Trao 2 kỷ lục thế giới Guinness cho 2 tác phẩm điêu khắc gốm Việt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện Tổ chức Guinness thế giới vừa trao giấy chứng nhận kỷ lục thế giới cho hai tác phẩm gốm "Thiềm thừ Thiên phong ấn" và "Phú quý mãn đường" do nghệ nhân làng nghề Bát Tràng-Nguyễn Hùng thực hiện.

Bà Mai McMillian, đại diện của Tổ chức Guinness thế giới chúc mừng nghệ nhân Nguyễn Hùng đã nhận được giấy chứng nhận Kỷ lục Guinness thế giới cho hai tác phẩm gốm.

Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức này trao tặng danh hiệu về gốm sứ nghệ thuật cho “Con Đường gốm sứ dài nhất thế giới” vào năm 2010. Sau 12 năm, nghệ nhân Nguyễn Hùng trở thành chủ nhân của hai kỷ lục về gốm sứ nghệ thuật.

Trao 2 kỷ lục thế giới Guinness cho 2 tác phẩm điêu khắc gốm Việt ảnh 1

Nghệ nhân Nguyễn Hùng đón nhận 2 kỷ lục Guinness.

“Phương pháp đo để xác định kích thước cho chiếc đĩa dựa trên đường kính của đĩa và phương pháp đo để xác định kích thước của tác phẩm điêu khắc dựa trên chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Để đủ điều kiện cho hồ sơ, cả hai đều phải được làm bằng gốm, cả hai đều phải thể hiện được tính mỹ thuật được công nhận và các phép đo phải được thực hiện bởi một chuyên gia đo lường có trình độ với sự chứng kiến ​​của hai nhân chứng độc lập. Mỗi bằng chứng phải được tập hợp lại với nhau và gửi để chúng tôi xem xét. Tôi muốn khen ngợi các kỷ lục gia đã tuân thủ tất cả các hướng dẫn, điều này đã dẫn đến thành tích của hai kỷ lục thế giới này”, bà Mai McMillian nói.

Trao 2 kỷ lục thế giới Guinness cho 2 tác phẩm điêu khắc gốm Việt ảnh 2

Nghệ nhân Nguyễn Hùng miệt mài tạo tác hai tác phẩm gốm kỷ lục.

Danh hiệu kỷ lục thế giới Guinness “Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất” cho tác phẩm “Thiềm thừ Thiên phong ấn”, nặng 1.500 kg, có chiều dài 1,735 m, chiều rộng 1,1m và chiều cao 0,778 m. Linh Vật thần thoại ở đây là Cụ cóc Thiềm Thừ, hay còn gọi là cóc phong thuỷ, cóc ba chân linh thiêng ở châu Á, và là biểu tượng của sự thịnh vượng. Cóc thần thoại ngồi trên đỉnh một đống tiền xu và vàng thỏi, có biểu tượng âm dương trên đỉnh đầu bằng sứ, ngậm một đồng xu trên miệng và chòm sao bắc đẩu trên lưng. Nghệ nhân Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng đã mất 6 tháng rưỡi để chế tác tác phẩm này.

Trao 2 kỷ lục thế giới Guinness cho 2 tác phẩm điêu khắc gốm Việt ảnh 3

Tác phẩm “Thiềm thừ Thiên phong ấn”.

Danh hiệu kỷ lục thế giới Guinness cho “Tác phẩm đĩa gốm chạm khắc lớn nhất” cho tác phẩm “Phú Quý mãn đường”. Tác phẩm nặng 400 kg có đường kính 1,37 m có đắp nổi và chạm khắc của cây tuyết tùng và đôi chim công, và các yếu tố phong thuỷ như núi và mặt trời nhằm truyền đạt ý tưởng về sự giàu có, vĩnh cửu, quyền quý và hạnh phúc viên mãn đời đời. Chiếc đĩa được nghệ nhân Nguyễn Hùng chế tác thành công vào năm 2018, và mất khoảng 2.500 giờ khoảng một năm rưỡi.

Trao 2 kỷ lục thế giới Guinness cho 2 tác phẩm điêu khắc gốm Việt ảnh 4

Đĩa gốm "Phú quý mãn đường".

Nghệ nhân Nguyễn Hùng hy vọng các đồng nghiệp trẻ nỗ lực, dành nhiều tâm huyết và thời gian cho đam mê hơn, không sợ khó, không sợ thất bại đổ vỡ. Lấy nội lực để làm điều các bạn mong muốn. “Tôi có nhiều trăn trở để mong muốn làm được điều gì đó cho nghề gốm sứ, làm sao để vươn tầm khỏi biên giới, định vị gốm Việt ra khỏi biên giới. Điều thứ hai, tôi trăn trở để giới trẻ tiếp tục giữ lửa nghề, mong nhiều anh em trong nghề được ghi nhận tác phẩm hơn nữa”, nghệ nhân Nguyễn Hùng nói.

TS. Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Mỹ thuật ứng dụng Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Đây là sự lao động hết mình, sáng tạo chinh phục đỉnh cao của gốm Việt Nam và thế giới. Tôi biết anh Nguyễn Hùng đã lâu, biết tình yêu gốm luôn chảy trong huyết quản. Ngoài sự thuần thục về tay nghề, anh Hùng có sự khát khao và tình yêu gốm rất lớn thể hiện qua việc tìm tòi và sáng tạo men từ sen. Tôi khâm phục ý chí lao động miệt mài, sự cố gắng của anh”.

Độc đáo men Hoàng thổ liên hoa

Năm 2002, Sau 15 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã phát hiện ra thân cây sen phù hợp để thay thế nguyên liệu vỏ trấu, yếu tố Mộc trong bài “Men tro” cổ truyền của ông cha. Ở bài men mới này tro của thân sen được trộn với lớp đất trầm tích sông Hồng cùng bột nghiền một số loại khoáng thạch tự nhiên tạo nên một dòng men mới đặt tên là Hoàng thổ liên Hoa. Men “Hoàng thổ liên hoa” là loại men có nhiều sự khác biệt so với men tro truyền thống, đầu tiên có thể kể đến là men này cho ra dải màu rộng hơn từ sắc nâu cho đến sắc nâu đỏ so với màu trắng ngà đơn thuần của men tro.

MỚI - NÓNG