Trần Lực tiếp tục làm kịch 'khó hiểu'

Trần Lực ngồi, bìa trái Ảnh: An An
Trần Lực ngồi, bìa trái Ảnh: An An
TP - Sau khi công bố hai vở diễn thử nghiệm, mới đây đạo diễn Trần Lực tiếp tục dấn bước với một thách thức khác: dựng vở “Nữ ca sĩ hói đầu” hứa hẹn “phản” lại toàn bộ kịch truyền thống.

Lần đầu tiên sân khấu Việt Nam có “kịch phi lý”

“Nữ ca sỹ hói đầu” là kịch bản của tác giả Pháp Eugène Ionesco, mở đầu cho trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là “hài kịch - nghịch dị” của phương Tây hiện đại. Trước đó, nó đã được công diễn liên tục 61 năm tại nhà hát Huchette ở thủ đô Paris, đang giữ kỷ lục là tác phẩm kịch được công diễn với mật độ dày nhất từ trước tới nay. 

Thông qua SACD, LucTeam đã thoả thuận và được gia đình cố tác gia Eugene Ionesco đồng ý cho phép sản xuất, diễn hài kịch “Nữ ca sỹ hói đầu” với bản quyền một năm.

Nội dung của vở kịch xoay quanh những sự kiện rời rạc, diễn ra trong một gia đình trưởng giả nước Anh. Thông qua những đoạn đối thoại nhạt nhẽo, Ionesco giễu cợt khả năng sử dụng ngôn ngữ trong việc thể hiện tư duy, đồng thời thông qua các tình tiết phi lý, kỳ dị, nửa thực nửa hư, tác giả muốn phản ánh cái nhỏ bé vô nghĩa lý đến thảm hại của thân phận con người.

Để phù hợp với tiếp nhận của người Việt, đạo diễn Trần Lực cùng với LucTeam đã triệt để sử dụng ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện của phương Đông, tả ý không tả thực, đặc biệt gần gũi với khán giả Việt Nam.

Khó xem vẫn bán vé

Khác với những vở kịch thể nghiệm trước đây, “Nữ ca sĩ hói đầu” mặc dù là “quân tiên phong” và được đánh giá “khó xem so với kịch truyền thống” thì nhà sản xuất vẫn quyết định bán vé.

Vấn đề đặt ra là: nếu kịch phi lý đúng như những gì lý thuyết mô tả: nghĩa là không có cốt truyện, không có kịch tính, ngay cả trang phục diễn viên cũng là “đồng phục”, vậy khán giả sẽ xem gì trên sân khấu?

Tác giả kịch bản chuyển thể Đỗ Trí Hùng lý giải: “Kịch phi lý không kể câu chuyện theo nghĩa thông thường mà kịch truyền thống thường kể, rằng anh A yêu chị B, rồi bố mẹ chị B có thù với bố mẹ anh A, rồi thì bế tắc, rồi anh A và chị B đau đớn tự sát v.v...

Kịch phi lý kể về “cái phi lý”, hoàn toàn là những gì xảy ra trong đời thường, mà người ta không để ý, không nhận ra mà thôi. Ví dụ: một buổi sáng, trong khi người vợ nói về các món ăn ngon thì anh chồng đang mơ về Ngọc Trinh, và thế là họ nói chuyện với nhau ông chẳng bà chuộc, chả hiểu gì nhau, ai nói nấy nghe... đại loại thế”!

Phá vỡ giới hạn sân khấu

Nghệ sĩ Trung Anh có tham gia “Nữ ca sĩ hói đầu” kể: đây là một vở mới với phong cách hoàn toàn mới. Gần như là (hay đúng là) một vở kịch chối bỏ (hay phản lại) kịch truyền thống. Lạ lẫm, cuốn hút đến khó tin”.

Diễn viên Lê Khanh comment: “Lần nào xem kịch LucTeam tôi cũng thắc mắc mãi một câu: Tại sao lại dựng được như thế nhỉ”???

Kịch phi lý với đại bộ phận khán giả Việt Nam còn quá xa lạ. Nhưng NSƯT Trần Lực khẳng định, anh không hề “mạo hiểm” mà cực kỳ “tự tin” khi lần đầu tiên dựng thể loại kịch này ở Việt Nam. Bởi theo anh, xét cho cùng, kịch phi lý chẳng khác những dòng kịch khác, có chăng chỉ là hình thức, còn cốt lõi vẫn là tính nhân văn trong cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với con người”.

Để thuyết phục khán giả, đạo diễn Trần Lực còn khẳng định: “Chả có gì ghê gớm hay nguy hiểm chết người đâu, dòng kịch phi lý cực dễ xem và xem rồi cực phê, phê rồi cực mê”...

Trước khi dựng “Nữ ca sĩ hói đầu”, Trần Lực cùng với nhóm của mình đã dựng thành công hai vở thử nghiệm: “Quẫn” (tác giả Lộng Chương) và “Cơn ghen của Lọ Lem” (tác giả Molière) tại các sân khấu của Hà Nội như Nhà hát lớn, L’Espace…
“Nữ ca sĩ hói đầu” sẽ diễn ra buổi diễn đầu tiên vào lúc 20h ngày 20/1/2019 tại sân khấu L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Trần Lực tiếp tục làm kịch 'khó hiểu' ảnh 1 “Nữ ca sĩ hói đầu” trên sân khấu Việt Nam
Trần Lực tiếp tục làm kịch 'khó hiểu' ảnh 2 Chú thích..
MỚI - NÓNG