Trẻ em và khả năng nhận biết giọng nói của mẹ như 'siêu nhân'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu của đại học Stanford đã chỉ ra rằng trẻ em có khả năng phát hiện giọng nói của mẹ trong chưa đầy một giây.

Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 24 trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 12 bằng cách cho chúng nghe nhiều bản thu âm giọng nữ khác nhau, trong đó chỉ có một bản thu âm là tiếng của mẹ.

Những đoạn ghi âm này thường là những lời lộn xộn, vô nghĩa, hơn nữa được phát không theo một thứ tự nào. Tuy vậy, những đứa trẻ tham gia cuộc nghiên cứu vẫn có thể dễ dàng phát hiện ra giọng nói của mẹ mình.

“Tiếng nói là một điều kì diệu hơn tất thảy những âm thanh khác. Dù chúng tôi chưa tìm được nguyên do cho khả năng nhận biết giọng mẹ của trẻ nhưng chắc chắn tiếng nói của mẹ đóng một vai trò quan trọng hơn chúng ta vẫn tưởng. Nó tạo ra những liên kết sinh học, liên kết thần kinh, giúp hình thành và phát triển não bộ của trẻ ngay từ khi còn rất bé.” Tiến sĩ Daniel Abrams chia sẻ.

Sự nhận biết thần kì này có thể bắt nguồn từ rất lâu trước đây, khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ và cảm nhận thế giới xung quanh một cách gián tiếp. Do thính giác là cơ quan phát triển sớm nhất của bé nên khoảng 25 tuần tuổi, thai nhi đã có thể phân biệt và ghi nhớ giọng nói của mẹ.

Các nhà khoa học cũng tiết lộ rằng giọng nói của mẹ có khả năng kích thích thính giác hơn hẳn những âm thanh thông thường khác. Chưa đầy một giây sau khi nghe thấy âm thanh, phần xử lý thông tin cảm xúc ở trung tâm não bộ sẽ lóe sáng và trẻ cũng có thể hình dung ra được khuôn mặt của mẹ mình.

Ngoài ra, khả năng này còn cho phép chúng ta dự đoán khả năng giao tiếp xã hội của trẻ mai sau. Trẻ nhận biết giọng của mẹ càng nhanh thì càng có nhiều kết nối thần kinh và sẽ dễ dàng trao đổi thông tin với những người xung quanh hơn.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG