Trận 'nốc ao' lịch sử

Trận 'nốc ao' lịch sử
TP - Tại Hội thảo 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ngày 28-11, các đại biểu và nhân chứng lịch sử khẳng định: Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội (18-29-12-1972) chính là tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam.

> Phục dựng B-52, SAM-2, MiG-21 trong chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không'
> ‘Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam’

40 năm trước, những ngày cuối tháng 12 -1972, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng hùng hậu, chủ yếu là máy bay B.52, không kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc.

Trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (một nửa là B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư, làm khoảng 2.400 người chết, 1.355 người bị thương.

Với đòn đánh hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Mỹ hy vọng nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách của Mỹ.

Tuy nhiên, hành động “cướp trời” của Mỹ đã bị quân và dân miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội giáng trả đích đáng, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” gây chấn động nước Mỹ và thế giới.

 Chiến thắng B52 trên bầu trời Thủ đô đã trở thành trận quyết chiến lịch sử, được mệnh danh là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cùng với thời gian, Chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 

Nhớ lại chiến thắng 40 năm trước, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (nguyên Chính ủy Quân chủng PK-KQ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57) cho rằng: “Trận Điện Biên Phủ trên không đã làm chấn động địa cầu. Chiến thắng vĩ đại đó có một phần đóng góp đặc biệt quan trọng của Quân chủng PK-KQ, bộ đội tên lửa trong cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không, mà đỉnh cao là chiến thắng B52”.

Để đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, Quân chủng PK-KQ đã thực hiện lời dạy của Bác “Muốn bắt cọp phải vào hang cọp”. Các Binh chủng ra đa, không quân, tên lửa vào Khu Bốn, Quảng Bình, Vĩnh Linh nơi B52 gây tội ác để nghiên cứu, tìm hiểu cách đánh B52.

Nhờ nắm bắt chính xác âm mưu, thủ đoạn và thời điểm không kích của địch, quân và dân Thủ đô đã chủ động thiết lập một thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

“Chiến thắng của chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, sau 40 năm nhìn lại, ta thấy nó thể hiện sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí, trí tuệ Việt Nam” - Trung tướng Phiệt nhấn mạnh.

Đại tá Nghiêm Đình Tích (lúc đó là đài trưởng Ra đa C45 Binh chủng ra đa) cho rằng, nếu không có ý chí, quyết tâm rất cao, mưu trí, dũng cảm, chúng ta sẽ không thể có được chiến thắng đó.

Viết về chiến thắng này, học giả Oa-tơ Boi-nơ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến B52 thất bại là vì các biện pháp đối phó điện tử của nó đã bị ta vô hiệu hóa.

“Năm 1972, sau một thời gian xây dựng, Bắc Việt Nam đã có hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới, đến mức nhiều người tin rằng các máy bay ném bom hạng nặng “át chủ bài” B52 của Mỹ khó mà sống sót” - tác giả này nhận định.

Còn Giôn Ha-ri I-U-min (Phi công lái chính B52 bị bắn rơi tại Hải Hưng) thú nhận: “Ở sân bay U-ta-pao không khí bao trùm là lo lắng, sợ hãi. Bởi vì hàng ngày nhiều máy bay B52 không trở về…”.

Đòn “nốc ao” quyết định

Với Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân, sau 40 năm trận chiến B52 trên bầu trời Hà Nội vẫn như mới xảy ra hôm qua. Điều ông tâm đắc nhất, đó là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác.

Xuống thăm các đơn vị, Bác nói: Mỹ sẽ dùng B52 để đánh phá miền Bắc. Trước sau nó sẽ thua, nhưng chỉ chịu thua khi đã thua trên bầu trời Hà Nội. Nhờ tầm nhìn đó, quân và dân ta đã chuẩn bị để có chiến thắng vĩ đại 12 ngày đêm đó.

Chúng ta đã chờ B52 đến xâm phạm bầu trời Hà Nội để đánh và đã đánh thắng nó ngay trên bầu trời Hà Nội.

Cũng trong trận chiến đấu ác liệt 12 ngày đêm, lịch sử mãi ghi nhớ những chiến sỹ anh dũng hy sinh như Anh hùng Vũ Xuân Thiều. Sau khi bắn hết hai quả tên lửa đã lao thẳng máy bay của mình vào B52 làm quả tên lửa thứ 3, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc.

Sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B.52.

Riêng Hà Nội bắn rơi 25 B.52. Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (27-1-1973), chấp nhận rút quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Việt Nam.

Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư (lúc đó có mặt trong phái đoàn Đàm phán tại Pari) nhớ lại: “Trận Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng lẫy lừng, đập tan mọi âm mưu của kẻ địch. Giống như trận “nốc ao”, để từ đó Mỹ phải ngồi vào bán đàm phán ký Hiệp định Pari năm 1973” - ông Hà Đăng xúc động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.