Transerco: Không để xe xấu, bẩn, mất an toàn hoạt động

Transerco: Không để xe xấu, bẩn, mất an toàn hoạt động
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Trọng Thông cho biết, “không để xe xấu, xe bẩn, xe mất an toàn ra hoạt động trên đường” là một trong những nội dung được Tổng công ty đặt ra trong đợt cao điểm thi đua hưởng ứng Tháng ATGT Quốc gia.
Transerco: Không để xe xấu, bẩn, mất an toàn hoạt động ảnh 1

PV: Năm 2012 được Transerco chọn là năm “Chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông”. Vậy TCT đã làm gì để thực hiện mục tiêu này?

Ông Nguyễn Trọng Thông:

Nâng chất lượng phương tiện, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã rà soát lại tổng thể công tác bảo dưỡng, đảm bảo kỹ thuật xe buýt. 100% xe buýt được kiểm tra hệ thống đảm bảo an toàn, đo nồng độ khí thải trước khi ra hoạt động. Toàn bộ quy trình đưa xe vào bảo dưỡng sửa chữa được áp theo đúng tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000. Xin được tiết lộ rằng, từ 570 xe đầu tiên thành phố đầu tư năm 2005 đến nay, TCT đầu tư thêm 500 xe bằng vốn của doanh nghiệp. Riêng trong năm 2012, TCT lên kế hoạch thay thế 150 phương tiện. Hướng tới, xe buýt sẽ được bố trí nhiều chỗ đứng hơn cũng như bố trí chỗ dành cho phụ nữ, trẻ em, người tàn tật. Ngoài ra, tất cả xe buýt đều được trang bị GPS và đèn LED.

Đối với vấn đề chất lượng dịch vụ, chúng tôi luôn coi đây là việc quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tạo hình ảnh đẹp của xe buýt Thủ đô nói chung và xe buýt Transerco nói riêng. Mong muốn lớn của chúng tôi là xây dựng văn hóa xe buýt, xây dựng thói quen nhường chỗ cho người già, người tàn tật, thói quen mua vé khi lên xe buýt. Tôi xin đưa ra một con số là cách đây 10 năm, năm 2001 đến nay, luồng tuyến xe buýt tăng 2,4 lần, phương tiện tăng 4 lần, năng lực vận chuyển tăng gần 30 lần (từ 15 triệu lượt hành khách đã đạt đến hơn 400 triệu lượt vào năm 2011). Nếu chất lượng dịch vụ không tăng thì xe buýt Hà Nội khó có thể thu hút được ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt đến thế.

PV: Những nỗ lực để nâng chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt của TCT là không thể phủ nhận song vẫn còn khá nhiều những lời phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ lái phụ xe. TCT làm gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Nguyễn Trọng Thông:

Trong toàn TCT, số lượng công nhân lái xe và bán vé vào khoảng hơn 5.000 người, với trình độ đặc thù không phải cao, đa phần tốt nghiệp PTTH. Trong khi đó, đối tượng phục vụ lại đa dạng, nhiều thành phần, công việc thì áp lực (tắc đường, quá tải), cũng vì thế có lúc, có nơi còn có hành vi thái độ không tốt của lái phụ xe đối với hành khách.

Với những trường hợp như thế, tôi xin khẳng định rằng, chúng tôi tiếp thu với tinh thần, thái độ cầu thị cao nhất. Một mặt, chúng tôi chú trọng tuyên truyền cho lái phụ xe cố gắng thực hiện đúng, chuẩn mực trách nhiệm của mình để bớt gây bức xúc cho hành khách. Mặt khác, chúng tôi cũng tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề và trình độ của lái xe, bán vé. Đặc biệt, từ cuối năm 2011, TCT đã chính thức có quỹ thưởng chất lượng dịch vụ xe buýt cho lái phụ xe, thông qua bình xét lao động hàng tháng.

PV: TCT có chương trình gì đặc biệt hưởng ứng Tháng ATGT, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thông:

Hưởng ứng Tháng ATGT năm 2012, TCT vừa tổ chức lễ phát động thi đua tháng cao điểm giữ gìn xe tốt, lái xe an toàn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, chúng tôi sẽ phát động các đợt thi đua giữa các đơn vị như không để xe xấu, xe bẩn, xe mất an toàn ra hoạt động trên đường.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ quán triệt đến từng lái xe, bán vé có thái độ đúng mực với khách đi xe không để hành khách bức xúc và phản ánh về chất lượng phục vụ, đồng thời hạn chế thấp nhất các va chạm giao thông trên đường. Đợt thi đua cao điểm sẽ kéo dài đến hết ngày 30-9. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức trao thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích. Bên cạnh các giải thưởng cho các tập thể trị giá 10 triệu đồng, 600 cá nhân có thành tích trong đợt thi đua cao điểm này cũng sẽ được biểu dương, khen thưởng.

P.V: Cảm ơn ông!

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG