bày của nhiều tạp chí khoa học ở Việt Nam tùy tiện, chưa thống nhất, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, chúng ta chưa có chủ trương khuyến khích đánh giá chất lượng tạp chí theo định lượng và các tiêu chí cụ thể.

GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, chỉ mới có giải thưởng Tạ Quang Bửu và Quỹ Nafosted quan tâm đến các yếu tố quan trọng của chất lượng công trình nghiên cứu thông qua đánh giá 2 chỉ số quan trọng là uy tín của tạp chí khoa học (có chỉ số IF cao và có tầm ảnh hưởng của bài báo của (có chỉ số trích dẫn cao). Nếu các tạp chí khoa học trong nước mà chỉ số IF thấp, chất lượng không đánh giá đúng thì cũng làm hệ lụy đến đánh giá chất lượng của bài báo nói riêng và các kết quả tôn vinhcác nhà khoa học nói chung.

Công trình công bố trên các tạp chí khoa học là cơ sở dữ liệu và thông tin chủ yếu để đánh giá năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học của các cá nhân và tổ chức, là thước đo để công nhận các chức danh và giải thưởng khoa học, các tiêu chí đánh giá cán bộ... Nếu không quan tâm đến điều này, chỉ đánh giá dựa trên chất lượng các tạp chí như hiện nay thì hệ lụy sẽ vô kể.

Do đó, GS. Nguyễn Hữu Đức khuyến nghị, cần nâng cao tính chuẩn hóa và số hóa hệ thống các tạp chí khoa học của Việt Nam, cần phát triển hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn Việt Nam, xây dựng bộ tiêu chí và sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống trích dẫn để đánh giá chất lượng các tạp chí.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.