“Nói làm gì khi ý kiến không được tiếp thu, giải quyết”
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước là một công việc quan trọng. Ví như, chúng ta xây dựng chính sách thì phải tìm hiểu xem nhân dân đang có nhu cầu gì, đa số nhân dân đang muốn gì để từ đó xem xét, đề xuất quy định cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTQ Việt Nam Lê Bá Trình khẳng định, việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân cần phải đảm bảo kịp thời, khách quan, trung thực và mang tính xây dựng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân góp phần tăng tính hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần có cơ chế gì để người dân “mở miệng” góp ý. Ông Ngời chia sẻ, trong nhiều cuộc họp, hoặc qua tiếp xúc, nhiều người dân phản ánh rằng, bây giờ nói để làm cái gì khi ý kiến của họ không được tiếp thu giải quyết thấu đáo. “ Do đó vấn đề quan trọng là làm sao, có cơ chế gì đó để nhân dân, những người yêu mến, mong muốn xây dựng đất nước mở miệng ra”, ông Ngời nói.
Thực tế theo ông Ngời, khi tham gia góp ý, có rất nhiều người là những cây đa, cây đề nói rất là tâm tư. Tuy nhiên việc tiếp thu những ý kiến đó như thế nào là là vấn đề. Có những chuyện chúng tôi tập hợp nhưng không dám nói. “Vấn đề là làm sao để người dân nói hết tâm tư nguyện vọng của mình, dù họ có nói rát lòng như thế nào đó thì cũng phải có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết.
Chia sẻ ý kiến trên, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Uỷ ban Thường vụ QH cũng cho rằng, dân chủ là phải làm sao để cho người dân “mở miệng”, nêu ý kiến góp ý để xây dựng đất nước, tổ quốc ngày càng mạnh lên.
Tránh buông xuôi, “ném đá ao bèo”
Ông Đương khẳng định, thời gian qua cử tri đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo việc phòng, chống tham nhũng lãng phí, đưa ra xét xử 6 vụ án tham nhũng lớn và ban hành Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thời gian qua chưa nghiêm, việc phát hiện tham nhũng chưa tương xứng với tình hình. Nhiều án tham nhũng xử lý chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức rang đe, công tác thu hồi tài sàn tham nhũng hiệu quả còn rất thấp.
“Cử tri bất bình trước việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cấp cao, tuyển dụng công chức là người nhà. Đặc biệt vụ Trịnh Xuân Thanh làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Công thương, Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang”, ông Đương dẫn chứng.
Theo ông Đương, vấn đề mà người dân rất quan tâm là việc xem xét giải quyết những kiến nghị đó như thế nào, có hiệu quả không. Tuy nhiên, việc trả lời cử tri ở một chừng mực nào đó vẫn còn hạn chế, thậm chí không đúng với nội dung mà cử tri hỏi. Cử tri yêu cầu các cơ quan giải quyết các vấn đề cụ thể đang gây bức xúc nhưng nội dung trả lời còn chung chung, chưa rõ ràng, không có lộ trình biện pháp cụ thể giải quyết. Vì vậy, rất nhiều vấn đề sau khi nhận được trả lời cử tri lại tiếp tục nêu kiến nghị.
Cũng theo ông Đương, tuy Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội có giám sát chuyên đề nhưng cũng chỉ nghe báo cáo, ít có giám sát vụ việc cụ thể. Vì vậy, ông Đương đề nghị cần phải tăng cường giám sát việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát, tránh tình trạng buông xuôi, “ném đá ao bèo”.