Tranh cãi chuyện tố cáo nặc danh qua email

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)​. Ảnh: Như Ý.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)​. Ảnh: Như Ý.
TP - “Việc không mở rộng hình thức tố cáo bằng email, fax, điện thoại là “lạc hậu đến cả hàng nghìn năm”, giờ thế kỷ 21 rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư tố cáo bằng văn bản và trực tiếp”, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nói tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), chiều 16/6.

Thiếu đồng bộ

Đồng tình với quy định trên, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người tố cáo qua email, điện thoại có thể lợi dụng tên, địa chỉ email, điện thoại của người khác để bôi nhọ, tố cáo sai sự thật. Khi đó, cơ quan giải quyết sẽ lại mất thời gian xác minh địa chỉ email, địa chỉ…

Tuy nhiên, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, việc không mở rộng hình thức tố cáo bằng email, fax, điện thoại là “lạc hậu”. “Giờ thế kỷ 21 rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư văn bản với trực tiếp. Hàng nghìn năm trước, nhân loại cũng đã có thạch thư, mộc thư, trúc thư rồi cơ mà”, ông Thức dẫn chứng và nói thêm rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng đã đề cập các hình thức này nên nếu dự thảo Luật Tố cáo không thừa nhận là thiếu đồng bộ.

Về tố cáo nặc danh, một số ĐB tán thành với quy định không xem xét, vì lo ngại làm gia tăng tình trạng vu khống, bôi nhọ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị cần tiếp nhận, giải quyết tố cáo nặc danh nếu có đủ căn cứ. Theo ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận tình hình tố cáo phức tạp, trong đó có cả việc người bị tố cáo dùng xã hội đen đe dọa người tố cáo cho nên cần quy định hình thức đặc thù để tiếp nhận với tố cáo nặc danh.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói, ngay cả đến Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh còn bị đe dọa, khủng bố thì người dân sẽ khó bảo vệ được mình trong trường hợp bị trả thù, cho nên nếu không công nhận tố cáo nặc danh là hạn chế quyền của người dân. “Nên tiếp nhận hình thức này, đi kèm với đó là cơ chế kiểm soát, trình tự để chống vu khống, bôi nhọ người khác”, ông Hồng kiến nghị.

Tranh cãi chuyện tố cáo nặc danh qua email ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: Như Ý.

Thống nhất cách thức xử lý cán bộ nghỉ hưu

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), việc Luật Tố cáo bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo với hành vi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây, nay đã nghỉ hưu là cần thiết. Nguyên tắc này được xây dựng để xử lý các vấn đề mang tính thời sự hiện nay. “Công luận đòi hỏi phải xử lý nhưng pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể nên các cơ quan chức năng còn lúng túng trong quá trình triển khai. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc giải quyết, xử lý tố cáo đối với cán bộ nghỉ hưu là hết sức rất cần thiết”, bà Hoa nói.

Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các hình thức xử lý cán bộ nghỉ hưu trong Luật Cán bộ công chức, viên chức để thống nhất với Luật Tố cáo sửa đổi. Bởi theo quy định của Luật Cán bộ công chức, viên chức, các hình thức kỷ luật có thể là cách chức, bãi nhiệm, giáng chức, cho thôi việc... Nhưng với những người đã nghỉ hưu và chuyển công tác thì việc áp dụng các hình thức kỷ luật này cũng gây băn khoăn.

“Thực tế thời gian qua, chúng ta xử lý một vài trường hợp có áp dụng kỷ luật cách chức đối với một số cán bộ đã nghỉ hưu nhưng trong dư luận xã hội vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, việc sửa đổi các quy định để thống nhất cách thức xử lý này là cần thiết”, bà Hoa nói.

Ngoài ra, bà Hoa cũng bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo luật giao thẩm quyền giải quyết tố cáo với người đã nghỉ hưu cho người đứng đầu cơ quan tổ chức nơi người đó công tác trước đây. “Quy định như vậy khó đảm bảo tính khách quan, chính xác”, bà Hoa nói và phân tích, về mặt lý thì theo cơ chế hiện nay việc sai phạm của một cá nhân luôn gắn với trách nhiệm của bộ máy cấp ủy đảng lãnh đạo.

Bên cạnh đó, xét về mặt tình, giữa người bị tố cáo và người được giao thẩm quyền giải quyết tố cáo thường có các mối quan hệ, đồng nghiệp, tình đồng chí, “quan hệ thân hữu” cấp trên, cấp dưới; quan hệ giữa người kế nhiệm và người tiền nhiệm.

“Tất cả các mối quan hệ đó sẽ ảnh hưởng đến yếu tố khách quan trong quá trình giải quyết. Do đó, để đảm bảo khách quan chính xác, đề nghị không giao thẩm quyền giải quyết đối với người đã nghỉ hưu cho người đứng đầu cơ quan tổ chức nơi người đó công tác trước đây mà nên giao cho bên thứ 3 thực hiện. Có thế mới đảm bảo tính khách quan, chính xác”, bà Hoa kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
TPO - Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) Iraq - một lực lượng an ninh chính thức - cho biết sở chỉ huy của họ tại căn cứ quân sự Kalso (cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía nam) đã hứng chịu một vụ nổ lớn vào tối 19/4. Hai nguồn tin an ninh cho biết vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích.