Trẩy hội chợ trâu Cán Cấu

TP - Rực rỡ hồn nhiên, tràn trề sức sống là ấn tượng của bất kỳ ai dù chỉ một lần đặt chân đến chợ trâu Cán Cấu, phiên chợ đại gia súc lớn nhất vùng cao Tây Bắc họp vào thứ bảy hàng tuần, trên lưng chừng dốc Cán Chư Sử sớm chiều mây núi vờn quanh ...
Chợ trâu họp dưới thung lũng.

Trên độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, Simacai (Lào Cai) tuyệt đẹp với những rừng thông sa mu bạt ngàn vươn thẳng tắp trong sương mây. Khắp huyện vùng cao này, nhìn đâu cũng thấy núi non mờ xanh với những mỏm nhọn cao vút giăng thành, vững chãi bao quanh những cánh đồng hoa tam giác mạch vụ cuối đông nở hồng dịu, mỏng manh, bát ngát.

Sáng thứ bảy, công sở im lìm, còn dân chúng kéo cả ra đường, đông vui như trẩy hội, người xe ken kín mọi lối đi, chen giữa những chàng cưỡi ngựa, cưỡi trâu đủng đỉnh tiến dần về phía chợ Cán Cấu. Khoảng 9 giờ sáng chợ đã đông nghịt người, rực rỡ váy áo thổ cẩm bung xòe. Phía trên tấp nập bán mua trăm nghìn mặt hàng thượng vàng hạ cám, từ vải vóc áo quần trái cây rau cải, ớt khô, mía ngọt, kẹo bánh, mật ong, dược liệu, cho tới kim chỉ, nia sàng chổi rế, hàng bạc nữ trang chạm khắc tỉ mỉ. Dưới thung lũng, cả mấy trăm con trâu bò tụ về lổm ngổm, sừng đọ sừng,  đuôi chạm đuôi. Hàng chục nhóm du khách Âu, Mỹ vóc dáng cao lớn nổi bật giữa dòng người bản địa thấp bé hào hứng quay phim chụp ảnh, đầy vẻ thích thú.

Các nẻo đường về chợ đều tấp nập người dắt trâu đi như trẩy hội.

Tôi hỏi dân địa phương: Chợ Cán Cấu có tự bao giờ? Ai nấy đều lắc đầu: Không biết! Chỉ biết từ lâu lắm rồi, ít nhất là hơn nửa thế kỷ qua, Cán Cấu đã tự phát thành nơi họp chợ đại gia súc. Gọi là chợ Trâu, nhưng ở đây không chỉ mua bán trâu, mà cả bò, ngựa, do đồng bào dân tộc Mông Hoa, Tày, Nùng, Dao, Giáy từ Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát trong tỉnh Lào Cai, và cả huyện Xín Mần bên tỉnh Hà Giang dắt sang, vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần. Trai dắt trâu bò đi bán, đi khoe, gái có cớ vận váy đẹp đến chợ để mua sắm, hò hẹn.

  

Mặt trời lên cao, nắng chói chang, nhưng không khí vẫn cứ lạnh se se, li ti sương mù. Các bà mẹ lưng địu, tay dắt con nhỏ ghé vào mấy gian chợ ăn uống, nơi có những chảo thắng cố sôi sùng sục lúc nào cũng đông người xúm xít, những quầy bún thang, sàng bánh dầy, thịt lợn đen,bánh ít lá gai, chuối, khoai... dễ có tới vài chục bếp. Dưới thung lũng, hàng chục gã trâu mộng được trả giá tới ba, bốn chục triệu đồng. Mấy ông lái trâu đeo cái túi vải căng phồng tiền kè kè trước bụng, đo đếm, tính nhẩm, ngã giá xong móc túi đếm tiền trả ngay tại chỗ, dắt trâu lùa lên xe tải.

Con đường vòng phía sau chợ là nơi tập kết bò và ngựa. Có ả bò mẹ vừa hạ sinh một bé bê ngay tại phiên chợ sớm nay, cần mẫn liếm láp mãi khắp toàn thân đứa con bé bỏng. Chợ ngựa và bò mãi lực không lớn bằng chợ trâu. Có vẻ như chủ dắt chúng đi chơi là chính.

Anh Lục Văn Thản, dân tộc Nùng mặt đỏ bừng bừng men rượu Mù Tráng Phìn cho biết nhà anh bên Cán Chư Sử, trước có 5 con trâu, phiên chợ trước cha mẹ đã bán 2 trâu làm đám cưới cho anh. Bây giờ không bán nữa, để lại nuôi, nhưng nhớ chợ nên anh dắt trâu ra đây để chơi - “Lúa gặt xong rồi, đi chợ trâu như đi hội, cho vui thôi! Trâu đẹp là phải chân to, sống lưng chắc, sừng mở rộng và bụng thon như cá trắm thế này nhé!” - Anh giải thích.

  

Chiều dần xế bóng. Chợ tan dần. Vài chuyến xe chở trâu ra hướng biên giới. Những gã trai dắt trâu, bò, ngựa về bản. Mấy phụ nữ váy xòe nhẫn nại đứng vịn xe máy, chờ ông chồng say mèm nằm ngáy ran bên góc chợ ...