Tranh luận của độc giả về "bài văn lạ" : Cần lấy người học làm trung tâm

Tranh luận của độc giả về "bài văn lạ" : Cần lấy người học làm trung tâm
(TPO) Hai ngày qua, TPO đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh "bài văn lạ" của một học sinh giỏi văn ở Hà Nội. Có nhiều ý kiến gay gắt phản đối, song cũng có ý kiến đã bày tỏ sự chia sẻ về những bất cập trong cách dạy và học hiện nay.

Tôi viết bài này với hy vọng người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về ý kiến của một học sinh, trên cơ sở đó mới có nhận định và ý kiến đóng góp xác đáng hơn.

Thứ nhất, xin góp ý với Thanh về cách tiếp cận và lập luận cũng như phần nào tâm tư tình cảm của học sinh các em với lịch sử. "Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc... "

Thanh thân mến, về mặt lập luận, cứ cho là em không thích tác phẩm này, tôi cũng rất hoan nghênh sự thẳng thắn của em, đặc biệt là việc dám thẳng thắn bày tỏ ý kiến trong một kì thi học sinh giỏi.

Tuy nhiên, việc em và một số bạn khác không thích liệu có đủ độ tin cậy để khẳng định rằng 9/10 HS không thích không? Và cứ cho răng tỉ lệ đó đúng với lớp em thì liệu nó có đúng với toàn trường em và rộng hơn, có đúng với toàn thể học sinh không em? Em suy nghĩ thử xem nhé!

Từ suy luận đó, em đã biến đại từ nhân xưng từ "em không thích", thành "bọn em không thể rung động". Thanh ạ, liệu em có thật sự chắc chắn rằng trong số các thí sinh ngồi trong phòng thi đó có không chỉ một hoặc hai em thực sự thích bài văn này và mỗi lần đọc lên bài ấy, lại trào dâng cảm xúc không em?

Rất tiếc tôi không được đọc tiếp đoạn văn sau của em để biết em lập luận thế nào, để xem "Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc... ". BẰNG CÁCH NÀO? Chẳng lẽ cứ phải sống trong hoàn cảnh ấy mới có thể cảm thụ được hay sao? Cứ như vậy thì có nghiện ma túy hay sa vào các tệ nạn xã hội thì mới biết sợ mà tránh xa nó hay sao? Xin lỗi vì tôi lấy hình ảnh so sánh quá khập khiễng.

Thanh ạ, "em không hề thích tác phẩm này' nên không chỉ ra được cái hay, cái đẹp của nó, tôi đồng ý với em và hoàn toàn đồng ý với quyết định của hội đồng chấm thi khi cho 3/15 điểm vì lạc đề.

Em cũng hoàn toàn đúng khi cho rằng "đứng trước một tác phẩm văn học, bao giờ cũng có những ý kiến trái ngược khen - chê, hay - dở" vì tất yếu người ta đã khẳng định cái đẹp phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá chủ quan.

Tuy nhiên, có ai tước đi cái quyền cơ bản của các em trong việc khen chê một tác phẩm đâu em? Chỉ có điều là các em có đủ sức chỉ ra nó dở ở đâu không thôi em ạ. Một lần nữa tôi lại phải tiếc khi không được đọc toàn văn bài làm của em để xem em chỉ ra thế nào. Thêm nữa, liệu cái quan diểm "Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"?" liệu có phải do em thực sự cảm nhận ?

Tựu chung lại mong em hãy xem như đây là vài tâm sự của một người anh trai về 2 điểm:

Một là, nếu muốn bày tỏ chính kiến của mình đối với các tác phẩm, mong các em hãy thể hiện ngay trong giờ học với tinh thần xây dựng, phê bình để tiến bộ. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp cho cả các em và giáo viên thực sự có được những tri thức đáng quí và làm giờ học sống động hơn rất nhiều, đúng như chủ trương đổi mới học tập và giảng dạy.

Rộng hơn, khi bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó thì việc chỉ ra điểm yếu đã quan trọng, nhưng còn việc chỉ ra được CÁCH KHẮC PHỤC còn quan trọng hơn nhiều, đó mới là kết quả đấu tranh để tiến bộ em ạ.

Hai là, chúng ta luôn cần "sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật", nói như vậy nghe có vẻ hơi nặng nề. Nhưng hẹp lại, đó là yêu cầu của đề thi hay kiểm tra, rõ ràng ta phải đáp ứng nó thì mới có kết quả tốt. Em còn nhớ câu chuyện về "Chiếc đồng hồ" không? Đó chính là cơ sở xây dựng tính chuyên nghiệp hóa để đưa đất nước ta tiến lên đấy em ạ. Rất mong có dịp trao đổi nhiều hơn với các em.

Với việc dạy và học Văn nói riêng cũng như dạy học nói chung, tôi cũng xin bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập sang định hướng "Lấy người học làm trung tâm".

Nên chăng, các đề thi nghị luận không nên để phiến diện kiểu chỉ phân tích "cái đẹp' hoặc "cái chưa đẹp" một cách quá máy móc. Từng phần đó nên được học theo mục nhỏ, còn đến khi đi thi, nên yêu cầu học sinh theo hướng tổng quát hơn.

Chúng ta đều biết theo quan điểm duy vật biện chứng thì các mặt đối lập này cùng tồn tại và đấu tranh với nhau trong mỗi sự vật hiện tượng. Bởi thế, đề thi nên hỏi quan điểm, ý kiến học sinh về vấn đề hay tác phẩm nào đó, như vậy sẽ mang tính tự do, sáng tạo và tổng quát hơn.

Tất nhiên là chỉ với yêu cầu đối với từng bậc học. Cần lưu ý ngoài việc dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản, chúng ta cần dạy các em những cách nhìn nhận và đánh giá theo đúng thang bậc của quá trình phát triển tư duy ở từng cấp. Xin trân trọng cảm ơn.

Các ý kiến khác

Tên: Phạm Bá Hào

Email: trietgiathatthe@yahoo.com

Dấu hỏi về khả năng cảm nhận văn học của học sinh

Vấn đề "bài văn lạ" được nói đến nhiều trên các báo trong thời gian qua cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, theo quan điểm cá nhân của tôi tôi xin có một vài ý kiến như sau:

1. Là một học sinh giỏi nhưng tôi không hiểu nổi bạn Thanh lại có những suyu nghĩ như vậy "Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Là một học sinh giỏi văn nhưng bạn lại không thể cảm nhận được và đổ lỗi là bạn sống trong thời bình... chẳng lẽ cứ phải sống qua chiến tranh thì mới cảm nhận được những gì liên quan đến chiến tranh? Những bài học lịch sử trong nhà trường là để những thế hệ sau có những hiểu biết về lịch sử của dân tộc, qua đó để chúng ta sống có trách nhiệm hơn với lịch sử, bạn hãy nhớ rằng văn học là nhân học- đừng đọc tác phẩm văn học trong một khoảng hẹp mà hãy gắn nó với hoàn cảnh lịch sử, đó cũng là lý do trong SGK khi nói đến một tác phẩm văn học thì hoàn cảnh ra đời là điều đầu tiên được nhắc đến.

2. Nói lên suy nghĩ của mình là rất cần thiết, nhưng nếu nói sai chỗ thì sẽ rất phản tác dụng. Những suy nghĩ của bạn nếu bạn nói lên ở một diễn đàn văn học, một buổi thảo luận nào đó chắc chắn tôi sẽ đồng tình và tôi nghĩ nhiều người khác cũng vậy, nhưng bạn viết trong một bài thi là hoàn toàn không thể chấp nhận được!

3. Qua một bài viết nhưng bạn lại chỉ trích "Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"?  Không biết bạn đã đọc được bao nhiêu tác phẩm văn học? để phát biểu điều đó? Còn việc bạn không được nói lên cảm nhận của mình thì tôi nghĩ là bạn chưa thử, ngày tôi còn là một học sinh rất nhiều lần tôi tìm đến với thầy giáo dạy văn chỉ để tranh cải với thầy về một nhận định, một phân tích một vài ngữ nghĩa trong một tác phẩm- thầy giáo của tôi đã rất thoải mái và đánh giá cao việc làm đó của tôi mặc dù có nhiều vấn đề bất đồng vẫn không có tiếng nói chung và qua đó tôi đã nhận ra có nhiều vấn đề minh cảm nhận sai, và có những vấn đề mặc dù chưa thật sự đồng tình nhưng thầy bảo với tôi rằng, có những khái niệm mà tại một thời điểm nào đó em chưa cảm nhận được hoặc có cảm nhận khác, nhưng đôi khi em phải khép mình trong cái chung! và cho đến bây giờ thầy giáo vẫn rất cưng tôi mặc dù tôi là dân khối A!

Tên: Những cựu học sinh trường PTTH Việt Đức Hà Nội

Email: lelinh10368@yahoo.com

Thẳng thắn song còn bồng bột

Chúng tôi, những cựu học sinh trường Việt Đức đang sinh sống và học tập tại CHLB Đức, sau khi đọc bài văn của em học sinh Nguyễn Phi Thanh (Kì thi học sinh giỏi văn các lớp không chuyên Hà Nội tháng 03/05) muốn bày tỏ quan điểm của mình. Trước hết, em Thanh đã dũng cảm, thẳng thắn nêu lên ý kiến của mình về sự bất cập trong nền giáo dục nước nhà. Điều đấy đã được thừa nhận và chúng tôi tin rằng những nhà giáo dục Việt Nam đã và đang tìm cách khắc phục vấn đề này.

Tuy nhiên chúng tôi muốn để cập một khía cạnh khác trong bài văn của em Thanh. Với tư cách là một học sinh em có thể bình luận một bản anh hùng ca của dân tộc như vậy liệu có được hay không?. Tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu mang giá trị văn học và lịch sử cao "Nhân dân tế các nghĩa sĩ Cần Giuộc bằng văn tế của ông, nhân dân khóc Trương Định cùng với tiếng khóc của thơ ông" (http://www.nxbkimdong.com.vn/tacgia/nguyendinhchieu.htm).

Cũng có nhận xét: "Trong thơ văn Đồ Chiểu, không phải không có ít nhiều hạn chế. Nhưng với những giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thơ văn Đồ Chiểu xứng đáng là "ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc", là ngọn cờ tiêu biểu của thơ văn chống thực dân Pháp thời kỳ nửa sau thế kỉ XIX. Ngày nay, đọc thơ văn Đồ Chiểu, không chỉ thấy tâm huyết và tài nghệ của nhà thơ mà còn thấy lại cả một thời đại lịch sử, thấy lại cả dân tộc ta trong một thời kỳ đau thương. Thơ văn của Đồ Chiểu mãi mãi vẫn là món ăn tinh thần quý báu của người Việt Nam."(http://perso.wanadoo.fr/charite/013lichsu/025%20dinh%20chieu.htm).

Vậy mà em đã viết: "Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?... ".

Có thể khả năng của em chưa hay là không cảm nhận được giá trị nội dung của tác phẩm, nhưng cách em thể hiện ý kiến của mình là suồng sã và thiếu tôn trọng tác giả. Chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta những con người được sống trong thời kì hoà bình, đấy là công lao của những thế hệ đi trước đã đổ bao công sức và xương máu để có một cuộc sống như ngày hôm nay.Vậy mà em lại "không hề có một chút xúc động hay xót thương" sao?.

"Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ". Vậy " cái thời " như "bọn em bây giờ" do đâu mà có?.

Hơn nữa, những tác phẩm văn học là một trong những dẫn chứng xác thực nhất để có thể tiếp cận và hiểu về lịch sử dân tộc. Nhưng em lại không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những tác phẩm này.Vậy em có thể chỉ ra cách nào "để hiểu về lịch sử dân tộc, để không quay lưng với lịch sử". Nền văn học của một đất nước thể hiện văn hoá và lịch sử của dân tộc đó.Vậy mà em nói :"Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"?"

Chúng tôi mạn phép hỏi em, dựa trên cơ sở nào mà em lấy mốc thời gian 63 năm và với tư cách nào mà em lại đánh giá về cả một nền văn học nước nhà như thế? Là một học sinh giỏi văn chúng tôi tin rằng, em cũng đã có được kết quả tốt trong môn văn tại nhà trường.

Nhưng chúng tôi cũng băn khoăn rằng, đã có khi nào "chỉ vì áp lực điểm số" mà em "phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích" ? Bản thân là những người chỉ hơn em vài tuổi, qua sự giáo dục của gia đình, nhà trừờng và xã hội, chúng tôi vẫn luôn tiếp thu và giữ gìn tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.Và tinh thần ấy cũng luôn được bạn bè quốc tế khâm phục và ca ngợi.

Chúng ta cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng và phát huy tinh thần ấy bằng những hành động thiết thực của mình. Qua bài viết này chúng tôi muốn đóng góp ý kiến với em Thanh nói riêng và để các bạn đọc tham khảo. Chúng tôi dẫn chứng bình luận bài Tế từ nhiều trang web.

Tên: Đức Anh

Email: ducanh129vn@yahoo.com

Thưa toà soạn,cũng là một họ sinh lớp 11 như Thanh,em cũng cảm thấy khó hiểu khi phải học những bài văn kiểu như "Văn Tế.." mà bạn Thanh đã nói. Có thể do còn trẻ mà bọn em chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

Nhưng đã bao giờ học sinh như bọn em được nói lên sự thật? Nếu bạn Thanh không viết bài văn đó,có lẽ em cũng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nói điều này. Mọi người không có quyền gây sức em lên bạn ý!

Đặng Ngọc Toàn (The University of Qeensland – Australia) , Email: ngoctoanbmt@yahoo.com

Những ý kiến như của em Thanh cần được trân trọng

Thưa quý vị bạn đọc, Mấy ngày này ở Việt Nam chúng ta rộ lên về một bài văn “lạc đề” của em Phi Thanh, một học sinh (HS) trung học ở Hà Nội. Nhân lúc mọi người đang bàn luận về nội dung của bài văn này, mặc dầu đang học tập xa Tổ quốc tôi cũng tranh thủ đóng góp vài ý kiến của mình xung quanh bài văn của em Phi Thanh.

Trước hết, tôi xin thưa với quý vị là tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm mà em Thanh đã trình bày trong bài văn của mình, bất chấp đến thời điểm mà Thanh lựa chọn để bày tỏ như một vài người trong quý vị đã có lần đề cập.

Thực sự mà nói, chúng ta phải cảm ơn em Thanh rất nhiều vì đã nói hộ chúng ta, những người đang đi học và cả những người có con em sắp hay đang đi học ở các trường trong cả nước, điều chúng ta/con em chúng ta muốn nói mà bấy lâu nay không dám nói vì nhiều lý do.

Tôi từng là một học sinh, sinh viên học ở Việt Nam. Nên tôi hoàn toàn hiểu được những trăn trở và suy nghĩ của em Thanh cũng như của bao nhiêu HS và SV khác.

Cái kiểu dạy theo phương pháp lấy người dạy làm trọng tâm (teacher based approach) xưa nay vẫn chưa được thay đổi ở Việt Nam.

Cần phải nói rằng, một trong những điều tệ hại của phương pháp này là làm cho học sinh trở nên hoàn toàn bị động trong tư duy, suy nghĩ do thông tin chỉ đến có một chiều, đó là từ người dạy. Người học hầu như không có cơ hội để thảo luận hay bàn bạc về những ý kiến mà mà họ quan tâm hay của người dạy truyền đạt cho họ.

Đó là chưa nói đến các trường hợp mà trong đó người học đặt ra những câu hỏi nằm ngoài khả năng của người dạy hay không được người dạy trả lời trọn vẹn mà còn đưa ra những nhận xét, ý kiến mang tính răn đe, trù dập. Điều này làm thui chột và giết chết óc sáng tạo và suy nghĩ của người học, giết chết những suy nghĩ mà đáng ra là nên được trân trọng và khích lệ.

Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng chương trình học, đặc biệt là chương trình Phổ thông, quá nặng nề và cồng kềnh về cả chất lượng và số lượng trong khi thời lượng của một tiết học chỉ vỏn vẹn 45 phút. Người dạy thì không muốn cháy giáo án, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua và các quyền lợi cá nhân khác của họ nên họ cứ thế mà đọc và người học cứ thế mà chép và chép để rồi cuối cùng không hiểu được những gì mình vừa chép.

Khi làm bài nếu người học không dám đưa vào bài những suy nghĩ độc lập, không nằm trong bài giảng của thầy/cô giáo, vì như thế sẽ bị điểm thấp và rất có thể bị xem là coi thường giáo viên v v.

Nhưng xin hỏi quý vị là nếu người học không tỏ ra thích thú với nội dung bài học, môn học và không hiểu được những gì trong đó thì làm sao mà các em có thể làm bài được, khi mà sự sáng tạo đã bị giết chết ?

Ở các nước phát triển, Úc là một ví dụ, đã từ mấy thập kỷ nay người ta không còn sử dụng phương pháp lấy người dạy làm trọng tâm (teacher based approach) như ở Việt Nam chúng ta nữa, mà họ áp dụng phương pháp lấy người học làm trọng tâm (learner based approach).

Theo phương pháp này, người học được khuyến khích tối đa sáng tạo và đưa vào những suy nghĩ độc lập của mình trong bài làm. Bên cạnh những những môn bắt buộc, họ được quyền chọn các môn học khác mà họ thấy quan tâm.

Trong giờ học, HS/SV tự do thảo luận và bàn bạc về vấn đề liên quan đến bài học mà họ thấy quan tâm với sự hỗ trợ tối đa của người dạy. Người học tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình mà không hề lo ngại bất cứ điều gì. Với thời gian, phương pháp này cho thấy những lợi thế vượt trội của nó. Mà cụ thể là nó làm cho người học tỏ ra hăng hái học hơn rất nhiều trong việc học và từ đó họ luôn có những tìm tòi, sáng tạo trong bài làm của mình.

Trở lại bài văn của em Phi Thanh, tôi thấy rằng đã đến lúc những người có trách nhiệm nhận thức ra rằng phương pháp giảng dạy hiện đang được áp dụng đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thời kỳ hội nhập nữa, thời kỳ chỉ dành cho sự sáng tạo.

Ngoài ra, tôi thấy rằng chúng ta cần nhanh chóng đổi mới nội dung của các môn học, mà trong đó Văn học là một ví dụ. Nội dung của môn học một mặt phải khuyến khích được sự ham học của người học, mặt kia cần phản ánh được những nhu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Những ý kiến như của em Thanh cần được trân trọng. Không nên nhìn nhận đó là trường hợp …cá biệt cần quan tâm đặc biệt, mà cần xem đó là tiếng chuông của trách nhiệm và tính trung thực của em Thanh đã vang lên đánh thức các nhà làm Giáo dục có trách nhiệm.

Không chỉ có hô hào suông với những khẩu hiểu đao to búa lớn như nào là chấn hưng nền Giáo dục, cải tổ vv như ai đó vẫn thường nói, điều quan trọng là cần nhanh chóng tìm ra những người có tài và trách nhiệm và quy tụ họ về để họ cùng nhau nghiên cứu tìm ra những giải pháp nhằm cải tiến nền Giáo dục của nước nhà. 

Tên: Hung Dung Oka, Email: davidjemh@yahoo.com

Tôi không nghĩ đến cái đúng sai ở đây nhiều

Bài văn của em Thanh không làm tôi hài lòng về nhận xét của em với cái thích hay không thích của một tác phẩm văn học, đặc biệt đây là tác phẩm văn học nổi tiếng của nước mình và có thể nói nó còn sống lâu trong lòng dân tộc bởi tính nhân văn của nó.

Thế nhưng, khi đọc tin này thì tôi không chú ý nhiều đến ý kiến của em về cái hay, cái thích, hay về tính học thức của em. Bài văn đã chấm rồi, được điểm 3/10 hay 20/10 cũng đều xứng đáng cả. 3/10 vì tính lạc đề, 20/10 vì nó là hồi chuông mà em đã dám gióng lên cho giáo dục nước nhà.

Mấy chục năm chúng ta phần nhiều chỉ quản lý giáo dục qua khối lượng chương trình hay soạn giáo trình trên nhận thức của những nhà chuyên môn đầu ngành mà không tìm hiểu xem học sinh bây giờ họ suy nghĩ và nhận thức cái gì như thế nào.

Việt Nam bao năm thay đổi giáo trình, phương pháp giảng dạy, than phiền đủ thứ thì cũng chỉ là những thông tin từ phía các nhà chuyên môn, chẳng có một số liệu nào từ phía các em - những người trực tiếp lĩnh hội những thứ đó.

Ví dụ, giáo dục văn học là giáo dục tính nhân văn cho con người, giúp các em nhìn cuộc sống từ một góc độ khác mang tính nhân văn, thế mà giáo dục văn học ở nhiều nơi bây giờ chỉ cứng nhắc là những bài giảng, những câu hỏi, đề cương, giáo trình... để cho kịp thời lượng trên giao, đâu có thời gian cho các em có những buổi ngoại khoá mà bày tỏ suy nghĩ, ý kiến hay tìm hiểu sát hơn về những bài học của em trên lớp?

Ở đây em đã nói chưa thích tác phẩm chứ chưa phải là nói nó không hay. Một câu nói có thể là không hay thì đừng có hiểu đó nghĩa là câu nói dở. Đúng, nói cái hay thì đã khó, nói lên cái dở càng khó hơn. Thế nên 100 bài bình văn thì có đến 98 bài khen hay, có mấy bài nói được cái dở.

Chẳng có cái gì hoàn hảo được cả, thế mà nhà chuyên môn cũng chỉ nói được thế thôi thì thử hỏi em tuổi "teen" chắc gì đã nói được cái không hay của nó. 

Tóm lại, hãy nhìn đọc và suy ngẫm về giáo dục nước nhà, về chương trình, phương pháp dạy, giảng hay soạn giáo trình giảng dạy... cho học sinh. Hãy đừng đem các em ra làm vật thí nghiệm cho hết cải cách không thành này đến cải cách không thành nọ. Hãy nói ít về ý kiến các nhà chuyên môn với cụm từ "tôi cho rằng..." mà hãy nói "thống kê thấy rằng..." để cải cách chương trình giáo dục nước nhà, thế mới mong tiến bộ được.

Tên: Thang Viet, Email: thangviet@hotmail.com

Xa hoi can nhung nguoi noi thang, noi that

Toi rat cam kich khi thay mot em hoc sinh cap 3 da dam noi thang nhung suy nghi cua minh ve viec day va hoc mon Van. Hoc sinh Viet nam dang hoc mot cach thu dong, bi nhoi nhet kien thuc va loi suy nghi theo kieu loi mon, lap lai mot cach sao rong nhung dieu ma thay co giang, thieu suc sang tao. Cam on em Thanh rat nhieu. Su dung cam dam noi thang, noi thuc cua em can khen ngoi. Hay yen tam hoc vi co  nhieu nguoi ung ho em.

Tên: Nguyễn Viết Nhâm, Email: nham1962@prepaid

Đừng vì một đề bài văn mà vội kết luận

Cháu Thanh thân mến! Cách đây 26 năm chú cũng như cháu bây giờ, mặc dù lúc ấy chú rất giỏi các môn về tự nhiên và cũng chẳng thích môn văn, nhưng đến nay thì chú lại nghĩ môn văn lại có những cái hay hơn những môn khác và chú cũng đã được thầy giáo dạy văn ngày xưa có nói "văn là người" .

Chú cũng rất đồng ý với một số ý kiến cho rằng khi soạn thảo chương trình sách giáo khoa thì ban biên soạn đã nghĩ đến tính tổng hợp cái tinh hoa của nhân loại, từ cổ chí kim, Đông sang Tây . Bên cạnh đó mục đích của người ra đề bài văn là để thế hệ trẻ phải thấy được những ý nghĩa, những hy sinh của cả một thế hệ để bây giờ các cháu mới được như ngày nay.

Chú rất khâm phục tinh thần dũng cảm của cháu đã nói lên những quan điểm của một số học sinh cùng suy nghĩ như vậy .Đây cũng là một câu hỏi cho các chuyên gia giáo dục làm sao cho các chương trình được các cháu cảm thụ một cách tự nhiên và có ý nghĩa hơn ,nó sẽ hướng con người đến cái đẹp,nhân ,thiện. Chúc cháu khoẻ và học giỏi

Tên: Trần Đình Hiệp, Email: trandinhhiep@gmail.com

Tôi đồng ý với quan điểm của em về cách dạy cách học văn cũng như cách cảm nhận bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của em. Tuy nhiên tôi hoàn toàn không đồng ý khi em lại bày tỏ chính kiến của mình trong bài thi của em.

Nói, nghĩ, viết, làm... điều gì phải đúng nơi, đúng chỗ. Không ai cấm em nói ra những điều đó, thậm chí em có thể gửi tâm tư nguyện vọng em lên đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hoặc gửi lên Thủ tướng Chính phủ.. thì nó mới hay hơn và đúng hơn.

Việc em đem bài thi để bày tỏ chính kiến của mình là không tôn trọng thầy cô giáo, và không tôn trọng chính mình.

Tôn sư trọng đạo, em nên nhớ như vậy. Trần Đình Hiệp (Huyền Trân Công Chúa - Huế)

Tên: Đỗ Mạnh Hùng

Email: herogvn@yahoo.com

Em cũng là 1 học sinh đang học lớp 12a18 trường THPT Việt Đức , em xin nói lên suy nghĩ của mình về bài thầy Phạm Hồng Hà dạy ở trường khoa học tự nhiên như sau : Đọc xong bài của thầy em thầy được thầy có những suy nghĩ khá bảo thủ , giống như nhiều giáo viên lâu năm , vì các thầy cô giáo không muốn nhận mình sai trong cách giảng dạy , dù đây không hoàn toàn do lỗi thầy cô mà là do cách giảng dạy chung ở Việt Nam hiện nay .

Thầy nói rằng "việc em và một số bạn khác không thích liệu có đủ độ tin cậy để khẳng định rằng 9/10 HS không thích không? Và cứ cho răng tỉ lệ đó đúng với lớp em thì liệu nó có đúng với toàn trường em và rộng hơn, có đúng với toàn thể học sinh không em?" Thì em có thể nói rằng trường em có 20 lớp 12 , với khoảng 1000 học sinh khối 12 thì em có thể khăng định rằng 9/10 học sinh không thích tác phẩm này , ngay ở lớp em thì có thể khẳng định 100% học sinh không thích , còn ở trường may ra có các bạn thi học sinh giỏi môn văn hoặc học lớp chuyên văn còn có thể hiểu và thích được phần nào tác phầm này , nhưng ngay đến 1 học sinh được của đi thi học sinh giỏi như bạn Thanh cũng nói là không thích thì cần xem lại , nếu vẫn còn hoài nghi thì mong rằng sẽ có cuộc trưng cầu ý kiến của toàn bộ học sinh khối 12 của trường .

Em có thể khẳng định rằng không đến 100/1000 học sinh lớp 12 thích và hiểu một cách sâu sắc về tác phầm này . Tiếp tục dẫn lời thầy : "Rất tiếc tôi không được đọc tiếp đoạn văn sau của em để biết em lập luận thế nào, để xem "Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc... ". BẰNG CÁCH NÀO? Chẳng lẽ cứ phải sống trong hoàn cảnh ấy mới có thể cảm thụ được hay sao? Cứ như vậy thì có nghiện ma túy hay sa vào các tệ nạn xã hội thì mới biết sợ mà tránh xa nó hay sao? Xin lỗi vì tôi lấy hình ảnh so sánh quá khập khiễng."

Thưa thầy là không thiếu gì cách tốt hơn , lí thú hơn để chúng em có thể hiểu về lịch sử dân tộc như qua phim ảnh , người Việt Nam đặc biệt là gới trẻ thường không rõ về lịch sử Việt Nam nhưng lại rất rành về lịch sử Trung Quốc do họ xem rất nhiều phim lịch sử Trung Quốc . Bằng cách kể chuyện kèm hình ảnh và hiện vật , như là thăm quan và nmghe giảng giải về lịch sử tại các bảo tàng lịch sử , những nơi có thể tái hiện lại phần nào lịch sử , điều mà rất ít khi học sinh chúng em có được .

 Đấy chỉ là một vài cách em nghĩ đến nhưng em nghĩ còn rất nhiều cách để chúng em có thể hiểu về lịch sử một cách lí thú hơn mà không cần phải trở về sống ở hoàn cảnh lịch sử như thầy nói . Lại tiếp tục mạn phép dẫn lời thầy : "Tuy nhiên, có ai tước đi cái quyền cơ bản của các em trong việc khen chê một tác phẩm đâu em? Chỉ có điều là các em có đủ sức chỉ ra nó dở ở đâu không thôi em ạ. Một lần nữa tôi lại phải tiếc khi không được đọc toàn văn bài làm của em để xem em chỉ ra thế nào. Thêm nữa, liệu cái quan diểm "Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"?" liệu có phải do em thực sự cảm nhận ? "

Đúng là có những tác phẩm chúng em không đủ sức để khen chê vì bọn em hoàn toàn không hiểu nội dung tác phẩm đó , mà cho học sinh học những tác phầm khó hiểu vậy thì có nên không.

Chung qui lại chúng em muốn học những tác phầm mà lứa tuổi học sinh chúng em có phải hiểu được , hình như cá thầy cô giáo cứ dạy theo giáo án thôi mà rất khi hỏi học sinh những câu như : "em có hiểu cái hay của tác phầm này không ? , cảm nhận của em về bài thơ này thế nào ? " .

Chúng em muốn các thầy cô hướng tới học sinh nhiều hơn là giảng dạy khư khư theo giáo án mà không biết mình có truyền đạt được cho học sinh không , học sinh nghe mà có hiểu được ý các thấy cô giảng không , tránh tình trạng thầy dạy cứ dạy , học sinh không hiểu vẫn hoàn không hiểu , kiểu như gảy đàn tai trâu .

Tên: Đỗ Mạnh Hùng

Email: herogvn@yahoo.com

Không chỉ có môn văn...

Em đang là học sinh lớp 12a18 trường THPT Việt Đức Hà Nội . Em rất ủng hộ ý kiến của bạn Thanh . Tuy nhiên tình trạng này ko chỉ ở môn văn mà còn nhiều môn khác nữa . Ở các môn tự nhiên như toán lí hoá , những môn rất cần thực hành để chúng em có thể dễ nhớ hơn về những phản ứng hoá học , những hiện tượng vật lí và những qui tắc toán học , nhưng thực tế thì việc thực hành hầu như là không có , lý thuyết thì quá nặng .

Việc này không chỉ làm cho học sinh phải chịu gánh nặng lý thuyết mà còn làm học sinh mất đi sự lý thú đặc trưng của các môn tự nhiên này và sau này ra trường thường bị nhận xét chung khi xin việc làm là " thiếu kiến thức thực tế".

Đến môn Tiếng Anh, một trong những môn chính tình trạng cũng không khả quan hơn , học tiếng Anh có 4 kĩ năng là : nghe , nói , đọc , viết nhưng ở trường chúng em chỉ được học 1 kĩ năng duy nhất là viết , thỉnh thỏang học đọc còn nghe và nói thì hoàn toàn không . Học tiếng Anh lí do chính là có thể nói chuyện giao lưu với người nước ngoài nhưng chúng em hoàn toàn ko được học 2 kĩ năng nói và nghe thì làm sao có thể giao tiếp ??? Bằng chính của việc này mà các báo đã đăng nhiều lần là 12 năm học tiếng anh vẫn ko thể nói được , rồi tỉ lệ sinh viên có thể sử dụng tiếng Anh rất ít ( dù đã được học trong cả 3 cấp 1, 2, 3 ) .

Nguyên nhân chính là các giảng dạy làm cho học sinh mất đi hứng thú sôi nổi vốn có của môn Tiếng Anh , ko được học 2 kĩ năng nghe và nói chỉ toàn viết nên dù đã được học rất nhiều ở trường nhưng học sinh vẫn phải học thêm tiếng anh ở các trung tâm nếu muốn nói và nghe được tiếng Anh . Đến các môn phụ như sinh , sử , địa thì hầu hết chỉ là đến trường nghe thầy cô giáo đọc và chép như cái máy , nếu chỉ là chép thì em thấy ko nhất thiết phải đến trường mà ở nhà đọc sách cũng được .

Đặc biệt môn sinh , môn cũng có yêu cầu thực hành cao nhưng bọn em ko hề có giờ thực hành , cùng lắm là xuống sân trường ... nhặt vài cái lá để ... sưu tập . Ở các môn đều có nhiều điều bất cập và vô lí thế rất dễ làm cho học sinh chán nản , chán học .

Quay lại môn văn , những gì bạn Thanh nói là đúng với suy nghĩ của 99% học sinh , đặc biệt là học sinh phổ thông . Hầu hết bọn em học văn chỉ là đến lớp chép bài , hầu như không được nói lên suy nghĩ , bình luận về bài văn nên giờ văn trở nên rất nặng nề và mệt mỏi . Đến khi kiểm tra thì gần hầu hết đều chép từ văn mẫu, có lẽ giáo viên đọc cũng biết là văn mẫu vì lời lẽ quá ... già , quá "Văn mẫu" , biết không phải học sinh tự làm nhưng vẫn phải cho điểm cao vì hầu hết học sinh đều bị đồng phục hoá môn văn .

Em nghĩ các thầy cô cũng như học sinh đều muốn có sự thay đổi , vì cách dạy và học như thế làm cho cả học sinh và giáo viên thấy mệt mỏi , mong rằng trong một vài năm tới Bộ giáo dục sẽ có những thay đổi tích cực trong các dạy và học để thế hệ học sinh sau chúng em không phải khổ nữa !

Tên: Nguyễn Đào Tấn

Email: dao_tan2003@yahoo.com

Trước tiên, tôi rất nhất trí với lời nhận xét của Tiến sỹ Lê Ngọc Trà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục về em Thanh, đây là những nhận xét mang tính nghiêm túc và thực sự khách quan về em Thanh và tình hình giáo dục thực tế hiện nay.

Tôi rất quý tính thẳng thắn của em Thanh và cũng nhận ra ngay cái non nớt của một học sinh là em đã lấy việc thích hay không thích làm thước đo cho giá trị một tác phẩm văn học và cho rằng nhiều em khác cũng không thích tác phẩm này, ....

Nếu như theo lời khuyên của một số chuyên gia (kể cả một chuyên gia là giảng viên của một ngành khoa học tự nhiên) là em Thanh nên bày tỏ chính kiến của mình ngay trong giờ học thì hỡi ơi, tôi có thể khẳng định 100% là chính kiến đó sẽ chìm trong quên lãng và chúng ta lại tiếp tục suy nghĩ theo lối mòn đã định sẵn.

Em Thanh đã có một hành động đầy bản lĩnh; đó chính là sự khác biệt của em Thanh với chúng ta, và ngay cả bản thân tôi, là giáo viên dạy môn văn cũng thừa nhận cách giảng dạy của chúng ta như hiện nay và cách ra đề còn có nhiều vấn đề cần đổi mới mà tôi cũng chỉ nghĩ, chưa dám đưa chính kiến của mình trong các cuộc họp, hội nghị,...vì sợ liên luỵ và có thể ảnh hưởng đến bản thân mình.

Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm, nhân sự kiện này hãy nhìn nhận lại cách giảng dạy của chúng ta hiện nay, hãy làm một điều gì đõ để phát huy cao nhất tính sáng tạo và khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh, tránh tư duy theo kiểu một chiều và định sẵn như ý kiến của nhiều vị phụ huynh đã đóng góp. Xin cảm ơn Tienphongnline đã cho tôi cơ hội để bày tỏ chính kiến của mình.

Tên: Việt Nguyễn

Email: vietnguyen@yahoo.com

Hãy lắng nghe thế hệ trẻ

Kính gửi Giảng viên Phạm Hồng Hà. Chúng ta hãy khoan bàn luận về thái độ đúng, sai của một học sinh giỏi văn về nền văn học nước nhà. Cái khía cạnh mà tôi muốn nói tới ở đây là ý kiến nhận xét văn học của một người giảng khoa học: "Rộng hơn, khi bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó thì việc chỉ ra điểm yếu đã quan trọng, nhưng còn việc chỉ ra được CÁCH KHẮC PHỤC còn quan trọng hơn nhiều."

Xin thưa với thầy, cô đây không phải là vấn đề mà chỉ em học sinh kia làm thay đổi được mà nó là vấn đề xã hội hóa giáo dục. Nếu như chỉ mình sức em học sinh kia chỉ ra được cách KHẮC PHỤC thì những vị GS, TS biên soạn chương trình văn học ngồi để làm gì?

"Chúng ta luôn cần "sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật"" - mới chỉ nêu ra một qua điểm như vậy mà cô, thầy đã nhắc đến Pháp luật rồi, nói gì đến việc em học sinh đó dám chỉ ra CÁCH KHẮC PHỤC?

Chẳng nhẽ học sinh nói đúng tâm tư và tình cảm của mình về phương pháp dạy và học văn là vi phạp Pháp luật? Hãy để cho thế hệ trẻ được bày tỏ tâm tư nguyện vọng, có như vậy mới biết họ đang nghĩ gì. Nếu đúng thì chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, nếu sai lúc đó chúng ta mới có cơ sở để uốn nắn các em vào quỹ đạo.

Tên: Phạm Phú Thép Hội VH-NT Quảng Bình

Email: thepqb@yahoo.com

Cần tôn trọng cảm xúc của lớp trẻ

Tôi rất phục em Thanh trong cuộc thi, mà điểm là rất quan trọng, song em không đặt nó lên hàng đầu mà nói lên chính kiến của mình về cảm nhận một tác phẩm văn học.

Tôi nghĩ cái vấn đề là do đề bài là một bài văn tế thì sao lại đi phân tích vẻ đẹp. Làm sao đang khóc người mà lại có vẻ đẹp. Chiến tranh là sự bi hùng của dân tộc chính Bác Hồ cũng không bao giờ cho một trận đánh là đẹp thì làm sao ta lại đi tìm vẻ đẹp trong bài văn tế.

Hiện nay, việc cảm nhận văn học có nhiều khuynh hướng nhưng theo tôi với khả năng như em Thanh thì làm bài văn đó là được, nhưng em không nghĩ thế mà em nói lên cái cảm nhận riêng của mình đó là cái cứng nhắc trong việc học của chúng ta.

Tên: Khôi, Email: giakhoi01@yahoo.com

Chi rieng viec dam noi ra chinh kien cua minh da chung to em Thanh da lam mot viec ma bao nhieu nguoi bay to su khong dong tinh voi em phai cam thay ho then. Ho cu dung ly luan nay, ly le kia de co tinh bat be mot co hoc sinh lop 11. Ho khong hieu rang, em Thanh cung giong nhu nhieu nguoi trong chung ta, trong do co ca ho, la nan nhan cua mot nen giao duc cung ngac, khong cho phep hoc sinh duoc the hien quan diem doc lap, du no dung hay no chua dung.

Toi mong rang cuoc tranh luan nay nen dung lai, boi cang dang tai nhung y kien, chung ta cang thay rang nhieu nguoi trong chung ta van con qua bao thu trong suy nghi, co bao ve cho mot nep nghi cu. Cam on Thanh. Chan thanh, Khoi.

Tên: Trần Trọng Nghĩa, Email: nghiaop@gmail.com

Điểm 3/15 là xứng đáng !

Là 1 học sinh giỏi mà không hề cảm nhận được cái hay của bài "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" sao??? Phải chăng bạn không thích chủ đề về lịch sử trước đây?

Bạn cho rằng nói những vấn đề đó quá cũ rích? Hay vì tác giả bài văn viết dở? Qua văn thơ để tìm hiểu về lịch sử dân tộc chẳng phải là 1 cách tốt cho chúng ta sao? Sao bạn lại nói là "... Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để tìm hiểu về lịch sử dân tộc".

Tôi không hề đồng tình với bài thi của bạn Thanh. Điểm 3/15 là xứng đáng. Đề nghị toà soạn đăng toàn bộ bài dự thi của bạn Thanh. Xin chân thành cảm ơn!

Tên: Hà Trang, Email: anti0310@yahoo.com

Một ẩm thực gia giỏi không phải món nào cũng "thực" được!

Tôi rất khâm phục bạn! Thời là học sinh, chúng tôi cũng rất nhiều lần thấy như bạn. Không cần biết tác giả là ai, tác phẩm thế nào, cứ chỉ cần thấy đề cảm thụ là phải nào là tứ thơ hay, súc tích, nào là hình tượng đẹp, làm rung động lòng người, hình ảnh đó là một tượng đài bất tử về... nào là tái hiện một cách sinh động, rồi vạch trần, tố cáo ...

Những câu như thế như thấm vào trong máu mỗi học sinh viết văn rồi, không có con đường nào khác. Biết là thế, nhưng viết được ra như bạn, không phải ai cũng làm được!

Góp thêm một quan điểm, một tiếng nói cho nền giáo dục văn học hiện nay, nhất là khi tình trạng đạo văn, học thuộc lòng bài văn khi vào phòng thi ngày càng phổ biến, là sự chứng tỏ, lớp trẻ ngày nay đã có suy nghĩ hơn về những gì đang được "nhồi" vào đầu họ. Tôi cảm ơn bạn rất nhiều!

Tên: Hoang Thi Huong

Toi rat dong y voi y kien cua em Thanh !

Kinh thua toa soan! Hien nay toi da ra truong duoc 5 nam va bay gio da di lam, co the noi trong suot khoang thoi gian hoc 3 nam cap III cua toi da khong de lai chut an tuong tot nao.

Toi khong hieu nha truong muon dao tao chung toi ra thanh mot nguoi linh hoat hay chi la nhung con vet. Luc nao cung chi la hoc thuoc va kiem tra mieng dau gio. Khoang thoi gian 15' dau gio la luc ma hoc sinh chung toi so nhat vi bi goi len bang.

Khong phai chung toi luoi bieng khong hoc bai cu ma chung toi khong thich luc nao cung bi dung len truoc lop roi doc thuoc lau lau nhung dinh nghia va cong thuc. Do la nhung kien thuc sao rong, no chi ton tai trong dau chung toi vai ngay roi bay het di theo thoi gian.

Mot bai hoc duoc hoc sinh khen hay khi duoc thay co truyen dat lai voi su ket hop hai hoa giua thuc te va ly thuyet hay don gian chi la mot cau chuyen dan dat vao bai mot cach di dom cung tang su hung phan cho hoc sinh hoc bai, dieu do co the tao cho hoc sinh mot cach nhin khac, mot cach nghi khac va mot su lien tuong den thuc te khien cho hoc sinh nho rat lau bai day cua co.

Dung de hoc sinh co cam giac cang thang moi khi vao tiet hoc. Va chung toi cung chi biet chum dau vao nhau de noi thoi chu khong biet phan anh voi ai ve nhung van de do va chac chan cung khong co ai trong truong dung ra de giai quyet nhung thac mac cho chung toi.

Hoc sinh chung toi chi biet nghe, viet va ve nha hoc thuoc. Do la nhiem vu duy nhat cua hoc sinh. Vi vay toi thay hoc sinh cua chung ta luon o trong the THU DONG, do la dieu co hai nhat ma hoc sinh phai ganh chiu. Co le de noi duoc het nhung mat trai cua nen giao duc khong phai la de.

Tren day chi la nhung dieu ma ca nhan toi da tung suy nghi khi con la hoc sinh va den bay gio toi moi co co hoi de bay to. Rat mong cac thay co hay suy nghi va co nhung doi moi trong cach day de the he hoc sinh bay gio va sau nay se phat trien mot cach toan dien.

Tên: Đỗ Doãn Đạt, Email: dodoandat@yahoo.com

Tôi không cho rằng học sinh đó đúng

Tôi không cho rằng học sinh đó đúng. Vì mới chỉ là học sinh PTTH, không thể dùng những lý lẽ, dù là có biện chứng như thế để cải cách cả một chương trình dạy bậc PTTH mà biết bao thế hệ học sinh đã trải qua.

Hơn nữa, Thanh lại là học sinh giỏi đang tham dự kỳ thi học sinh giỏi khối trường PTTH thì càng phải tuân thủ những gì đề ra. Xin đừng có ai ủng hộ cả, vì làm như thế sẽ là chiều chuộng ...

Học sinh hiện nay cứ đòi khẳng định CÁI TÔI CÁ NHÂN, trong khi cái CON NGƯỜI XÃ HỘI chưa thành hình. Học sinh phải trải qua tất cả các cấp học PTTH (I, II, III) là để học lấy cái con người xã hội. Con người xã hội sau đó sẽ giúp họ xây dựng nên cái bản ngã đó.

Nếu vì lý do yêu-ghét, mà nhiều người đổ lỗi cho cả một chương trình giáo dục, cụ thể chương trình dạy văn học ở cấp PTTH, kể cả PTCS, thì thật là sai lầm.

Hồi tôi còn học PTTH, tôi đã được nghe kể một thí sinh vào phòng thi nhưng gặp đề "khoai" quá nên chỉ viết bậy bạ mấy câu, đại loại "Cổng trường đại học xa vời vợi/ Thân trâu này đâu dám ước mong", hay trong dân gian có Trạng Quỳnh với "Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi..." là không thể chấp nhận được. Còn đã học chuyên nghiệp thì chúng ta không thể ủng hộ những việc xảy ra như vậy.

Tên: Hong Minh, Email: maiha31@yahoo.com

Bạn đã sai rồi !

Tôi không thể hiểu nổi làm thế nào bạn có thể đứng trong đội tuyển đi thi HS giỏi văn ? Bản thân tôi cũng đã từng trăn trở rất nhiều với những vần thơ, những bài văn.

Và bây giờ công việc của tôi tuy không liên quan gì tới văn chương ( dù đó là con đường mà tôi đã đi và theo đuổi trong rất nhiều nămn) nhưng khi đọc bài của bạn tôi không thể không lên tiếng.

Khi cảm thụ văn chương và nhất là khi tiếp cận với một tác phẩm lớn, khi không hiểu tôi cảm thấy mình vừa ngốc xít, vừa có lỗi, bởi một lẽ một quá khứ một lịch sử oai hùng như thế mà không hiểu, thì làm sao hiểu được tương lai như thế nào.

Quá khứ đã qua, lớp trẻ hôm nay đang sống những tháng ngày bình yên đã không cảm nhận được lịch sử thì quả là điều đáng tiếc. Tôi mong rằng đội tuyển Văn ở mọi nơi sẽ không còn những người mang tư tưởng đấy đi thi, bởi thế sẽ làm xấu hổ một thế hệ 8X ở VN mà thôi.

Tên: Lê Quang Minh, Email: vreway@yahoo.com

Chúng ta cần xác định chủ đề cho phù hợp hơn

Tôi đồng ý với giakhoi01@yahoo.com về việc nên dừng cuộc tranh luận về NPThanh tại đây vì 2 lí do:

1/ Em đang là học sinh lớp 11 và đã chịu đủ sức ép rồi, hãy để cho cá nhân em và những người liên quan quay trở lại với cuộc sống bình thường.

2/ Không nên để nhiều người lợi dụng việc làm của em để biến em thành một ngọn cờ, làm lá chắn cho những mục đích khác của họ cũng như lợi dụng diễn đàn để thay vì đóng góp ý kiến cho sự tiến bộ lại dùng những từ ngữ không được hay lắm để nói về những người khác chính kiến với mình.

Tôi cũng xin đề nghị bên cạnh việc nêu ý kiến sự quá tải cũng như những tồn tại của nền giáo dục nước ta, chúng ta hãy đưa ra những giải pháp cụ thể để góp phần xây dựng nó.

Ai cũng biết trong thời đại ngày này, cứ 2- 3 năm kiến thức của nhân loại lại tăng gấp đôi, đất nước ta đang gắng sức để bắt kịp với thế giới... đồng thời lại có yêu cầu giảm tải chương trình học thì đó quả thực là bài toán rất khó cho những người xây dựng chương trình.

Chúng ta đều thích lấy mô hình giáo dục của các nước tiên tiến với những điều kiện kinh tế- xã hội vượt trội để so sánh với nước ta thì cũng nên biết rằng học sinh- sinh viên cũng như người lao động của họ phải chịu những áp lực rất lớn của học tập, công việc và cuộc sống. Những ai đang làm việc cho các công ty hoặc các cơ quan nước ngoài thì hẳn sẽ thấm thía điều này.

Thế nên, điều quan trọng mà họ tìm cách giải quyết để vươn lên là xây dựng cho mình tính thích nghi cao độ được cụ thể hoá trong những kế hoạch cá nhân. Bởi thế, trước mắt khi chưa có được một chương trình đào tạo lí tưởng, thiết nghĩ chúng ta nên giúp các em học sinh học cách thích nghi và phát huy tốt nhất điều kiện hiện tại.

Không ít học trò nước ta đang làm tốt điều này và khẳng định mình ở những trung tâm đào tạo lớn trên thế giới. Tôi xin đề nghị một giải pháp nhỏ trước mắt như sau: đối với các giờ sinh hoạt lớp, thay vì dành toàn bộ thời gian vào công việc tổng kết, các lớp dành ra khoảng 30 phút để các thầy cô giáo chủ nhiệm giúp các em xây dựng kế hoạch cá nhân ngắn hạn.

Cụ thể là: 1/ Thử lấy điển hình mỗi lớp khoảng 5- 7 học sinh tích cực để thử nghiệm. 2/ Học sinh nêu rõ lịch học, mục tiêu cụ thể của mình trong năm học cũng như các mục tiêu phát triển, sở thích cá nhân khác (phát triển cá nhân)xếp theo thứ tự ưu tiên. 3/ Giáo viên xác định rõ yêu cầu về kiến thức cũng như các mặt khác mà học sinh cần có đối với giáo dục phổ thông (yêu cầu chung) xếp theo thứ tự ưu tiên. 4/ Xác định khung thời gian mà học sinh có để thực hiện. 5/ Chia thành thời gian biểu cụ thể- Kế hoạch cá nhân ngắn hạn, đảm bảo cho việc thực hiện hài hoà những mục tiêu, yêu cầu thiết yếu của sự phát triển cá nhân và yêu cầu chung trước, phần thời gian còn lại sẽ dành cho những yêu cầu có độ ưu tiên thấp hơn. Nếu không đủ, thì buộc phải cắt bỏ những yêu cầu có độ ưu tiên thấp. 6/ Kiểm tra tính hiệu quả qua các chỉ số đo được. 7/ Tổng kết, đánh giá và xây dựng mô hình, kế hoạch phù hợp.

Điểm mấu chốt của việc xây dựng kế hoạch này là phải thật cụ thể, tránh tình trạng chung chung để rồi không có được những số liệu chính xác. Làm được điều này ít nhất chúng ta sẽ: 1/ Tối ưu hoá được việc sử dụng thời gian và dạy học sinh cách tập trung cho mục tiêu phát triển, một cơ sở quan trong của quá trình thích nghi. 2/ Có số liệu cụ thể, chính xác để đóng góp cho việc cải tiến và đổi mới chương trình đào tạo, tránh tình trạng chỉ "lí luận suông" rằng chỗ này nặng, chỗ kia nhẹ mà không có chỉ số so sánh.

Đó là vài suy nghĩ của tôi, rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô giáo, các em học sinh và những người quan tâm.

Tên: NTH, Email: sgnongnhiet@yahoo.com

Đồng tiền dùng cho việc in va mua Sách Giáo Khoa nên dùng để ủng hộ cho chi phí Y Tế !

Tôi cũng từng là một học sinh, tôi xin gửi một vài thiển nghĩ. Tôi thấy nếu : Nhà giáo dạy giống như nội dung trong sách giáo khoa của bộ Giáo dục, còn học sinh ngồi chép thì nhà giáo là máy nói, học sinh mua sách làm gì cho tốn tiền ? Đồng tiền dùng cho việc In va Mua Sách Giáo Khoa nên dùng để ủng hộ cho chi phí Y Tế !

Một điều mà chắc nhà giáo dục nào cũng thừa nhận là: Nếu tự mình mày mò tìm hiểu thì sẽ nhớ mãi... Để khơi dậy tính sáng tạo của học sinh, mà báo chí cũng đã nói nhiều, thì tôi nghĩ: Nhà giáo nên làm người định hướng và hướng dẫn cho học sinh làm gì và làm như thế nào, chỉ ra cho học sinh thấy ý nghĩa và niềm vui của học tập. Điều này sẽ tạo nên tình nghĩa sâu sắc giữa thầy và trò.

Tôi thấy: -Nhà giáo dạy giống như nội dung trong sách giáo khoa của bộ Giáo dục, còn học sinh ngồi chép thì học sinh sẽ thành những CON VẸT ? - Một học sinh tốn bao công sức, cha mẹ tốn bao tiền của để đổi lấy cái gi ? Ngoài quyền lợi và nghĩa vụ được giáo dục về Nhân cách, nên đổi lấy: Học tập và Lao động mang đầy nét SÁNG TẠO. Sự trao đổi này có giá trị hơn nếu như mắt sẽ bị Cận thị, đồng tiền bỏ ra để tìm tòi học tập trên Internet có giá trị hơn là chơi điện tử, ngồi Chát... !

Tên: bui Huong, Email: thtrose@yahoo.co.uk

Chị ủng hộ em, chẳng gì bằng nói thật lòng mình. Học giỏi nhé!

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.