Trẻ đến bao giờ?

TP - Chương trình Giai điệu Tự hào luôn gắng làm mới những bài hát cũ để thu hút khán giả. Nhưng không phải khi nào một bài chậm cũng có thể biến thành sôi động. “Xa khơi” thuộc loại này. 

Vì thế mà khi Anh Thơ hát xong, MC Nguyên Khang - ngồi trong hội đồng bình luận trẻ - nhận xét: “Ca khúc nhẹ như thế chỉ thích hợp để nghe trước khi đi ngủ”. 

  

Anh cũng bày tỏ: “Mọi người thường hay nói giới trẻ xa rời ca khúc không thuộc lứa tuổi của họ. Thực ra chúng con không hề xa rời, chỉ là cách đưa nhạc đến cho người trẻ tiếp thu và cảm nhận không gần gũi. Nếu ca sĩ trẻ có thực lực thể hiện ca khúc cách mạng, giới trẻ không bao giờ thờ ơ với những vấn đề của đất nước cũng như những ca khúc có tuổi đời rất lâu rồi”.

Tâm sự của anh có vẻ hoàn toàn bình thường. Đúng quá, giới trẻ không thể nào già trước tuổi được. Muốn họ quan tâm thì các giá trị già cỗi phải đi mà trẻ lại. Nhưng với một số thứ, làm mới có nghĩa là biến dạng. Chẳng hạn như chèo, tuồng… Và vì thế yên tâm là chúng sẽ chẳng bao giờ được giới trẻ đoái hoài?!

Đời sống từ gia đình đến xã hội của chúng ta hình như vẫn đang vận hành theo kiểu lấy con trẻ rồi đến người trẻ làm trung tâm. Mọi thứ xung quanh phải biến đổi cho phù hợp với đối tượng này, trong khi họ cứ tung tăng đi con đường của họ. 

Con đường đó là gì? Là học theo những giá trị được coi là hiện đại, văn minh của phương Tây để có một cuộc sống tốt hơn về vật chất. Điều này sẽ hợp lý nếu song song với nó, những giá trị văn hóa tinh thần của họ không bị Tây hóa triệt để. Và trong tương lai rất có thể người Việt chỉ còn khác người Tây về nước da mà thôi. 

Mọi vấn đề có thể được đổ cho giáo dục. Nếu người lớn chưa thực sự “lớn”, sao nuôi lớn được trẻ con?! Chỉ còn biết hy vọng vào một lớp trẻ có khả năng tự lớn. Đủ để họ có thể hiểu rằng “Xa khơi” của Tân Nhân là một giá trị nghệ thuật và tư liệu mà nếu không biết đến, họ có thể sẽ thiệt thòi. Còn có làm mới và mới đến đâu chính là việc của họ.


MỚI - NÓNG