Đêm khuya, khách gọi nhờ mua giúp một điếu thuốc hay một chiếc bánh mì, các Transporter phố cổ vẫn nhiệt tình mang đến. |
Một nhiếp ảnh gia cũng chia sẻ, anh cảm thấy sắp ốm nên điện thoại cho dịch vụ Transporter mua một vỉ thuốc cảm, một vỉ thuốc chống đầy hơi cùng cháo gà với thật nhiều hành và tía tô. Chỉ lát sau, "người vận chuyển" đã giao đến tận nhà đúng món mà khách yêu cầu. "Dịch vụ hữu ích, đặc biệt với người độc thân như tôi", nhà nhiếp ảnh cảm kích.
Dịch vụ mua hàng giúp và giao tận nhà do một nhóm thanh niên ở phố cổ Hà Nội tổ chức, đặt tên là Transporter - "người vận chuyển" giống như trong bộ phim cùng tên. "Chúng tôi không muốn bị gọi là xe ôm", trưởng nhóm Nguyễn Sĩ Thắng giải thích về cái tên.
Hàng ngày cứ 16h, các Transporter tụ tập tại quán trà đá vỉa hè trên phố Quán Sứ để nghỉ ngơi. Thắng, 26 tuổi, cho hay đã mở dịch vụ hơn một năm nay. Dáng người đậm, đeo túi đựng đầy sổ sách, tay liên tục nhấn nút nghe, trả lời tin nhắn, Thắng liếng thoắng phân việc các thành viên nhóm đi mua trà sữa chân trâu, thuốc lá, đồ ăn cho khách.
Bê kiện hàng lên xe, chàng trai không quên dặn nhân viên nhớ mua đồ uống mang qua cho người quen trên phố Hàng Giầy rồi sang Gia Lâm nhận vài chục triệu đồng giúp khách.
Thắng cho biết, xuất phát từ nhu cầu cá nhân muốn có người mua giúp đồ ăn đêm hay những lúc mệt, cậu nảy ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ "người vận chuyển". Lúc đầu định làm cho vui, dần dần đơn hàng nhiều, cựu sinh viên ngành kế toán ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội mới nghĩ tới việc làm ăn nghiêm túc.
"Ban đầu gia đình phản đối em vì thanh niên trai tráng, nhà phố cổ lại đi đưa đồ ăn, nhưng đói đầu gối phải bò, miễn là kiếm tiền từ mồ hôi, công sức và không phạm pháp. Em xác định mình làm dịch vụ phục vụ khách hàng nên không có gì phải xấu hổ", Thắng chia sẻ.
Theo Thắng, vì không nhận chở người nên "người vận chuyển" là cách gọi chính xác các nhân viên của cậu thay vì dùng từ "xe ôm". Trưởng nhóm cho hay dịch vụ của cậu chuyên giao nhận, vận chuyển đồ ăn, thức uống theo yêu cầu; các loại hàng hóa, thực phẩm, quần áo nhập. Hiện nhóm có 8 thanh niên đều là "trai phố cổ", kể cả người gia đình có điều kiện nhưng thích được tự do và đi lại ngoài đường cũng xin gia nhập vào đội quân của Thắng.
Ông chủ trẻ cho biết thêm, một số "người vận chuyển" trong nhóm trước đây chỉ quen ở nhà ngồi điều hòa, chơi điện tử mà không biết ra ngoài kiếm tiền vất vả. Đi giao hàng kiếm từng chục nghìn tiền phí, bụi bặm nắng gió ngoài đường, họ mới hiểu giá trị của đồng tiền. Hơn nữa, công việc bận rộn khiến những thanh niên này bị cuốn theo và bớt tiêu tiền hoang phí.
Transporter không ngần ngại đi mua giúp khách bỉm trẻ con, băng vệ sinh phụ nữ. |
Muốn hoạt động chuyên nghiệp và tạo uy tín, Thắng chỉ thu nạp những anh em bạn bè thân sống ở phố cổ vào làm. Trước khi giao việc, Thắng tới tận nhà nhân viên để tìm hiểu về hoàn cảnh và nói rõ công việc cụ thể với phụ huynh. Lý giải cho việc lựa chọn người vận chuyển cẩn thận, Thắng cho hay, không chỉ mua giúp khách đồ ăn, nước uống, dịch vụ còn nhận giao những món hàng hiệu giá trị hay đôi khi đi lấy giúp khách số tiền lớn. Bởi vậy, cậu cần những người "có thể tin tưởng được".
