Trẻ em sinh ra không tự dưng mất dạy!
> Trào lưu chế, xuyên tạc trên Facebook
> Nữ sinh 14 tuổi, nhảy lầu tự tử vì bị xúc phạm trên Facebook
Trẻ tập nhiễm hành vi xã hội nhiều nhất ở gia đình. Việc cô bé 18 tuổi chửi bố mẹ trên Facebook cũng là điều dễ hiểu.
Từ Nữ Triệu Vương
Khi đọc bài viết về một nữ sinh không làm được bài, lên mạng lăng mạ bố mẹ, báo chỉ chỉ lên án mặt bề nổi, nghĩa là: "Tại sao có con cái lại chửi cha, mắng mẹ?", "Quy chuẩn đạo đức trong xã hội Việt Nam thì không có kiểu ngược đời đấy"...
Thực sự, báo chí đang cho mình cái quyền phán xét, nhất là khi trình độ của một vài nhà báo cũng chỉ: cử nhân.
Việc cô bé 18 này chửi bố mẹ trên Facebook, phẫn uất bố mẹ, thậm chí nếu đi xa hơn là tự tử... cũng là việc rất dễ hiểu. Cái quan trọng, là bố mẹ cô ấy phải hiểu con mình đang ở giai đoạn phát triển nào, gặp những vấn đề gì về tâm lý, từ đó có cách nhìn về con, cách ứng xử với con sao cho hợp lý, tránh dồn trẻ đến bước đường... tự vẫn, bỏ nhà.
Cô bạn Hương L - người được cho là có hành động lăng mạ bố mẹ trên Facebook. |
Mình nghĩ vài điều thế này thôi:
Nếu trẻ sinh ra trong một gia đình chỉ có tiếng chê bai, chửi rủa, sự so sánh thấp kém, hơn thua, sự hãnh tiến... thì đứa trẻ đó sẽ phát triển không bình thường, chúng sẽ có vấn đề rối nhiễu ở mặt tâm lý. Và nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên, khi gặp nhiều vấn đề lo hãi, căng thẳng như thi cử liên miên thì sự rối nhiễu ấy được bộc lộ, trông thấy rõ ràng nhất.
Những đứa trẻ sinh ra không tự dưng trở thành trẻ mất dạy, vô giáo dục, không có học... Trẻ được tập nhiễm hành vi xã hội nhiều nhất ở gia đình, tiếp đến là thầy cô bạn bè, môi trường sống xung quanh. Trong một gia đình như cô bé dưới đây bức xúc cha mẹ trên Facebook thì tôi đánh giá gia đình này sẽ tạo nên một sản phẩm là cô bé ấy.
Một gia đình như cô bé cảm nhận là: họ không làm gì được cho mình; họ không yêu mình; họ đánh giá bản thân mình thấp bằng cách so sánh với người khác; họ muốn giết mình... Vậy thì chắc chắn sẽ tạo ra một cô bé sẽ chửi bậy, không tôn trọng gia đình, không coi gia đình là một giá trị nhất định.
Lỗi ở đây là do bố mẹ đã không giáo dục, dạy dỗ con như họ mong muốn, để đến khi xảy ra những trường hợp không hài lòng thì họ đổ vấy lỗi cho con, và lại so sánh con cái với những đứa bạn khác.
Lỗi ở đây là bố mẹ không chấp nhận con mình như bản thân nó có. (Ví dụ: đứa trẻ vừa sinh ra vì một lý do sinh học nào đấy con nói chậm, làm chậm thì bố mẹ lại không hài lòng với việc ấy. Muốn con phải nhanh nhẹn, hoạt bát). Vậy thì đấy mới là vấn đề của bố mẹ.
Trong trường hợp cô bé mắng cha mẹ trên Facebook, mình hoàn toàn thông cảm và thấu hiểu được điều đó. Mình không trách con bé, thậm chí còn cực thương. Điều mình buồn ở đây chính là bố mẹ em, gia đình và môi trường xung quanh em.
Còn theo Tâm lý học Phát triển của cô Khánh Hà thì thế này, đưa tạm hai điều ra để mọi người tham khảo:
Giao tiếp với bạn bè ở tuổi này trở thành chủ đạo, đôi khi lấn át cả việc học. Giao tiếp với cha mẹ trở nên hẹp hơn, thậm chí, trẻ không nghe lời cha mẹ. Thực chất, trong lứa tuổi này cha mẹ có vai trò rất quan trọng nhưng lại bị trẻ phủ định, còn bạn bè của trẻ được đưa lên mục ưu tiên số một, những nhận định của bạn bè hầu như được trẻ đồng ý, nhất là các lĩnh vực như ăn mặc, giải trí....
Nếu gia đình không tạo dựng được cho trẻ lòng tin, sự định hướng chắc chắn phù hợp với trẻ và gia đình thì trẻ sẽ theo giá trị của nhóm bạn, và rất dễ xảy ra giá trị ấy không đúng đắn.
Ở những gia đình có mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái tuổi thiếu niên nguyên nhân chính là do khác biệt nhận thức giữa cha mẹ và con cái về nhu cầu độc lập của con. Con cái mong muốn tự mình đưa ra quyết định đối với những lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày và giảm sự phụ thuộc vào những quy tắc do bố mẹ đưa ra.
Bố mẹ và con cái nên hiểu rõ: không có sự độc lập hoàn toàn và không có sự phụ thuộc hoàn toàn. Bản thân bố mẹ và con cái (các thành viên trong xã hội) đều có sự độc lập và phụ thuộc ở các mức độ khác nhau.
Theo Ngôi sao