Tranh cãi về quyền phủ quyết

TP - Một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi trong khóa họp Đại Hội đồng LHQ nhân kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức quốc tế này là việc cải tổ HĐBA, đặc biệt là xung quanh quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực (Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc).

Nước hăng hái nhất trong việc kêu gọi cải tổ Hội đồng bảo an LHQ (HĐBA) theo hướng tăng thêm số lượng ủy viên thường trực là Đức. Mong muốn của Đức được các nước Brazil, Ấn Độ và Nhật Bản mạnh mẽ ủng hộ. Để đạt được mục đích này, ngày 25/9, bên lề khóa họp Đại Hội đồng đã diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Thủ tướng 4 nước này. Bốn nước này đã nhanh chóng được tạp chí The Local gọi là khối G-4.

Những nước tham gia cuộc gặp Thượng đỉnh đã long trọng tự tuyên bố mình là “những ứng viên hợp pháp” vào chức Ủy viên thường trực HĐBA với tham vọng được hưởng quyền phủ quyết. Trước đó, vào ngày 14/9, tại Đại Hội đồng LHQ, một số nước đã đề xuất một văn bản nhằm tiến hành cuộc thảo luận chính thức về việc cải tổ HĐBA nhưng sáng kiến này đã không được Nga, Mỹ và Trung Quốc ủng hộ.

 Có lẽ vì thế, trong bản thông cáo chung sau cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 25/9, các nhà lãnh đạo những nước  thuộc khối G-4 không chỉ tự giới thiệu mình mà còn nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của HĐBA : “Vai trò đại diện và hiệu quả của HĐBA giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết trong việc giải quyết những cuộc xung đột và khủng hoảng toàn cầu đã xảy ra trong những năm gần đây”.

Tuy nhiên, mong muốn của các nước trong G-4 xem ra không dễ thực hiện.

Nga đã nhiều lần công khai tuyên bố việc mở rộng danh sách các nước Ủy viên thường trực HĐBA sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của LHQ và “chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả”. Tổng thống Putin trong bài phát biểu hôm 28/9 tại Đại Hội đồng LHQ cũng đã đề cập đến vấn đề này. 

Ông Putin tuyên bố: “Tổ chức LHQ là cấu trúc có một không hai về tính hợp thức, tính đại diện và mức độ bao quát”. Ông Putin cho biết quyền phủ quyết tại HĐBA đã được  Mỹ, Anh,  Pháp, Trung Quốc và  Liên Xô trước đây, cũng tức là Nga hiện nay, nhiều lần sử dụng. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên đối với một tổ chức đa dạng và có tính đại diện cao như LHQ.

Mỹ về cơ bản ủng hộ lập trường của Nga trong việc giữ nguyên trạng tại HĐBA. Trong bài phát biểu vừa qua tại Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Barack Obama đã gián tiếp xác nhận sự ủng hộ đó khi tuyên bố Mỹ cần một nước Nga mạnh để Nga có thể cùng Mỹ và các nước khác tham gia vào việc củng cố toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế.

Anh và đặc biệt là Pháp giữ quan điểm ủng hộ việc cải tổ HĐBA. Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi mở rộng thành phần HĐBA “để giải quyết các cuộc xung đột” có tính chất toàn cầu. Ông Hollande còn đề cập đến vấn đề quyền phủ quyết và nhấn mạnh: “Quyền phủ quyết không phải quyền phong tỏa mà là quyền hành động”. 

Bởi vậy, ông đề nghị hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết. Theo nhận định của giới phân tích, mục đích những lời kêu gọi của Anh và Pháp về việc mở rộng thành phần HĐBA và hạn chế quyền phủ quyết nhằm giảm bớt vai trò và ảnh hưởng của Nga tại LHQ nói chung và HĐBA nói riêng.

Điều đáng chú ý là Nga và Mỹ tuy ủng hộ nguyên trạng HĐBA LHQ nhưng không bác bỏ hoàn toàn khả năng có thêm thành viên thường trực mới trong HĐBA. Những nước có nhiều triển vọng hơn hết về mặt này chính là những nước thuộc khối G-4. 

Theo Theo Regnum.ru