TPO - Tổng cộng có 14 bài báo khoa học đã được Hội đồng khoa học tuyển chọn, phản biện và trao giải thưởng.
Ngày 22/12, Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ TPHCM phối hợp Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức Hội nghị khoa học Kinh tế trẻ năm 2020 với chủ đề “Cơ hội và thách thức của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia trao đổi tại hội nghị. Hội nghị là dịp xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ về nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất, quan điểm và trao đổi học thuật giữa các sinh viên, học viên, giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện về những cơ hội và thách thức của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội nghị đã nhận được 65 bài báo khoa học từ các sinh viên, học viên, giảng viên, cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc 31 trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp trên trên toàn quốc. Trong đó có 40 bài báo khoa học đã được Hội đồng khoa học hội nghị đánh giá và chọn đăng trong kỷ yếu hội nghị. Các bài báo khoa học đều được nhận xét, phản biện từ Hội đồng khoa học và đặc biệt tuyển chọn 14 bài báo trình bày tại hội nghị.
Các nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ trình bày báo cáo tại hội nghị. Ban tổ chức trao thưởng cho các tác giả đạt giải Nhất. Kết quả, giải Nhất đã được trao cho nhóm tác giả Lê Vinh Trường và Nguyễn Nhật Quí (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) với bài báo "Kiểm tra tác động của các yếu tố phá sản và giới hạn chênh lệch giá đối với sự trở lại của cổ phiếu xổ số có giới hạn giá: Bằng chức thực nghiệm từ Việt Nam" và tác giả Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa Tài Chính, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) với bài báo có đề tài "Tác động của cấu trúc thị trường xuất nhập khẩu dầu thô đến thị trường chứng khoán của các quốc gia Châu Á".
Giải Nhì đã thuộc về nhóm tác giả gồm Vũ Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Trần Khánh Linh, Bùi Nguyễn Huỳnh Như (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) với bài báo "Tác động hành vi tìm kiếm thông tin trên Internet đến lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam" và tác giả Nguyễn Trung Hiếu, Lưu Ngọc Liêm (Trường Đại học Lạc Hồng) với bài báo "Các yếu tố ảnh hưởng đến gắn kết của người lao động trong các doanh nghiệp logistics tại tỉnh Bình Dương".
Trong khi đó, giải Ba đã thuộc về hai bài báo "Năng lực thích ứng của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập kinh tế tại Việt Nam" (của tác giả Lê Thị Yến, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và "Ảnh hưởng của năng lực quản lý doanh nghiệp tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp" (tác giả Cù Thanh Thủy, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).
Các bài báo đạt giải tại hội nghị được hỗ trợ phản biện và ưu tiên công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (cả tiếng Anh và tiếng Việt), Tạp chí Kinh tế - Ngân hàng Châu Á (tạp chí hiện đã được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học).