Tranh luận về niềm tin ngành tư pháp

TP - “Tôi từng tham mưu trong công tác cải cách tư pháp, mấy ngày qua nhận được rất nhiều tin nhắn điện thoại của các đồng chí, kể cả các đồng chí cán bộ rất cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về hưu gọi cho tôi. Họ nói chưa từng bao giờ thấy niềm tin đối với nền tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói sáng 15/6 trong phiên thảo luận tại Quốc hội về kinh tế-xã hội.

Phát biểu của ông Nhưỡng gây ra nhiều tranh luận trong nghị trường. Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng, nếu chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, đó là “nhận định phủ định sạch trơn nền tư pháp”.

Trước đó, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng có những cuộc tranh luận “nảy lửa” với đại biểu Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM, về ý kiến liên quan một số vụ án được dư luận quan tâm, như vụ Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ ông Lê Hữu Phước tự tử tại trụ sở tòa án ở Bình Phước…

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cải cách tư pháp đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Nguyên tắc suy đoán vô tội đã trở thành nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Luật cũng quy định hỏi cung phải ghi âm, ghi hình để ngăn chặn tình trạng bức cung, nhục hình, vốn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến oai sai.

Đặc biệt, gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tư pháp Trung ương, sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều trường hợp đã được giải oan sau nhiều năm lâm cảnh tù tội, như vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Trần Văn Thêm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn một số vụ án gây băn khoăn trong dư luận về tính đúng đắn trong các phán quyết của tòa án như vụ Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ ông Lê Hữu Phước tự tử tại trụ sở tòa án ở Bình Phước… Những vụ việc này đều có điểm chung là các chứng cứ được thu thập không đầy đủ, chưa bảo đảm tính khách quan. Mới đây nhất, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên chấp nhận kháng nghị, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội ông Lương Hữu Phước, vì có một số vi phạm tố tụng nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ và không đảm bảo khách quan trong thu thập chứng cứ…

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Có bồi thường bao nhiêu đi nữa thì cũng chẳng bao giờ đủ để bù đắp cho những thiệt thòi, mất mát, khổ đau mà người bị hàm oan và gia đình phải gánh chịu. Vì thế, để giảm án oan, những người tham gia tố tụng không chỉ thượng tôn pháp luật, đặt lẽ phải, công lý lên hàng đầu mà còn luôn phải có “trái tim công lý”. Các đại biểu Quốc hội cũng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát, kiến nghị giải quyết thỏa đáng các vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan sai mà cử tri, dư luận quan tâm.