Trẻ & mới xứng với lời khen của Bác

Trẻ & mới xứng với lời khen của Bác
TP - Để tờ báo Đoàn lớn mạnh như hôm nay có công đóng góp của tất cả các thế hệ cán bộ, phóng viên Tiền phong qua 55 năm hình thành và phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập báo, xin giới thiệu một số gương mặt đã và đang công tác tại Tiền phong qua các thời kỳ.
Trẻ & mới xứng với lời khen của Bác ảnh 1
Họa sĩ Tôn Đức Lượng

Họa sĩ Tôn Đức Lượng, sinh năm 1928, công tác tại báo Tiền phong từ ngày thành lập báo cho đến lúc nghỉ hưu năm 1982.

Mái tóc bạc trắng, bồng bềnh,  đôi mắt hãy còn tinh anh, họa sỹ  Tôn Đức Lượng vẫn còn nhớ như in “cái thuở ban đầu” ra đời báo Tiền phong ở Bản Dõn, Tân Trào, Tuyên Quang. “Báo Tiền phong do đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn kiêm chủ nhiệm báo. Cái tên Tiền phong được đồng chí Nguyễn Lam lấy ý từ tờ Avand Garde (Tiên phong) của Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp.  (Tiền phong có nghĩa là đi đầu, thể hiện tính xung kích, dấn thân của thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh).

Để ra được số báo đầu tiên, phải trải qua quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Giữa năm 1953, Trung ương Đoàn cử đoàn đại biểu sang dự Liên hoan Thanh niên thế giới ở Budapet thủ đô của Rumani. Nhân dịp này, Ban chủ nhiệm báo Tiền phong đã nhờ đoàn đại biểu của Trung ương Đoàn chụp ảnh sự kiện Liên hoan và khi đi về qua Trung Quốc thì làm ảnh kẽm luôn để  ít lâu sau đăng trên số đầu tiên của Tiền phong.

Ma két và măng sét báo do họa sỹ Tôn Đức Lượng vẽ, khắc gỗ ở Bản Dõn.  Ngày 16/11/1953, tờ báo ra số đầu tiên với 1.000 bản, in trên giấy nâu, hình thức tươi mới, trẻ trung, chùm ảnh đẹp về Liên hoan Thanh niên Thế giới tạo ấn tượng mạnh.

Hồi ấy công tác phát hành rất khó khăn nhưng tờ báo đã được các đoàn viên thanh niên hết sức đón nhận. Đặc biệt, Bác Hồ sau khi xem báo, đã gửi ngay nhận xét cho đồng chí Nguyễn Lam: Ra được tờ báo của Đoàn vào lúc này là rất quý. Tờ báo có bộ mặt trẻ và mới.

Họa sỹ Tôn Đức Lượng tâm sự: “Ngay từ những ngày đầu, cán bộ, phóng viên Tiền phong đã làm việc quên mình vì tờ báo, luôn vượt khó, đổi mới, sáng tạo. Và cũng ngay từ những ngày đầu, Tiền phong đã bảo vệ quyền lợi của thanh niên, là diễn đàn của thanh niên. Có lẽ vì thế mà  55 năm qua, báo đã có những bước phát triển vượt bậc”.

Đến nay, họa sỹ Tôn Đức Lượng vẫn giữ thói quen đọc báo Tiền phong hàng ngày. Sự gắn bó máu thịt với báo Tiền phong đủ cho ông cảm nhận được những chuyển biến trên từng số báo. Ông bảo: “Tôi nghĩ, dù thế nào Tiền phong phải luôn Trẻ và Mới như lời của Bác Hồ khen cách đây 55 năm”.

