Tranh chấp BOT: Không bên nào được quyền dừng dự án

TP - Theo các chuyên gia giao thông và pháp lý, những vấn đề phát sinh hiện nay của các dự án BOT do vai trò của người dân đã bị bỏ qua. Cùng đó, nếu có tranh chấp, các tuyến đường giao thông vẫn phải được đảm bảo, tranh chấp phải được xử lý tại tòa.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông của tổ chức JICA (Nhật Bản) đánh giá, BOT rất đúng, nhưng quá trình thực hiện chưa đúng, dẫn tới sai về bản chất. Theo đó, hợp đồng BOT không chỉ có nhà đầu tư và nhà nước (Bộ GTVT làm đại diện), phải có người dân (là người sử dụng đường) tham gia.

“Những dự án BOT giao thông thời gian qua người trực tiếp sử dụng đường lại không được hỏi ý kiến. Toàn bộ hợp đồng do nhà đầu tư và nhà nước đàm phán và ký kết với nhau. Còn chính quyền địa phương dù tham gia, nhưng đó cũng là cơ quan đại diện nhà nước. Một bên quan trọng đã bị bỏ qua, nên giờ nảy sinh bất cập”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, nhà nước và nhà đầu tư đều có 1 phần lỗi, nhưng không ai dám nhận sai để sửa. Dẫn tới, nếu Bộ GTVT thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư sẽ bị người dân phản đối (như BOT Cai Lậy, BOT Tân Đệ), còn không thực hiện lại bị nhà đầu tư phản đối.

“Muốn giải quyết chỉ có cách thừa nhận sai. Bộ GTVT thừa nhận những cam kết chưa đúng của mình, còn nhà đầu tư thừa nhận rủi ro của dự án như bao dự án đầu tư khác, phương án tài chính bị phá vỡ. Còn nếu không, chỉ có ra tòa phân xử và theo đó thực hiện”, ông Đức nói. 

Theo chuyên gia này, các nước cũng có BOT, nhưng người sử dụng đường sẽ được lấy ý kiến, do đó nhà đầu tư sẽ giảm rủi ro. Nếu xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết ở tòa. Nếu tòa tuyên phía đại diện nhà nước sai, bộ trưởng nào ký hợp đồng sẽ bị cắt chức. Còn với Việt Nam, người dân nếu được lấy ý kiến cũng chỉ đại khái, còn lại chỉ “các ông” ngồi với nhau.

Thậm chí, hợp đồng BOT còn không công bố, đưa các điều khoản mật để người dân không tiếp cận được. Nay khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư lấy dự án ra ép buộc nhà nước cũng không được, vì hạ tầng giao thông là tài sản quốc gia, không thể nói đóng là đóng

“Giờ các bên phải ngồi lại, mỗi bên chịu thiệt một chút, nhà nước phải xử lý phần việc của mình. Nhà đầu tư và ngân hàng phải giảm lãi, thậm chí chịu lỗ. Người dân cũng phải chấp nhận gánh vác một phần những cái sai đã xảy ra. Đây là chia sẻ rủi ro, có vậy mới giải quyết được, còn không thể có chuyện 2 bên cùng thắng”, ông Đức nói thêm.

MỚI - NÓNG