Tranh chấp tên miền và nhãn hiệu hàng hóa: Lưu ý nào cho doanh nghiệp?

Với lượng tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” được đăng ký mới và cấp phát hàng tháng trên 8000 tên miền như hiện nay theo thống kê của Trung tâm Intenet Việt Nam thì các vụ việc tranh chấp về tên miền với các đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu ngày càng xảy ra nhiều hơn.  

Vậy, thực trạng tranh chấp tên miền và nhãn hiệu hàng hóa hiện nay như thế nào? Đâu là lưu ý cho doanh nghiệp để tránh những tranh chấp không đáng có?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Hồ Thúy Ngọc – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Xin chào PGS. TS Hồ Thúy Ngọc

PV: Thưa bà, từ thực tiễn giải quyết tranh chấp, bà đánh giá như thế nào về thực trạng tranh chấp tên miền đã và đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay?

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế thì tên miền là công cụ trợ giúp kinh doanh đắc lực cho doanh nghiệp. Tranh chấp tên miền càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân của tranh chấp cụ thể này, bề nổi có thể thấy rât rõ ràng các chủ thể  đăng ký tên miền tương tự nhãn hiệu hay tên thương mại của chủ thể khác khi các chủ thể này chưa đăng ký. Việc đăng ký trên là đúng theo nguyên tắc tại điều 6  Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT  đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.VN” là bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước, được quyền sử dụng trước. Sau đó các chủ thể này mặc cả thu lợi từ việc chuyển nhượng tên này cho chủ sở hữu các nhãn hiệu hay tên thương mại đó. Hoặc nguyên nhân cũng có thể là chủ sở hữu các nhãn hiệu và tên thương mại chủ quan cho rằng đương nhiên mình có quyền đối với các tên miền như vậy.

Tranh chấp tên miền và nhãn hiệu hàng hóa: Lưu ý nào cho doanh nghiệp? ảnh 1  

PV: Vậy, pháp luật Việt Nam đã có quy định như thế nào về cách thức xử lý tranh chấp tên miền và nhãn hiệu hàng hóa, thưa bà?

Điều 130 Luật SHTT quy định  Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Và Khoản 4 điều 4 Luật SHTT năm 2005 quy định quyền SHCN có quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, chủ SHCN có quyền thực hiện việc khiếu nại, khiếu kiện đối với tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn.

Điều 16 Thông tư 24/2015 của Bộ Thông tin Truyền thông, sửa đổi bổ sung tại Thông tư 06/2019 quy định hình thức giải quyết tranh chấp bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án và cac căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền.

PV: Và đối với doanh nghiệp, khi đối diện với tranh chấp về tên miền và nhãn hiệu hàng hóa, các bên cần ứng xử như thế nào, thưa bà?

Tranh chấp tên miền và nhãn hiệu hàng hóa: Lưu ý nào cho doanh nghiệp? ảnh 2  

Khi đối diện với tranh chấp về tên miền và nhãn hiệu hàng hóa, nếu mình là doanh nghiệp bị vi phạm thì cần nhanh chóng thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật như tôi đã trả lời ở trên, nhanh chóng liên lạc với các bên có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Còn nếu mình là chủ thể bị khiếu nại, khiếu kiện thì cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận với chủ thể khiếu nại, khiếu kiện, dừng hành vi của mình lại để sự việc không trở nên nghiêm trọng hơn.

PV: Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là hạn chế tối đa những tranh chấp không đáng có. Vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý gì khi đăng ký tên miền và nhãn hiệu để tránh những xung đột như bà đã nêu, theo bà?

Để hạn chế tối đa những tranh chấp không đáng có thì doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu của mình với tên miền càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện ra tên miền đã bị đăng ký bởi chủ thể khác thì nên tiến hành thương lượng đàm phán để tiết kiệm thời gian và chi phí. Nếu không đàm phán được thì trên cơ sở xác định căn cứ khởi kiện để khởi kiện.

Xin cảm ơn bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG