Trẻ bị ngược đãi, giết hại: Có lỗi của cơ quan quản lý

TP - “Trẻ bị người chăm sóc ngược đãi, đánh đập. Nghiêm trọng hơn nhiều em bị chính cha mẹ ruột hành hạ,  thậm chí giết hại. Hệ quả này có một phần lỗi của các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý và tổ chức các biện pháp bảo vệ chăm sóc trẻ em”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) nêu ý kiến khi thảo luận về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), ngày 23/11.

Nhiều băn khoăn khi nâng tuổi trẻ em


Cho ý kiến về dự thảo, ĐBQH Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông) cho biết, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhất trí cao với các nội dung, kể cả về nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, bởi điều này thể hiện nhiều tiến bộ. 

Tuy nhiên, hiện nay khi ban hành Luật Thanh niên thì độ tuổi thanh niên quy định từ 16 đến 30 tuổi và thời điểm đó chỉ nâng một tuổi, tức là từ 15 lên 16 tuổi. Dự thảo đề nghị nâng độ tuổi dưới 18 gọi là trẻ em,  như vậy Luật Thanh niên sẽ phải sửa, tức thanh niên Việt Nam từ 18 đến 30 tuổi. Do đó cũng phải sửa lại Điều lệ Đoàn để tuổi đoàn viên từ 18 đến 30 và học sinh cấp ba chưa biết để tổ chức nào quản lý.

“Nếu để Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở cấp ba thì tôi thấy rất khó khăn. Còn nếu tổ chức Đoàn thanh niên ở học sinh cấp ba thì Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng nên diễn đạt lại, không nên ghi trẻ em là người dưới 18 tuổi. Việc này có lẽ chúng ta giải quyết bằng phạm vi điều chỉnh dành cho những người dưới 18 tuổi thì sẽ phù hợp hơn. Khi luật đã ban hành và Luật Thanh niên cũng sửa sẽ là một tác động rất lớn đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng như tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh”, ĐB Vinh đánh giá.

ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) phân tích, quy định độ tuổi khác nhau dẫn tới việc hiểu khái niệm trẻ em rất khó. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 không quy định độ tuổi của trẻ em mà chỉ quy định quyền của trẻ em là  được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục... Bộ luật Lao động quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên được ký kết hợp đồng lao động, Luật Thanh niên quy định thanh niên là công dân từ đủ 16 – 30 tuổi.

“Giả sử có lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đối tượng chuẩn bị kết hôn là lớp tiền hôn nhân thì đối tượng tham gia là trẻ em gái hay sao?”,  ĐB Phương nói và cho rằng những người phạm tội hiếp dâm, giao cấu, cưỡng dâm với đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi lại không coi là hiếp dâm trẻ em. Trong khi đó Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định cụ thể các tội danh mà người chưa thành niên là từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định thêm hành vi cấm “bỏ mặc trẻ em”

Đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Ma Thị Thúy  (Tuyên Quang) cho rằng, thời gian qua có rất nhiều trẻ em mới sinh đã bị chính bố mẹ đẻ bạo hành và vứt bỏ trong rừng, ngoài đường, ao hồ, đền chùa, thậm chí thùng rác, trong nhà vệ sinh mà báo chí liên tục đưa tin. “Tôi thấy những hành vi đó phải được pháp luật trừng trị thật nghiêm minh. Dự thảo quy định 16 hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số hành vi nữa. Tôi đề nghị bổ sung thêm ba hành vi bị nghiêm cấm: Bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em và bóc lột trẻ em”, bà Thúy nói.

Có cùng băn khoăn, ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) viện dẫn thực tế thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều vụ xâm hại trẻ em một cách tàn bạo, gây tổn hại đến thể chất và chấn động nặng nề cho tinh thần của trẻ. 

“Trẻ em bị người chăm sóc ngược đãi, trẻ bị người có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em đánh đập, điển hình các vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em ở trường mầm non hay vụ công an phường đánh đập một em bé ở thành phố Huế. Nghiêm trọng hơn, nhiều em bị chính cha mẹ ruột hành hạ, thậm chí giết hại. 

Điều đáng lưu tâm là hầu hết những vụ việc này được phanh phui nhờ báo chí hoặc được phổ biến trên mạng giáo dục chứ không phải qua các cơ quan chức năng. Điều này phản ánh đạo đức xã hội xuống cấp, đồng thời cũng cho thấy hạn chế trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực ngược đãi. Tôi cho rằng hệ quả này có một phần lỗi của các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý và tổ chức các biện pháp bảo vệ chăm sóc trẻ em”, ĐB Lan nói. 

ĐB Lan đề nghị, để khắc phục tình trạng này cần quy định cơ chế, biện pháp để áp dụng ba cấp độ bảo vệ trẻ em, làm rõ và cụ thể hơn nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cấm khai man làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê

Ngày 23/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thống kê (sửa đổi) với 9 chương, 72 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật sửa đổi quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê… 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.