Trao đổi thêm với ông Phạm Văn Duyên

Trao đổi thêm với ông Phạm Văn Duyên
TPCN số 48 ra ngày 28/11/2004 có đăng bài “GS và PGS là một chức vụ không phải là một danh hiệu”.  Ý kiến phản hồi của ông Phạm Văn Duyên cho rằng: Nhiều quan niệm của ông Giạng lầm lẫn và không phù hợp với thực tế.  Ông Giạng đã có ý kiến đáp lại.

Tôi mừng vì các ý kiến của tôi có liên quan đến một vấn đề lớn của đại học nước ta, cần được trao đổi, tranh luận thẳng thắn và cởi mở. Trên tinh thần đó, tôi trả lời các ý kiến của ông Phạm Văn Duyên (dưới đây xin được ghi vắn tắt là ông PVD), theo thứ tự các vấn đề được nêu trong bài của ông.

1. Học vị tiến sĩ là một danh hiệu danh dự (với nghĩa là một danh hiệu để công nhận và tôn vinh trình độ và thành tích về một công việc nào đó của người nào đó, theo một số tiêu chuẩn nào đó, cụ thể về học vị tiến sĩ là một danh hiệu để công nhận trình độ khoa học đã đạt một số tiêu chuẩn nhất định, chứ học vị tiến sĩ không phải là một chức vụ).

Đây chỉ là một thí dụ về thế nào là danh hiệu danh dự chứ không trực tiếp liên quan đến vấn đề GS và PGS là chức vụ hay là danh hiệu, những thí dụ này giúp làm rõ sự phân biệt giữa chức vụ và danh hiệu. Theo ông PVD, sau khi có học vị chắc chắn người đó sẽ được thay đổi công việc đang làm: điều này nếu đúng thì cũng không chứng tỏ là học vị không phải là danh hiệu danh dự.

Thực ra, không phải chắc chắn là thay đổi, thí dụ ở ta và trên thế giới, có khi một người mới được công nhận có học vị tiến sĩ phải đưa đơn xin việc nơi này nơi kia, xin ứng cử chức này chức nọ và thường phải chờ một thời gian để có việc; hơn nữa việc thay đổi công việc sau khi có học vị tiến sĩ cũng xảy ra đối với các danh hiệu danh dự khác như Nhà giáo Nhân dân sau khi được công nhận cũng có thể được thay đổi công việc (có thể chứ không chắc chắn), được xét để bổ nhiệm làm Hiệu trưởng hoặc làm Giám đốc Sở, làm Vụ trưởng, làm Bộ trưởng... Có thể được xét bổ nhiệm ngay, cũng có thể phải chờ sau một thời gian và cũng có thể vẫn cứ làm chức vụ cũ. Y hệt như vậy về các danh hiệu khác.

Điều đó theo ý kiến của tôi chứng tỏ rằng học vị Tiến sĩ (và các học vị khác) cũng thuộc phạm trù danh hiệu danh dự (với nghĩa đã nói trên), như các danh hiệu khác, mặc dầu giữa các danh hiệu đó có những tiêu chuẩn... rất khác nhau.

2. Từ sự phân tích trên đây của tôi, có thể thấy những dẫn chứng ông PVD đưa ra như sau khi được công nhận GS hay PGS, có vị được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn, có vị làm Phó chủ nhiệm, có vị chỉ giảng dạy...chứng tỏ ở ta lâu nay GS và PGS thực chất là danh hiệu danh dự như học vị Tiến sĩ, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân... ( vả lại còn biết bao nhiêu các vị khác sau khi được công nhận GS hay PGS không làm gì hay chỉ làm rất ít, không thường xuyên, công việc giảng dạy ở đại học, tức là các vị đó làm những chức vụ khác chứ không phải chức vụ GS, PGS; và GS hay PGS đối với các vị này rõ ràng là danh hiệu danh dự – với nghĩa đã nói ở trên).

Ông PVD đã đưa ra trường hợp một vị NVA được bầu là Giáo sư, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ X thì có quyền ghi trong danh thiếp của mình là Bộ trưởng Bộ X, Giáo sư NVA. Theo ý tôi, nếu coi GS là danh hiệu danh dự (như Tiến sĩ) thì ghi như vậy là đúng (như trường hợp Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Tiến sĩ NVB). Nếu coi giáo sư là chức vụ thì nếu muốn, nên ghi cụ thể là Bộ trưởng Bộ X, nguyên Giáo sư NVA; trừ trường hợp ông NVA vừa làm Bộ trưởng, vừa kiêm chức vụ giáo sư ở một trường nào đó; trong trường hợp này cần ghi ông NVA Bộ trưởng Bộ X kiêm Giáo sư trường Đại học Y.

Các thí dụ trên càng chứng tỏ cần phân biệt rõ GS, PGS là chức vụ hay là danh hiệu danh dự.

3. Ông PVD có đưa ra ý kiến hiện nay ở ta là công nhận chức vụ GS và PGS chứ không phải bổ nhiệm chức vụ GS, PGS. Ông PVD giải thích thêm là công nhận những người đang làm giảng viên cao cấp ở các trường đại học có đủ tiêu chuẩn thành GS hay PGS. Tôi hiểu ý của ông PVD là GS, PGS của ta là chức vụ giảng viên cao cấp “bậc cao” ở các trường đại học.

Nếu đúng như vậy thì một trong các tiêu chuẩn nhất thiết phải có ở ta để được xét bầu GS hay PGS là đang làm giảng viên cao cấp ở một trường đại học. ở điểm này, hình như (?) là hiện nay chưa hề đặt ra tiêu chuẩn như trên vì mấy năm lại đây vẫn có những vị không phải là giảng viên cao cấp ở một trường đại học nào cả vẫn được bầu là GS và PGS (yêu cầu đối với các vị này mấy năm gần đây chỉ là phải có một số giờ giảng dạy ở đại học, vì thế mới có hiện tượng có vị đi “xin” giờ giảng ở đại học để cho có đủ tiêu chuẩn bầu GS và PGS).

4. Những dẫn chứng của ông PVD đưa ra để so sánh chức vụ Bộ trưởng khác chức vụ Giáo sư cũng không chứng tỏ được gì cả: Để khỏi dài dòng tôi chỉ xin nói ở nước ta trước đây có không ít và hiện nay vẫn có thể có về nguyên tắc là một vị Bộ trưởng Bộ này được bổ nhiệm sang làm Bộ trưởng một Bộ khác (trên thế giới đây là việc thường có); ở ta gần đây tôi được biết có vị Bộ trưởng về hưu đứng ra xin và được thành lập trường tư thục do vị ấy làm Hiệu trưởng hay Chủ tịch Hội đồng quản trị, không gì khác về mặt này với các vị có chức vụ (hay danh hiệu) GS và PGS.

Tôi trao đổi lại với ông PVD chỉ duy nhất với mong muốn  được làm sáng tỏ một vấn đề quan trọng của đại học chúng ta hiện nay. Vấn đề đó trong bài viết của tôi ở báo Tiền Phong Chủ nhật số 48 (ra ngày 28/11/02) tập trung vào 4 ý chính:

a.Cần phân biệt chức vụ với danh hiệu danh dự.

b.Trên thế giới, coi GS và PGS là chức vụ giảng dạy ở đại học, chứ không coi là danh hiệu danh dự để công nhận và tôn vinh một nhà khoa học nói chung hay một nhà giáo đại học nói riêng.

c.Ở ta lâu nay vẫn trái lại coi GS và PGS là danh hiệu danh dự.

d.Ta cần thay đổi, làm như quốc tế để có tác dụng rõ rệt nâng cao chất lượng đại học (còn việc coi GS và PGS là danh hiệu danh dự là không cần thiết).

Tôi mong báo Tiền phong Chủ nhật tiếp tục cho đăng những bài trao đổi, tập trung vào 4 điểm nói trên để làm sáng tỏ việc đúng, sai, góp phần cho việc nâng cao chất lượng bầu cử GS và PGS, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong xã hội đối với việc này.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.