Hàng lậu qua ngả biên giới Tây Nam:

Tràn ngập hàng giả, kém chất lượng

Tràn ngập hàng giả, kém chất lượng
Hàng ngoại nhập lậu đang tràn về qua ngả biên giới Tây Nam. Lẫn trong đó có nhiều mặt hàng quá đát, kém chất lượng mà người tiêu dùng cần phải cảnh giác.
Tràn ngập hàng giả, kém chất lượng ảnh 1
Trái cây ngoại được nhập vào VN - Ảnh: Đ.V.

Hàng lậu kém chất lượng, không qua kiểm tra đang được bày bán công khai ở các tỉnh ĐBSCL, kể cả đưa đi tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông.

Rượu XO giá 80.000 đồng/chai

Tại các điểm tập kết hàng lậu bên Campuchia, những lô bánh kẹo, nước giải khát… để nằm lăn lóc trên đất, phơi giữa mưa nắng. Nhiều thùng mứt to qua nhiều "công đoạn" vận chuyển đường dài đã bị bong tróc nhãn mác, không còn thấy rõ thời hạn sử dụng.

Những chuyến hàng vừa chuyển qua biên giới liền đưa thẳng về các chợ và các điểm bỏ mối trong vùng. Vì là nhập lậu nên những mặt hàng này đã lọt lưới các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngạc nhiên hơn là mặt hàng rượu với giá rẻ bất ngờ, vì thế người ta có thể nghi ngờ chất lượng của nó. Từ rượu Campuchia, Thái Lan đến rượu của các thương hiệu có tiếng nhưng giá rất rẻ. Whisky 20.000-30.000 đồng/chai, St-Rémy, XO Brandy chỉ 80.000 đồng/chai.

Dân trong nghề bảo đấy là rượu giả, rượu nhái sản xuất tại Campuchia, Trung Quốc. Tuy nhiên, lúc này mấy thứ rượu giá rẻ đó tiêu thụ khá mạnh bởi nhu cầu vào dịp tết tăng cao và do tâm lý... sính hàng ngoại. Từ biên giới nó được tuồn vào sâu trong nội địa và bày bán công khai.

"Tiêm" chất bảo quản cho trái cây

Không chỉ thực phẩm chế biến, trái cây tươi, trái cây sấy khô của Thái Lan cũng về đầy ắp các chợ nông thôn đến thành thị. Đáng sợ nhất là các loại mứt ngoại như chà là, thốt nốt, me, táo, hồng… đều được đổ ra thau, đựng trong những túi nilông để bán lẻ. Chỉ có trời mới biết... còn hạn sử dụng hay không!

Trái cây để trong sọt nhựa, chủ hàng thường xuyên phun xịt thuốc để giữ cho tươi. "Đưa từ Thái Lan qua đến đây mất mấy ngày trời, nếu không dùng hóa chất thì làm sao bảo quản nổi" - Thanh, một cửu vạn thường qua chợ gò Thalot (Campuchia) đai vác thuê, nói.

Thạc sĩ Lê Minh Uy, Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, cho biết mới đây qua kiểm tra đã phát hiện nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không có chữ tiếng Việt và rượu ngoại không dán tem. Phần lớn những sản phẩm nhập lậu đều là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên không được phép lưu hành.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn ngay từ biên giới hoàn toàn bỏ ngỏ nên chúng dễ dàng thâm nhập thị trường nội địa, rồi được tiêu thụ rộng rãi...

Bò ngoại lũ lượt vượt biên

Do giá thịt ở trong nước khá cao nên bò ngoại đang được nhập ồ ạt qua biên giới. Hằng ngày, từ mờ sáng đã có nhiều đàn bò từ phía Thum Đưng (Kirivong, Tekeo, Campuchia) lần lượt vượt kênh Vĩnh Tế tập kết ở thị trấn Tịnh Biên và xã An Phú (huyện Tịnh Biên, An Giang). Sau đó, chúng được lùa thẳng lên xe tải đưa về các tỉnh thành.

Những ngày này, tại các xã biên giới thường có xe tải từ các nơi đổ đến chờ "ăn" hàng. Thương lái địa phương hằng ngày lặn lội qua Kan Dal, Prey Veng (Campuchia) mua gom bò đưa về cung cấp. Do sức mua tăng nên giá bò ngoại cũng tăng theo.

Bò thịt hiện 700.000 đồng/tạ, có lúc lên 850.000 đồng/tạ. "Càng gần tết mối càng đặt hàng liên tục. Bao nhiêu cũng không đủ giao" - mấy tay lái bò ở Thường Thới Tiền (Hồng Ngự, Đồng Tháp) nói.

Không chỉ ở An Giang, tại Kiên Lương (Kiên Giang) hằng ngày cũng có nhiều đàn bò từ Thốc Noc, Thoc Mia, Kampot (Campuchia) băng đồng đổ qua.

Tại hai xã Vĩnh Điều, Vĩnh Phú có nhiều đầu mối đứng ra mua gom. Hằng ngày đều có chuyến xe hoặc tắc ráng tải trọng lớn chở bò đi tiêu thụ, trong đó có TP.HCM. Noi Dal, một thương lái Campuchia, cho biết anh buôn bò từ Kampot tới tận Phusat, Battambang gom về đây bán.

Theo Đức Vịnh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.