Tranh chép, tranh giả: Vẫn chưa có lời giải

Tranh giả vẽ lại theo tranh của họa sỹ Thành Chương được triển lãm công khai
Tranh giả vẽ lại theo tranh của họa sỹ Thành Chương được triển lãm công khai
TP - Sau vụ việc phát hiện tác phẩm bị nhiều đơn vị kinh doanh sao chép, kinh doanh trái phép trên áo dài, mới đây nhiều họa sỹ lại lên tiếng phản ánh tình trạng vi phạm tác quyền công khai - tranh giả, tranh chép.

Tranh giả lan tràn trên phố  

Các phòng tranh tại nhiều khu phố ở TPHCM, khách xem dù ít có kinh nghiệm về hội họa cũng có thể nhận ra những bức tranh giả được bày bán tràn lan, công khai. Từ những Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân; Em Thúy của Trần Văn Cẩn, tranh phố cổ Hà Nội - Phố Phái - của Bùi Xuân Phái… Những tác phẩm nổi tiếng trên đều được nhân bản khá công phu, với chất lượng, màu sắc y như thật nhưng  giá bán thì …cực mềm vì đó chỉ là tranh sao chép lại để bán cho khách. Có nhiều bức tranh của các họa sỹ mới nổi, có khi thợ vẽ còn bạo dạn ký tên mình để bán với giá như là tranh gốc. 

Nhiều họa sỹ lên tiếng về việc tranh của mình bị sao chép và bày bán công khai. Họa sĩ Hoài Anh Nguyễn than trời: “Tranh của tôi vẽ là chất liệu acrylic... hiện đã được một nhà sưu tập Hà Nội sưu tập, vậy mà nó vẫn được sao rồi rao bán công khai với chất liệu sơn dầu!”. Hoạ sỹ Hà Hùng Dũng chỉ biết kinh ngạc khi một nhà hàng nổi tiếng tại Sapa trang trí trên tường tới 15 bức tranh của anh. Tìm hiểu thì nhà hàng đó mua các bức tranh từ một cơ sở kinh doanh tranh tại Hà Nội. Nhiều họa sỹ không hề biết có cơ sở đang copy và bán các bức tranh của mình nhưng với tên.. người khác.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh kể, bức tranh “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của anh được chép ra và bán tràn lan khắp nơi mà không hề có tên tác giả. Điều đáng buồn, đây là bức anh mới chỉ vẽ trên bản thảo, còn bản hoàn chỉnh anh đã có những thay đổi về bố cục nhưng những người sao chép bê nguyên xi bức chưa hoàn chỉnh rồi rao bán mà không biết bức tranh thật đã được tác giả chỉnh sửa. Thậm chí tranh của Lâm Đức Mạnh còn được rao bán công khai trên một tranh web quốc tế và tác giả chỉ biết khi bạn đọc cung cấp thông tin. “Tôi biết có của hàng bán tranh đã copy tranh của tôi rồi bày bán 10 năm nay nhưng tôi chưa có cách giải quyết triệt để”- Họa sỹ cho biết. 

Trước ý kiến các họa sỹ tố cáo tranh của mình đang bị ăn cắp tràn lan, nhà sưu tập K.Q cho hay: Tranh Việt hiện giờ đang bị làm giả tràn lan, bức nào đẹp hay hoạ sỹ nào có ý tưởng độc đáo đều có thể bị copy ngay. Dù biết điều đó là vi phạm nhưng việc chế tài các vi phạm chưa được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, nên các vi phạm đó vẫn diễn ra công khai, thách thức dư luận.

Tranh giả vào triển lãm, đấu giá

Năm 2016, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tổ chức triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” với 17 bức tranh của các họa sỹ nổi tiếng tại Việt Nam như Tạ Tỵ, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái...   được ông sưu tập từ châu Âu. Tuy nhiên chỉ sau khi triển lãm vài ngày, nhiều nhà chuyên môn đã phát hiện tất cả các bức tranh ở triển lãm đều là…tranh giả.

Tranh chép, tranh giả: Vẫn chưa có lời giải ảnh 1 Photo: ..

Đây là một cú sốc không chỉ với giới mỹ thuật Việt Nam mà còn cả giới Mỹ thuật thế giới, bởi những bức tranh ông Chung mua đều được thông qua sự xác nhận, thẩm định của những người có chuyên môn cao, có uy tín với giới hội họa trên thế giới và am hiểu mỹ thuật Việt Nam. Điều đó cho thấy kẻ làm giả đã có đủ kinh nghiệm và mưu mô để mặt những nhà thẩm định tranh nổi tiếng. Nhưng còn một cú sốc còn lớn, sau khi phát hiện các bức tranh đó đều là giả, đơn vị quản lý đã không có  hành động cụ thể để xử lý vụ việc, mà tranh giả  lại được trả về cho chủ cũ. 

Mới đây, cộng đồng yêu mỹ thuật phát hiện ra một bức tranh mang tên “Thời gian” của họa sỹ T.Đ có nét vẽ giống đến 90% bức tranh của một họa sỹ nổi tiếng tại Nga. Dù sau đó hoạ sỹ T.Đ có lên tiếng giải thích là anh vẽ theo mẫu là một bức ảnh nhưng nhiều người cho rằng với bố cục màu, ánh sáng và góc nhìn của bức tranh thì T.Đ đã copy tranh. Bức tranh ấy được T.Đ. ký tên mình, đưa ra đấu giá công khai tại một chương trình từ thiện và thu về 170 triệu đồng!

Một họa sỹ am hiểu thị trường mỹ thuật Việt Nam cho hay,  hiện nay có tới 80% tranh giả  tràn lan trên thị trường. Vì lợi nhuận, nhiều người kinh doanh tranh copy các bức tranh nổi tiếng, ký tên mình và bán ra thị trường với giá cao không kém gì tranh gốc. Họa sỹ Thành Chương khi nhìn bức tranh của ông bị ký tên Tạ Tỵ tại một triển lãm từng thốt lên: “Còn cái gì lãi hơn khi làm đồ giả, còn cái gì dễ hơn khi làm mỹ thuật giả nữa. Vì lợi nhuận nên nhiều người đã bất chấp mọi điều!”.

Nhằm đối phó với nạn tranh chép, tranh giả tràn lan trên thị trường hiện nay, mới đây các họa sỹ đã thành lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa”. Nhóm đã quy tụ hàng trăm hoạ sỹ, nhà báo, luật sư cùng tham gia. Theo thông tin của nhóm, mỗi ngày các họa sĩ lại phát hiện hàng chục bức tranh của mình bị sao chép, được bày bán công khai tại các xưởng, phòng vẽ, cửa hàng tranh với tên tác giả khác hoặc không đề tên tác giả. Nhóm đang liên hệ với các cơ quản lý để tìm hướng giải quyết các thực trạng trên. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.