Tranh luận về một kiểu chụp ảnh đang 'ăn nên làm ra'

Bức “Nụ cười ẩn giấu” nổi tiếng tại phòng tranh “Sắc màu châu Á” của Réhahn tại Hội An. Ảnh: Linh Phạm.
Bức “Nụ cười ẩn giấu” nổi tiếng tại phòng tranh “Sắc màu châu Á” của Réhahn tại Hội An. Ảnh: Linh Phạm.
TP - Được cho là nhiếp ảnh gia (NAG) người nước ngoài thành công nhất ở Việt Nam, được truyền thông ủng hộ nhờ những triển lãm ảnh thu hút khách du lịch thế nhưng mới đây các ấn phẩm của NAG người Pháp Réhahn Croquevielle trở thành chủ đề trong một diễn đàn tranh luận của Matca (Mắt Cá - Cộng đồng nhiếp ảnh VN). Một số ý kiến cho rằng Réhahn chụp bằng định kiến, dàn dựng, an toàn và nghèo nàn. Réhahn thì từ đầu đến cuối khẳng định “mọi điều anh làm đều xuất phát từ tình yêu sâu sắc với VN”.

Trong bài viết “Thấy gì sau những “nụ cười ấn giấu của Réhahn” đăng trên trang web của Matca, tác giả Hà Đào nhận thấy Réhahn thực sự thành công về mặt thương mại với đặc sản chân dung người dân tộc thiểu số. Với nửa triệu người theo dõi trên Facebook, tới đây, anh sẽ có 4 phòng tranh rải khắp 3 miền: 2 tại Hội An, 1 tại Sài Gòn và 1 đang xây dựng tại Hà Nội.

“Điều dị biệt” bán chạy

Bản sao tấm ảnh “Bạn Thân”?được bán với giá 17.000 USD, đạt kỉ lục cho bức ảnh đắt nhất từng được bán tại VN. Từ góc độ người viết và nhiếp ảnh gia hiện đang theo đuổi dự án ảnh cá nhân về các nhóm thiểu số và lịch sử gia đình, Hà Đào cho rằng, Réhahn là minh chứng sống cho việc làm thỏa mãn nhu cầu số đông bằng những tác phẩm an toàn, nghèo nàn về nội dung và cách thực hiện. Anh yêu cầu nhân vật mặc lại quần áo truyền thống để chụp ảnh trong khi đời thường họ không mặc. Góc máy của Réhahn cố tình chĩa vào những điều dị biệt nhất (trẻ em mặt lấm lem, người già nhiều nếp nhăn hằn sâu)  thay vì phản ánh lại cuộc sống chân phương như nó đang diễn ra.

“Trên gương mặt những phụ nữ già và trẻ nhỏ vùng cao – những người không mảy may hoài nghi mục đích chụp ảnh của một anh Tây, Réhahn phản chiếu lên họ ảo tưởng thực dân của mình. Ảo tưởng đó, khi được chính truyền thông lẫn khán giả trong nước tung hô, sẽ càng làm khắc sâu nhận thức sai lệch và định kiến về cả người dân tộc và hình ảnh VN”, vì lời đánh giá khá gay gắt này, ngay sau đó NAG người Pháp đã liên lạc với Matca đề nghị thảo luận và phản biện.

Hai bên đã thống nhất ngày gặp gỡ, Matca gửi trước bộ khung câu hỏi tới Réhahn, nhân cơ hội này hỏi thêm NAG về quá trình thực hiện tấm ảnh “Bạn Thân”?sau khi được độc giả cung cấp thông tin cho thấy nghi vấn dàn dựng. Tưởng như buổi đối thoại sẽ diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên buổi tối trước ngày gặp mặt, Đình Giang - người trợ lý của Réhahn thay mặt anh huỷ cuộc hẹn và gửi câu trả lời của Réhahn sau khi đã được luật sư duyệt.

Tranh luận về một kiểu chụp ảnh đang 'ăn nên làm ra' ảnh 1

“Bảo tàng Di sản vô giá” nên chăng đổi tên thành “Phòng trưng bày lưu niệm di sản”?. Ảnh: Đạt Vũ.

“Bạn thân” bị dàn dựng

Nội dung đáng chú ý trong bài trả lời của Réhahn là phản biện về quá trình thực hiện tấm ảnh “Bạn thân”, có số lượng bản in sao bán chạy nhất, đạt mức giá khủng nhất. Trong  ảnh một bé gái M’Nong 6 tuổi tự tin đứng cạnh một chú voi to lớn. Tên bé gái theo chú thích là Kim Luân, NAG luôn kể với truyền thông là anh vô tình bắt gặp nhân vật trên đường đi nhưng theo thông tin của bài  “Đi tìm nữ chúa rừng xanh” (Báo Lao động) phóng viên Nguyễn Huy Minh lại phát hiện ra sự thật khác hẳn. Tên thật cô bé trong ảnh là Y Cúc (tên khai sinh là H’Cúc Teh, phát âm là Y Cúc), người nhà đã đi mượn bộ quần áo truyền thống cho bé gái mặc và NAG mượn voi của người quản tượng để bé đứng cạnh. Y Cúc sợ voi chứ không phải là bạn thân của con voi đó, bức ảnh không hề là “vô tình” như tác giả kể.

Trong bài phỏng vấn với trang  Escapology, Réhahn đã giới thiệu tấm ảnh “Bạn Thân” của mình rằng: “Trên đường về, một cách tình cờ, tôi đi ngang qua khung cảnh nơi đã được ghi lại trong tấm hình được yêu thích nhất của tôi. Một con voi khổng lồ đang được dẫn đi bởi cô bé Kim Luân người dân tộc M’Nong. Tôi đã tiếp cận rất từ từ và bắt đầu chụp ảnh. Ánh sáng vào thời điểm đó không thực sự tốt, tôi đã rất khẩn trương, nhưng khung cảnh ấy thật tuyệt diệu. Người dân tộc M’Nong hiện nay hiếm khi mặc trang phục truyền thống nhưng Kim đã mặc [đồ truyền thống] vào ngày hôm đó, khiến bức ảnh này càng đặc biệt hơn...”.

Trong phần phản biện, Réhahn đã kể một số chi tiết chứng tỏ anh có xin phép gia đình bé gái và dàn dựng để “lưu giữ bộ quần áo truyền thống” và phản ánh tình thân giữa người M’Nong với loài voi. Ngoài ra Réhahn đã giải thích rằng do tiếng Anh không được tốt nên phần trả lời phỏng vấn về bức ảnh không được chính xác như ý muốn.

Tranh luận về một kiểu chụp ảnh đang 'ăn nên làm ra' ảnh 2 Bé Kim Luân (Y Cúc) trong ảnh “Bạn thân” của Réhahn.

Phản ánh chưa khách quan

Đồng hành cùng Matca trong cuộc tranh luận, NAG quốc tế Đạt Vũ nhận xét, khi mở sách ảnh “Children of Vietnam” (“Trẻ em VN”) của Réhahn, đa phần thấy những em bé mặt mũi lấm lem, da ngăm đen do hiệu ứng hậu kỳ của photoshop. Nhà nhiếp ảnh được đào tạo về ảnh ở Mỹ này băn khoăn: “Nếu người nước ngoài nhìn vào loạt ảnh “mặt lem” đồng đều này và đọc tiêu đề của sách thì mọi người sẽ hình thành cái nhìn thế nào về VN?”

Jamie Maxtone-Graham, nhà quay phim, đạo diễn hình ảnh người Mỹ có nhiều năm sống và làm việc tại VN đưa ra bình luận về “kiểu làm ảnh” của Réhahn”: “Anh ấy đơn thuần là một người làm ăn, buôn bán trong một thị trường tiêu thụ đơn giản. Đáng tiếc, sản phẩm của anh ấy là sản phẩm của một định kiến”.

Trả lời thắc mắc của Matca về dự án Giving Back?(Vòng tròn nhân quả), Réhahn cho biết anh dùng một phần lợi nhuận từ công việc để tạo ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của nhân vật. “Tôi đã trả học phí, phí đi lại, mua bò, thuyền và trả chi phí cho một đám tang. Tôi thích hỏi người mẫu họ cần gì và tặng họ cái đó”. Bằng việc bán ảnh, Réhahn có thể tiếp tục dự án Giving Back và để mọi người vào Bảo tàng Di sản vô giá (do anh sở hữu) xem miễn phí những trang phục và vật dụng do các nhóm dân tộc thiểu số tặng NAG.

Bình luận về mô hình bảo tàng của NAG người Pháp, NAG quốc tế Đạt Vũ nói: Bản chất của bảo tàng là một nơi có chuyên môn và thẩm quyền, nhưng bảo tàng của Réhahn chủ yếu trưng bày ảnh chụp chủ quan và miêu tả đại diện của các dân tộc dưới góc độ tối giản và hạn hẹp.

Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ phỏng vấn NAG người Pháp, tuy nhiên thông qua trợ lý Đình Giang, Réhahn cho biết hiện anh bận việc cá nhân nên dừng một số hoạt động và chưa thể trả lời phỏng vấn. Trợ lý thay mặt Réhahn khẳng định anh không phải là nhà nghiên cứu văn hóa mà chỉ là một NAG yêu đất nước này, muốn khám phá, ghi lại và giúp đỡ.

Có lẽ Réhahn lại một lần nữa thiếu chính xác trong việc đặt tên sản phẩm. Thay vào tên quá kêu “Bảo tàng Di sản vô giá” nên chăng là “Phòng trưng bày lưu niệm di sản”?

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.