Trẻ lén lút chơi game khi học trực tuyến: Xử lý được không?

0:00 / 0:00
0:00
Một học sinh lớp 3 ở Hà Nội vẽ bẩn lên màn hình trong giờ học trực tuyến
Một học sinh lớp 3 ở Hà Nội vẽ bẩn lên màn hình trong giờ học trực tuyến
TP - Một số phụ huynh than phiền, từ khi giao máy tính, iPad cho con học trực tuyến đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại, nhất là con lén lút chơi game cả trong và ngoài giờ học.

Chị Nguyễn Thu Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn. Chị cho biết, cách đây ít ngày đã tự “đuổi” con ra khỏi lớp học trực tuyến vì phát hiện cậu bé đang nhoay nhoáy chơi game.

“Hỏi thì con trả lời, học chán quá nên vào chơi game. Nếu tình trạng này kéo dài con nghiện game thì nguy hiểm. Từ giờ phải nghiên cứu thêm các phần mềm quản lý trẻ khi sử dụng máy tính”, chị nói.

Mẹ của một bé học lớp 3 Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể rằng, từ khi học trực tuyến, được giao iPad để tự đăng nhập ứng dụng học bài, con chị bắt đầu lén tải trò chơi điện tử để chơi. “Tôi đau đầu không biết phải xử lý thế nào vì đi làm vẫn phải giao máy cho con ở nhà để học”, chị nói.

Cô Bùi Hồng Yến, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) nói rằng, cô luôn yêu cầu học sinh tắt micro, bật camera, nhưng một vài em không bật camera. Tùy vào thiết bị, khi học sinh chơi game trong giờ học, camera sẽ tắt hoặc không.

Trường khó kiểm soát

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nói rằng, quy định dù chặt đến đâu thì với lớp học trực tuyến, giáo viên khó có thể kiểm soát hết, nhất là khi đường truyền không ổn định, nhiều em bị thoát ra.

“Do đó, rất cần sự hỗ trợ, giám sát của phụ huynh vì khi các em được giao thiết bị để học tập có thể dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hoặc truy cập các ứng dụng khác nhà trường không nắm bắt được”, bà Hiền nói.

Hiệu trưởng một trường THCS khác tại Hà Nội chia sẻ, từ sau đợt học trực tuyến năm ngoái, tất cả học sinh đến lớp đều sử dụng điện thoại thông minh, điều mà trước đây nhà trường cấm. Khi dùng điện thoại thông minh, học sinh có thể tra học liệu phục vụ học tập nhưng cũng có thể sa bẫy tin xấu, web đen.

“Năm trước, có một học sinh xem clip đen trong giờ học bị các bạn phát hiện, hiệu trưởng mời lên phòng xử lý thì em này cho biết, trước đó từng nhiều lần xem”, vị hiệu trưởng kể.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, trường đã có nội quy, yêu cầu giáo viên siết kỷ luật, tăng tương tác, hỏi bài để tất cả học sinh trong lớp không bị bỏ rơi.

Ví dụ, trong giờ dạy, giáo viên ra những câu hỏi, gọi tên bất ngờ, học sinh không trả lời hoặc mất tập trung sẽ bị nhắc nhở.

MỚI - NÓNG