Lén lút bán
Liên quan đến đồ chơi Trung Quốc, năm 2014, nhiều học sinh đã phải nhập viện cấp cứu do hít phải khí độc từ đồ chơi phát nổ. Đơn cử như vụ 50 học sinh trường tiểu học Tiến Thành (Bình Thuận) bị ngất do hít phải khí của đồ chơi lọ thủy tinh phát sáng khi vỡ ra phát nổ. Tương tự, 32 học sinh trường tiểu học Chu Văn An (Đắk Nông) cũng phải nhập viện do chơi đồ chơi có hình dáng giống lựu đạn phát nổ.
Khảo sát các tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em ở Hà Nội (Lương Văn Can, Hàng Mã, Chả Cá), chợ Đồng Xuân những ngày này thấy tràn ngập đồ chơi Trung Quốc cho đủ các lứa tuổi. Đặc biệt, đồ chơi hình dáng giống các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn (gồm súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ) dù bị cấm nhưng các cửa hàng vẫn lén lút bày bán.
Trong vai khách tìm mua các loại súng dành cho trẻ em, chúng tôi được nhân viên cửa hàng đồ chơi V.C trên phố Lương Văn Can tư vấn loại súng Nerf bắn đạn xốp nhập khẩu từ Mỹ, giá từ 600.000 - 3,5 triệu đồng/chiếc. Theo nhân viên này, loại súng giá dưới 1 triệu đồng bắn đạn từng viên, trên 1 triệu đồng có chức năng bắn liên thanh, hình dáng tương tự súng trường. Giá một bộ dây đeo và 2 dây đạn xốp là 699.000 đồng. “Súng này cả thế giới sử dụng nên không sợ bị bắt. Đường dây hàng này bọn em đánh từ Mỹ về, cửa hàng bình thường không thể có. Chị cứ xem hàng qua ảnh, đồng ý mua sản phẩm nào đặt tiền trước, bọn em sẽ giao hàng đến tận nơi. Hàng để trong kho nên không có sẵn tại cửa hàng”, nhân viên này cho biết.
Chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can cũng sốt sắng khi nghe khách hỏi mua. Theo ông này, giá bán lẻ súng đồ chơi dành cho trẻ em từ 100-200 nghìn đồng/khẩu. “Hàng này công an cấm rồi nên không bày bán công khai, khách đồng ý mua tôi mới giao sản phẩm. Thỉnh thoảng có mối hàng trên Bắc Ninh nhập về một ít, tôi không dám lấy nhiều, nếu không may bị bắt, bị phạt ít nhất 10 triệu đồng, thu giấy phép đăng ký kinh doanh, bán nhiều sẽ bị khởi tố hình sự”, ông chủ cho hay.
Hàng Trung Quốc không kiểm định
Bà Trần Thị Lan, chủ sạp hàng bày bán đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Cá (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết toàn bộ đồ chơi là hàng Trung Quốc, nhập trên phố Hàng Mã về. Đồ chơi từ rô bốt, siêu nhân, ghép hình chỉ có chữ Trung Quốc, không có tem kiểm định chất lượng, không hướng dẫn sử dụng hoặc lưu ý bằng tiếng Việt. “Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra hàng hóa ở các cửa hàng lớn và các kho chứa hàng. Tôi bán hàng đã 10 năm chưa bao giờ bị kiểm tra, chủ yếu bán hàng của Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã phong phú cho trẻ em lựa chọn”, bà Lan nói.
Theo nhiều bậc phụ huynh, trái ngược với sự đa dạng của đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi sản xuất tại Việt Nam mẫu mã nghèo nàn, chất liệu bằng gỗ, giá bán cao nên chưa thu hút được khách hàng. Một bộ lắp ghép số và chữ cái giá 120 nghìn đồng; bộ bút chì màu hộp gỗ giá 340 nghìn đồng; con lăn hoạt hình giá 290 nghìn đồng… Một con rô bốt do Việt Nam sản xuất có giá lên tới 500-700 nghìn đồng. Đồ chơi được nhập từ Mỹ, Anh giá rất cao, ví dụ giá búp bê Barbie từ 500 nghìn đến cả triệu đồng, rô bốt nhập khẩu từ Mỹ giá từ 800.000 đồng/con. “Hàng Trung Quốc giá vô tội vạ, tùy theo khách để hét giá. Còn hàng Việt Nam đã cam kết rõ ràng nếu bán sai giá, chúng tôi sẽ bị công ty phạt, nên ít bán lắm”, bà Ngọc, chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết.
Đánh giá chung của các chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, sức mua ngày một giảm. “Lượng khách mua năm nay giảm đến 30% so với năm 2014. Do người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng với đồ chơi Trung Quốc và thói quen chơi điện tử trên điện thoại, ipad, máy tính của trẻ em ngày càng nhiều hơn”, anh Nguyễn Văn Hải, nhân viên bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can, nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng Cục đo lường chất lượng Việt Nam cho biết:“Cục đang có đoàn kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em trên cả nước. Các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhập lậu, không có tem bảo hành sẽ bị thu hồi, xử lý”. Để làm rõ trách nhiệm, PV đã làm việc với Cục Quản lý thị trường (QLTT). Tuy nhiên, phía QLTT chỉ hứa sẽ trả lời bằng văn bản khi có báo cáo cụ thể từ chi cục QLTT Hà Nội.