Cởi mở và lịch sự, Thắng tếu táo ví nhóm của mình giống như một "hợp tác xã" và công việc mua đồ giúp khách là để "kiếm 5 xu 1 hào". Lúc mới mở dịch vụ vận chuyển, khách hàng của cậu chủ yếu là người thân và bạn bè. Vị khách đầu tiên "mở hàng" cho Thắng là một người bạn nhờ mua phở. Sau, người nọ giới thiệu người kia, dịch vụ của cậu trở nên bận rộn.
Giờ làm việc từ 9h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau nhưng "người vận chuyển" luôn sẵn sàng phục vụ khách có nhu cầu dù đã hết giờ đặt hàng. Tiền ship thường được tính theo quãng đường đi chứ không tính theo số lượng hàng. Khu vực trong phố cổ, tiền công mỗi lần là khoảng 30.000 đồng còn đi xa từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng.
Khách hàng của Transporter đa dạng, từ người độc thân, chị em bận rộn con nhỏ hay người nước ngoài không có thời gian hoặc ốm đau. Thông thường, khách hay yêu cầu rõ món mình thích và muốn mua ở hàng nào, nếu cần, "người vận chuyển" sẽ đưa ra nhiều gợi ý điểm ăn ngon cho khách. Sành đồ ngon lại thông thạo đường sá, các Transporter vừa là người đưa hàng vừa là "quân sư" của khách. Sau khi nhận order, "người vận chuyển" sẽ gọi điện tới quán gọi đồ để qua lấy cho nhanh. Đơn hàng nhiều lúc chỉ là gói xôi, bát cháo, bánh mì, nước uống cũng đều được các Transporter mang tới nơi.
"Có khách nữ gọi điện nhờ mua băng vệ sinh, 'người vận chuyển' của em phải đưa điện thoại cho người bán hàng để khách nói loại gì, sau đó chỉ việc mang tới địa chỉ vừa gọi. Có chị muốn nhờ mua bỉm cho con thì nhắn rõ cỡ, loại gì và mua ở đâu", Thắng nói.
Nhiều khách ở một mình đêm hôm bị ốm chụp ảnh lại hộp thuốc rồi gửi nhờ "người vận chuyển" mua giúp. Các bà nội trợ bận rộn cũng gọi điện thuê "người vận chuyển" đi chợ giúp. Thừa nhận không thông thạo trong việc chợ búa, Thắng thường phải đến những khu chợ lớn chuyên bán đồ tươi để mua được hàng ngon và chấp nhận mua giá đắt hơn so với bên ngoài.
Theo ông chủ trẻ, các Transporter được phân công việc, đi xa hay gần công bằng như nhau và nhận tiền công vào cuối ngày. Trung bình mỗi "người vận chuyển" đi 10 chuyến một ngày và nhận được lương khoảng 200.000 đồng trở lên. Transporter được khuyến khích và hỗ trợ dùng iPhone để đỡ tiền nhắn tin, gọi điện với khách cũng như tìm đường dễ dàng.
Trưởng nhóm Nguyễn Sĩ Thắng muốn đi học tiếng Anh để có thể tự tin nói chuyện với người nước ngoài. |
Thông thường, buổi trưa và chiều, "người vận chuyển" bận rộn hơn cả vì thời gian này khách thường gọi nhờ đi mua đồ ăn giúp. Mưa lụt hay nắng gắt cũng là những ngày làm không hết việc của họ. Ngày ít nhất, dịch vụ nhận được tầm từ 40 đến 50 cuộc gọi mua đồ. Những đơn hàng nhờ chuyển đồ đi làm từ thiện, Transporter không lấy tiền ship.
Cố gắng đáp ứng mọi cuộc gọi nhưng đôi khi "người vận chuyển" vẫn gặp phải sự cố như đến muộn, bị khách chê đắt hay làm hỏng hàng hóa của họ. Những ngày lễ, Tết, mải đi giao hoa, quà, thực phẩm, các Transporter đành bỏ rơi bạn gái mình.
"Người yêu không muốn em làm công việc này vì không có nhiều thời gian cho cô ấy. Nhiều lúc đi giao đồ ăn đêm cho khách mà bụng em đói meo. Đi một đoạn đường xa để kiếm vài chục nghìn tiền công cũng tủi thân lắm nhưng làm dịch vụ là phải vậy thôi", Thắng tâm sự.
Chưa có ý định phát triển dịch vụ ở các tỉnh, sắp tới Thắng tính sẽ mở rộng mạng lưới giao đồ ăn cho khách ở Hà Nội và học thêm tiếng Anh để tiện giao tiếp với khách nước ngoài.
Theo Bình Minh
Vnexpress