Anh Trần Đức Mười (một thương lái bán cây nêu trên đường Lê Nin, thành phố Vinh) cho biết, trung bình mỗi ngày anh bán được gần 100 cây. |
Đây là những cây tre già, thẳng và cao từ 10-15m, được lau sạch nhánh và trừ lại ngọn. Mỗi cây hiện có giá từ 150.000 - 300.000 đồng. |
Ngoài nguồn tre, trúc từ các huyện miền núi trong tỉnh, một lượng đáng kể được vận chuyển từ miền Bắc về. |
Ngoài bán tre, nhiều thương lái còn kiêm luôn dịch vụ dựng cây nêu tại nhà. Những cây nêu hoàn chỉnh được trang trí đèn led, đèn nháy, đèn lồng… có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng tùy loại. |
Trên thân cây nêu, người dân thường trang trí thêm ngôi sao, lồng chim, bánh chưng… Đặc biệt, nhiều cây nêu còn được bọc bao quanh bằng lá cây đủng đỉnh. Ngoài làm đẹp, theo người dân, cây đủng đỉnh cũng là loài xua đuổi tà ma. |
“Ông cha ta thường nói cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh. Bởi thế nên cây nêu càng cao, thân già, đốt đều càng được ưa chuộng. Những cây này cũng sẽ có giá cao hơn”, một thương lái bán cây nêu chia sẻ. |
Thời điểm hiện tại, nhiều người dân tại Nghệ An đã bắt đầu dựng nêu đón Tết. Nhiều tuyến đường đã bắt đầu được tô điểm bởi hàng loạt cây nêu. |
Ông Nguyễn Văn Phượng (trú huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, ngày nay, nhiều người dựng nêu sớm cho có không khí Tết. Tuy nhiên, nếu đúng ý nghĩa thì phải đến ngày 23 tháng Chạp mới dựng. |
“Theo tích xưa thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Công, ông Táo lên chầu trời nên phải dựng đúng ngày mới có ý nghĩa”, ông Phượng nói. |