Tranh Hàng Trống, tò he và nhã nhạc cung đình Huế sắp sang Mỹ

Tranh Hàng Trống, tò he và nhã nhạc cung đình Huế sắp sang Mỹ
(TPO) Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ  giới thiệu một số loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam như tranh Hàng Trống, tò he và nhã nhạc cung đình Huế.

Nhân 10 năm Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ, Bộ VHTT phối hợp với với ĐSQ Việt Nam tại Mỹ sẽ tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 9 và 10/7.

Trong dịp này, các nghệ nhân sẽ thao tác tại chỗ quy trình làm tranh và tò he theo phương pháp truyền thống. Nghệ thuật làm tò he được xem là một loại hình nghệ thuật phi vật thể rất độc đáo của Việt Nam, và từ lâu, làng Xuân La, xã Phượng Dực, tỉnh Hà Tây đã nổi tiếng bởi nghề này. Vốn không phải là một nghề nặng nhọc và tốn sức, nhưng nghề nặn tò he đòi hỏi óc sáng tạo, đôi bàn tay kheo léo và sự tinh tế để tạo ra những sản phẩm đồ chơi cho trẻ em một cách sống động từ nguyên liệu là bột gạo nếp.

Đến với những ngày văn hoá còn có các nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế với các bản nhạc thường được trình diễn trong các buổi yến tiệc như Phụng vũ, Mã vũ du xuân, Phú lục dịch với tiết tấu vừa hân hoan, trầm hùng, vừa vui tươi, bay bổng, nhẹ nhàng.

Ngoài ra nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cũng sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài gồm 60 chiếc với mẫu mã độc đáo, thiết kế bằng những bức tranh thêu cổ như họa tiết hoa sen, chim, trúc, công. Màu sắc của chất liệu được nhuộm bằng lá, thân và rễ của các loại cây. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng đây là dịp có ý nghĩa để giới thiệu về tâm hồn và vẻ đẹp của người Việt Nam.

Đôi nét về tranh Hàng Trống

Xưa kia dòng tranh này sản xuất và bày bán tại các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt thuộc tổng Tiêu Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương (nay là quân Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhưng chủ yếu là ở Hàng Trống (xưa là thôn Tự Tháp), Phường phố này đã có tiếng về các ngành nghề thủ công như tranh dân gian, trống tế, trống hội, hòm tráp sơn ta, hàng thêu, quạt, nón, cờ phướn, võng lọng v.v, sầm uất quanh năm.

Tranh Hàng Trống, tò he và nhã nhạc cung đình Huế sắp sang Mỹ ảnh 1

Vợ chồng Ngâu

Cùng với các hộ dân cư bản địa lâu đời, cũng có nhiều thợ vẽ và thợ khắc tài hoa từ nơi khác đến đây làm thuê cho các chủ xưởng in tranh. Do buôn bán cạnh tranh, thường in kèm tên hiệu như Thanh An, Vĩnh Lợi, Phúc Bình...

Khác với tranh Đông Hồ, kỹ thuật tranh Hàng Trống kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ, với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quệt phẩm nước, luôn luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế. Nhờ vậy, màu sắc rất uyển chuyển, đáp ứng đòi hỏi của khách mua tranh nơi kẻ chợ.

Tranh Hàng Trống in trên giấy dó hay giấy báo khổ rộng. Những bộ tứ bình khổ to thường được bồi trên giấy dầy, hai đầu trên dưới lồng xuất trúc để tiện treo.

Cùng với các đề tài phản ánh sinh hoạt thường ngày hay minh họa cổ tích, tranh Hàng Trống nổi trội về thể loại tranh thờ, ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo, với hình tượng tương đối giản dị mà thể hiện khả công phu, không bao giờ thiếu sắc thái uy vệ về ý nghĩa .

Việc xuất hiện những tranh Hàng Trống như "Gà đàn", "Tướng Trân Môn" ("Canh cửa") tại kinh đô, từ nội phủ cung đình đến nhà thường dân, từng được Hoàng Sĩ Khải, một nhà thơ làm quan thời Mạc (cuối thế kỷ16) nhắc tới. Như vậy, tranh Hàng Trống có lẽ ra đời cùng thời với tranh Đông Hồ, vốn được dòng họ Nguyễn Đăng sản xuất truyền tới hai mươi đời, tức khoảng năm trăm năm.

Trong số bản khắc tranh Hàng Trống còn giữ lại được, có mấy tấm đặc biệt giá trị, lưu tại Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội dưới ký hiệu I.5484 a.b.c. Những tấm gỗ thị dầy dặn này được khắc cả hai mặt, theo đề tài rút từ kinh nhà Phật hay cổ tích Việt Nam, Trung Hoa, kèm cả tuổi tranh " Quý Mùi lục nguyệt khởi Minh Mệnh tứ niên", tức là 1823 dương lịch. Những tấm ván này được khắc cách đây đã ngót hài trăm năm, nên ta có cơ sở tin rằng dòng tranh Hàng Trống xuất hiện còn sớm hơn thế khả nhiều.

MỚI - NÓNG