Đấu tranh để xây dựng là nhiệm vụ cao đẹp của báo chí

Trẻ & mới xứng với lời khen của Bác ảnh 2
Nhà báo Hoàng Thiên Nga

Hoàng Thiên Nga được biết nhiều trên báo Tiền phong như một cây bút chống tiêu cực. Đông đảo độc giả vẫn còn nhớ những loạt bài điều tra chống tiêu cực gây dư luận và hiệu quả xã hội của nhà báo Hoàng Thiên Nga như Lật tẩy một phi vụ thi hành án, Làm gì để chữa bệnh cho Bệnh viện Đa khoa Đăk Lăk, Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia, Mua suất đỗ giá 30 triệu đồng, Kiểm sát viên tống tiền bị can,... Có những phóng sự điều tra của chị đã đoạt giải báo chí quốc gia.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga tâm sự: Tôi luôn thấy đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực là mảng bài khó viết nhất, phải day dứt đắn đo từng chữ, phải sẵn sàng đương đầu với đủ kiểu “phản pháo” từ phía đối tượng bị phê phán, phải chịu sức ép từ nhiều phía với những đêm dài thao thức mất ngủ. Nói gọn là “mất” nhiều mà chẳng “được” bao nhiêu. Nhưng đấu tranh để xây dựng chính là một trong những chức trách cao đẹp nhất của báo chí.

Năm 2003, loạt phóng sự điều tra nhiều kỳ Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia của Hoàng Thiên Nga đang gây chú ý của công luận trên báo Tiền phong thì thật “ngẫu nhiên” trong đêm khuya, chiếc xe ôtô của gia đình chị bị hai kẻ lạ mặt đột nhập vào gara đốt cháy.

Một phó giám đốc Công an tỉnh trả lời phỏng vấn đã khẳng định đây là vụ án có tính chất “khủng bố tinh thần” nhà báo. Nếu là phụ nữ “yếu bóng vía”, như thế có lẽ cũng đủ để “chừa”! Nhưng Hoàng Thiên Nga thì vẫn đều đặn xuất hiện trên  Tiền phong với những bài báo đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực.

Tự hào được “khoác áo” Tiền phong

Trẻ & mới xứng với lời khen của Bác ảnh 3
Nhà báo Phùng Công Sưởng

Sinh năm 1974, công tác tại Tiền phong từ năm 2001, Phùng Công Sưởng hiện là một trong những phóng viên  năng nổ nhất của Tòa soạn. Từ khi học phổ thông, Phùng Công Sưởng đã thích đọc Tiền phong, một tờ báo có bề dày truyền thống, chẳng những là diễn đàn của tuổi trẻ cả nước mà còn được độc giả nhiều lứa tuổi đón nhận với những bài viết đi sâu vào số phận con người như Người vô danh, Vụ án ba ngàn ngày oan trái, Xôn xao về một án tử hình...

Khi là sinh viên, Phùng Công Sưởng có nhiều bài viết được đăng trên Tiền phong và trở thành cộng tác viên thân thiết của báo. Đến khi chính thức về công tác tại tòa soạn, Phùng Công Sưởng rất tự hào vì được “khoác áo” Tiền phong, nhanh chóng dấn thân vào những đề tài vốn là thế mạnh của Tiền phong như các mảng chống tiêu cực và phản biện xã hội...

Phùng Công Sưởng quan niệm: “Trách nhiệm của một phóng viên là biết phát hiện vấn đề và dám đi tới cùng khi đã triển khai vấn đề đó”. Đơn cử như đề tài về “Nhà công, đất công tại Hà Nội”- Phùng Công Sưởng đã phát hiện đề tài này và triển khai vấn đề với một loạt bài viết được xã hội quan tâm. Khi đó lượng phát hành của Tiền phong tăng vọt, đi đến đâu nói đến Tiền phong là nhiều người nhớ ngay là tờ báo vừa có loạt bài về “nhà công, đất công”.

Hoặc như loạt bài “Trung tâm Tài chính Thương mại “nuốt” Hồ Gươm”, nhờ việc triển khai bài viết một cách có hệ thống nên cuối cùng Thủ tướng Chính phủ đã quyết định không để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện dự án này.

Với loạt bài Nhà công, đất công tại Hà Nội, năm 2006 Phùng Công Sưởng đã đoạt giải C Báo chí Quốc gia; còn loạt bài “Trung tâm Tài chính Thương mại “nuốt” Hồ Gươm” đã đem lại cho anh giải B Báo chí quốc gia năm 2007.

MỚI - NÓNG