Tranh luận chưa ngưng 'Mang tiền về cho mẹ'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có vị Phó giáo sư, Tiến sỹ lập luận: “Mang tiền về cho mẹ” khá thực dụng, cổ vũ cho lối sống vật chất. Vị này mang hoàn cảnh dịch bệnh ra để “bắt lỗi” “đứa con” của Đen:

Cuộc sống mưu sinh năm qua vô cùng khó khăn, những ai gặp thất bại trong cuộc sống dễ cảm thấy tủi thân khi không thể “mang tiền về cho mẹ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại đánh giá ý kiến “Mang tiền về cho mẹ” cổ vũ lối sống vật chất là… nâng quan điểm. Họ có lý của họ. Bởi tiền ở đây là tiền “sạch”: “Tiền của con không cần phải rửa/Nó cũng chỉ ám mùi mồ hôi/Mẹ yên tâm con là công dân tốt/Đóng thuế đều và cũng chỉ có đủ mà thôi”.

Mang về cho mẹ những đồng tiền sạch, để bù đắp cho mẹ những “những ngày xám ngoét”, “có khi mẹ ngất giữa đường/Vì cả ngày chẳng có gì no”, bù lại quãng thời gian “mẹ không dám ăn/không dám mặc/không dám tiêu cũng chỉ vì lo (lo cho con)”…Thì có gì là thực dụng? Ngược lại, phần nào đó còn có tác động tốt: “Do đại dịch mà một năm không được về thăm mẹ. Nghe bài này của Đen trong dịp cuối năm tết đến, cảm xúc bồi hồi”, bình luận của khán giả.

Tiền đi vào thi ca, nhạc, họa từ lâu. Nguyễn Du viết: “Trong tay sẵn có đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Đen Vâu, rapper sinh năm 1989, rất chăm chỉ nhắc đến tiền, mỗi lần một màu sắc. Trong sản phẩm gây bão trước đó, “Bài này chill phết”, Đen viết: “Tiền bao nhiêu cho đủ, ai biết ngày sau em?”, “Anh cũng cần tiền, những dự án họ nói họ cần Đen”; “Sáng chúng ta làm, vì tờ bạc nhiều màu trong ví/Đêm về ta chill, riêng mình một bầu không khí”.

Lần này, Đen nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Mang tiền về cho mẹ/Mang tiền về cho mẹ/Mang tiền về cho mẹ/Đừng mang ưu phiền về cho mẹ…”. Phải chăng sự nhắc lại liên tục ấy đã tác động ít nhiều đến “bệnh” hay suy diễn của một bộ phận “thượng đế”? (Chính sự hay suy diễn khi thưởng thức văn nghệ, đã khiến cho “Con đường xưa em đi” cùng bao nhiêu ca khúc xưa mãi mới được tự do. Một cái giá ngậm ngùi cho “cha đẻ” của chúng).

Trong khi cuộc tranh luận chưa ngưng, “Mang tiền về cho mẹ” lại hoan hỉ vào đề thi Ngữ văn, khiến nhiều người nghi ngờ: Hay người ra đề là một “đồng âm” (người hâm mộ Đen)? Nếu không phải “đồng âm” thì cũng “đu trend” quá tài.

“Mang tiền về cho mẹ” có những câu cực kỳ thô vụng: “Chim thì có tổ/Là con người thì chắc chắn phải có tông/Muốn bay vào trời cao rộng/Con nào không cần có lông”. Thế mà đề thi chẳng thấy bàn, cứ thấy đặt câu hỏi mang tính “nịnh” Đen quá!

MỚI - NÓNG