Tranh luận về sai sót trong SGK tiếng Việt lớp 1

TP - Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 3/11, các đại biểu Quốc hội, tranh luận sôi nổi xoay quanh những sai sót trong bộ sách giáo khoa (SGK) mới cho học sinh lớp 1.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu Ảnh: QH

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, SGK bước đầu thực hiện, khó tránh khỏi sai sót, song việc thực hiện kéo theo nhiều bất cập nổi lên thì cần phải nhìn nhận lại. 

Đề nghị làm rõ có hay không tình trạng sai sót và nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai? 

Bà Thảo đề nghị cần xem xét từng khâu để làm rõ mức độ sai sót, và cơ quan điều tra cần vào cuộc.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, SGK mới chỉ áp dụng được trong một thời gian ngắn, và những sai sót này chỉ ở dạng chưa phù hợp, hoàn toàn có thể chỉnh sửa được trong thời gian tới. Theo ông Phương, sự việc chưa nghiêm trọng đến mức phải truy tố.

Tiếp tục rà soát để hoàn thiện

 Giải trình về việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết 88 và xã hội hóa SGK, Bộ đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 46 sách, thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản. Các bộ sách này đều được các nhà trường lựa chọn đưa vào sử dụng. Theo ông Nhạ, sách lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều thời gian qua được nhân dân góp ý nhiều. Qua kiểm tra và góp ý của nhân dân, Bộ đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản lắng nghe, tiếp thu và đang chỉnh sửa cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi lớp 1. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của nhân dân, cùng với giáo viên trực tiếp giảng dạy, tiếp tục rà soát để SGK hoàn thiện hơn”, ông nói.

“Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn. Chúng ta hình dung một cháu bé vào lớp 1, quyển SGK chưa qua thử nghiệm rõ ràng đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật”. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)


Theo quy định, SGK là tài liệu sử dụng chính thức và bắt buộc. Còn tài liệu, sách tham khảo không phải bắt buộc trong nhà trường. Sách tham khảo là do các nhà xuất bản sản xuất và giám đốc nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan và quản lý ấn phẩm xuất bản này. Bộ GD&ĐT cùng nhiều bộ khác vừa ngồi lại với nhau để tăng cường quản lý sách lậu, sách không đảm bảo chất lượng để đảm bảo thị trường sách tham khảo tốt hơn. 

Về giá SGK mới cao hơn khoảng 2 lần sách cũ, theo ông Nhạ, lý do là SGK biên soạn theo cách tiếp cận chương trình phổ thông mới, tăng cường phẩm chất, năng lực, số trang dài hơn, chất liệu, màu tốt hơn nên khối lượng, giá thành cao hơn. Bộ GD&ĐT đã đề nghị giảm chi phí giá thành và nhà xuất bản cũng đã giảm 2-3 lần; Bộ Tài chính cũng đã đồng ý phương án giảm giá, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa SGK vào mặt hàng Nhà nước ổn giá, định giá.