Liên hoan thu hút 315 tác phẩm dự thi của 80 đơn vị ở 6 thể loại, với chủ đề “Đổi mới và đa dạng”. Ban tổ chức đánh giá, tác phẩm lọt vào chung khảo trong kỳ LHPT toàn quốc lần này ấn tượng, thể hiện sự quan tâm, đầu tư công phu, chuyên nghiệp của các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước.
Sau 3 ngày làm việc, Hội đồng Chung khảo đã lựa chọn để trao 25 Giải Vàng, 65 Giải Bạc, 80 Giải Đồng, 55 Bằng khen và 6 Giải dành cho người dẫn chương trình xuất sắc trong tổng số 231 tác phẩm vào đến vòng Chung khảo.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và ông Nguyễn Thế Kỷ, TGĐ VOV trao giải cho các tác giả đạt giải Vàng Chương trình phát thanh trực tiếp
LHPT toàn quốc lần thứ XIV-2020 được đánh giá là một kỳ Liên hoan thành công ở nhiều phương diện, cả về số lượng, chất lượng các tác phẩm, kỹ năng làm báo hiện đại, chuyên nghiệp cả về quy mô và năng lực tổ chức.
Bên cạnh những hoạt động quen thuộc như triển lãm và hội thảo kỹ thuật, nét mới của Liên hoan phát thanh năm nay là hội thảo nghiệp vụ quốc tế “Thay đổi nhận thức và hành vi xã hội thông qua tiểu phẩm phát thanh”, đưa đến cho các nhà báo phát thanh những giải pháp mới trong cách tiếp cận công chúng. Triển lãm ảnh của những người làm báo phát thanh cũng là một điểm nhấn đầy hình ảnh, màu sắc của những ngày hội thanh âm.
Trước đó, trong lễ khai mạc 25/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định, phát thanh đã và đang tiếp tục là một loại hình báo chí truyền thông quan trọng và hiện đại trong đời sống báo chí sôi động của cả nước, phản ánh ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối với nhân dân thế giới, làm cho nhân dân các nước hiểu và ủng hộ Việt Nam; phát thanh luôn luôn là người bạn gần gũi với mọi người, mọi nhà.
Giải vàng cho tác giả, tác phẩm thể loại chương trình phát thanh tiếng dân tộc
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Năm nay thế giới đi vào một giai đoạn bước ngoặt với những thách thức nghiêm trọng, chưa từng có của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng toàn cầu. Báo chí, trong đó có phát thanh đã một lần nữa thể hiện vai trò tiên phong của mình nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Công nghệ số ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất của báo chí truyền thông.
Vì thế, qua đại dịch COVID-19, báo chí nói chung và phát thanh cần tiếp cận nhanh với tiến bộ của báo chí hiện đại, chủ động thích ứng với những công nghệ làm báo mới và sự thay đổi của công chúng hiện nay, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận người nghe đài trên cả sóng phát thanh truyền thống và các nền tảng công nghệ mới. Để làm được điều này đòi hỏi các nhà quản lý nhà báo, kỹ sư, kỹ thuật viên phải liên tục sáng tạo học hỏi để nâng cao trình độ mọi mặt.