“Trẻ” đụng “Đỏ”

Mấy ngày qua, dư luận lại ồn ào với chuyện “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà làm mới ca khúc quen thuộc “Quảng Bình quê ta ơi”.
Mấy ngày qua, dư luận lại ồn ào với chuyện “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà làm mới ca khúc quen thuộc “Quảng Bình quê ta ơi”.
TP - Còn nhớ, vài năm trước Thái Thùy Linh làm album “Bộ đội” gồm những bài “nhạc đỏ” đi cùng năm tháng. Ban đầu, cô cũng gặp sự chỉ trích lớn từ dư luận, họ cho rằng cô đang “cưỡng bức” nhạc cách mạng. Thế nhưng về sau, chính album này lại là một cột mốc trong sự nghiệp của nữ ca sỹ trẻ dám nghĩ, dám làm.

Mấy ngày qua, dư luận lại ồn ào với chuyện “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà làm mới ca khúc quen thuộc “Quảng Bình quê ta ơi”. Làn sóng chê mạnh mẽ hơn khen. PGS. Nguyễn Thị Minh Thái “phang” mạnh: “Một bài hát hay mà trình bày một cách nhố nhăng”. Bà có lập luận của mình: “Nếu cách xa thời đó, người ca sỹ cho rằng có thể phá cách và nhảy trên sân khấu, hát sai với tinh thần của bài hát thì ai người ta nghe được?”. Ý kiến của bà nhận được sự đồng tình của đám đông. Nhưng trong sáng tạo và phê bình nghệ thuật, ý kiến đám đông chưa hẳn đã là chuẩn mực.

Những người yêu âm nhạc, yêu ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” có lẽ sẽ hài lòng hơn với nhận xét khách quan của NSND. Thu Hiền, người cực kỳ thành công với sáng tác này của nhạc sỹ Hoàng Vân: “Tôi đã xem qua phần thể hiện của Hồ Ngọc Hà và tôi thấy không có vấn đề gì để bàn cãi cả. Mỗi ca sỹ, mỗi dòng nhạc đều có khán giả của riêng mình”. Bà cũng nhắn gửi tới người yêu nhạc: “Nên trân trọng sự phá cách của các ca sĩ trẻ thay vì ném đá và chê bai”. Theo Thu Hiền, nên khuyến khích ca sỹ trẻ khi cô ấy dám trình bày lại một ca khúc kinh điển theo phong cách của mình. Đáng tiếc, cha đẻ của “Quảng Bình quê ta ơi” đang gặp trục trặc về sức khỏe nên không bình luận.

Cách đây không lâu, Thanh Lam cũng từng tạo ra luồng khen chê khi cô trình diễn “Dáng đứng Việt Nam” trong chương trình “Giai điệu tự hào”. Có người cho rằng: Nghe Thanh Lam hát mà nổi da gà vì sự truyền cảm. Số khác lại nói ngược: Nghe Diva hát nổi da gà vì sợ v.v… Hình như cứ ca sỹ chuyên dòng nhạc trẻ đụng đến “nhạc đỏ” là thành chuyện? Phần lớn khán giả không chịu được sự phá cách hay sự phá cách đó mang tính phá hoại? Đây cũng là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng nếu như chỉ vì cảm tính ban đầu chưa sẵn sàng cho sự tiếp nhận cái mới, đã vội “ném đá” thì thật thiệt hại, cho cả người thưởng thức lẫn chủ thể sáng tạo. Trường hợp được ủng hộ như Đan Trường trong chương trình “Giai điệu tự hào” cuối năm ngoái, khi anh thể hiện tiết mục “Tình đất đỏ miền Đông” không nhiều, khi phần trình diễn này đã nhận được số phiếu bình chọn của khán giả nhỉnh hơn cả một ca khúc cách mạng khác do NSND Thu Hiền trình bày.

Người ta vẫn trách giới trẻ không tha thiết với những ca khúc đi cùng hồn thiêng sông núi, mải mê với những ca khúc lai căng, nửa nạc nửa mỡ song hình như lại tỏ ra quá khắt khe khi các ca sỹ trẻ thể hiện nhạc phẩm cũ theo cách riêng? Đan Trường từng tự nhận không thể sánh với những ca sỹ gạo cội chuyên hát dòng nhạc truyền thống nhưng anh vẫn muốn được đóng góp sức mình để đưa ca khúc kinh điển tới gần hơn với công chúng trẻ.

Nhìn ra âm nhạc thế giới, không ít ca khúc được cover lại thành công hơn bản cũ. Một thí dụ nhỏ: “Unchained Melody” qua giọng ca của Todd Duncan từng được đề cử cho giải Oscar ca khúc hay nhất trong phim từ năm 1955. Nhưng bản ghi âm nổi tiếng nhất mà chúng ta biết đến sau này lại là bản do nhóm nhạc The Righteous Brothers hát lại vào năm 1965. “Unchained Melody” trở thành thương hiệu gần như độc quyền của The Righteous Brothers dù trước đó bài hát này đã nổi tiếng hay sau này cũng được nhiều giọng ca tầm cỡ như Elvis Presley, Leo Sayer, LeAnn Rimes, Cyndi Lauper, Barry Manilow hát lại. Đến năm 1990, nhà sản xuất bộ phim “Ghost” chọn bản này làm nhạc phim, để rồi một năm sau, The Righteous Brothers lại nhận được một đề cử giải Grammy với chính ca khúc này.

Nên chăng chúng ta hãy hào phóng tặng nghệ sỹ những cơ hội, nếu bản thân họ đang khát khao được ghi dấu cái tôi cá nhân?

MỚI - NÓNG