Trần Lập: Mênh mông câu hát sâu trong giấc ngủ…

Tinh thần rock còn mãi.
Tinh thần rock còn mãi.
Ngay sau thông tin về sự ra đi của ca sỹ Trần Lập, ngập tràn trên những trang báo, trang mạng xã hội là những lời chia sẻ nỗi buồn, sự tiếc thương sâu sắc của người hâm mộ, bạn bè, đủ thấy rằng, sức ảnh hưởng của “tinh thần Rock” trong anh thật sự mãnh liệt.

Dù biết rằng bệnh ung thư di căn sớm muộn gì cũng sẽ phải có một kết cục đau đớn, song có lẽ không ai nghĩ rằng, anh ra đi sớm thế, chỉ sau hơn 4 tháng phát hiện và điều trị.

Tôi vẫn nhớ lần gặp anh để phỏng vấn trước đêm nhạc “Đôi bàn tay thắp lửa” diễn ra tại quán cà phê gần nhà anh, mé bên tòa nhà Daewoo. Gương mặt dù gầy và xanh xao nhưng tinh thần của anh vẫn đầy phấn chấn và lạc quan khi nhắc đến đêm nhạc và những ca khúc của mình. Trần Lập ngồi đó giữa không gian bao la của đất trời, giữa những ký ức về quá khứ và những tương lai không còn như mong đợi.

Anh từng bảo rằng, rất nhiều dự định của anh đã phải dừng lại vì anh mắc phải bạo bệnh, nhưng anh không cảm thấy ảo não. Rồi anh kể về Phật pháp. Trên đầu giường của anh luôn có những cuốn sách về Phật pháp. Anh đọc để hiểu về cuộc đời, số phận về định mệnh và cũng để tĩnh tâm trước tất cả những biến cố xảy ra trong cuộc đời. Dù là mạnh mẽ, dù là bản lĩnh nhưng vào những tháng ngày đầy chênh vênh của số kiếp, anh đã có một nơi an ủi và nương tựa đó là những lời khuyên răn trong đạo Phật, đó là liệu pháp ăn chay để có thể tẩy rửa hết những phiền muộn, để thanh thoát cơ thể và trên hết, chấp nhận ra đi khi số kiếp của mình chỉ có duyên nợ với trần gian đến chừng ấy.

Anh Hoàng Minh Trí, một người bạn chuyên đi phượt cùng Trần Lập kể lại: “Anh ấy lạ lắm, những ngày ốm đau, bạn bè muốn chia sẻ, giúp đỡ, cái nhỏ nhất là nếu có mời anh đi uống cà phê thì muốn vào tận nhà để đón anh ấy cho đỡ mệt. Nhưng không, Trần Lập từ chối hết, anh ấy sẽ hẹn đến một cái quán gần nhà và tự đi ra, xách theo một cái ghế nhôm mini, đi vài bước anh ấy lại giăng ghế ra ngồi nghỉ cho đỡ mệt. Có nghĩa là sức khỏe anh ấy đã rất tệ, nhưng Trần Lập là thế, luôn không muốn phiền hà đến ai, luôn không muốn ai phải thương hại mình.

Nhiều lần vào viện thăm anh sau mỗi đợt hóa trị, tôi luôn thấy anh cười dù dây dợ chăng khắp người và vẫn luôn nói tếu để cùng mọi người tán gẫu. Tôi biết rằng, Trần Lập nằm đó nhưng đau đớn lắm, đau đớn về thể xác một nhưng đau đáu về các con mười. Các con của anh còn quá nhỏ, kinh tế lại khó khăn nên nỗi lo của một người cha là rất lớn. Anh là người đã chia sẻ với các con thật lòng rằng, bố bị ung thư, và bố muốn các con đối mặt với điều đó để không bất ngờ hay ngỡ ngàng sau tất cả những ồn ào. Nhưng dù có thế nào, trước mặt các con anh ấy luôn vui đùa để các con cảm thấy bệnh tình của bố thực sự không phải là một điều gì to tát so với niềm hạnh phúc khi có hai con bên cạnh.

Gần đây, sức khỏe anh ấy rất tệ, anh gầy và yếu, đau nhiều, gần như không ngay cả với Tây y cũng không còn có tác dụng nữa nên anh dừng điều trị, một phần là anh thấy bỏ tiền ra mà vô ích với căn bệnh của mình và anh muốn dành số tiền đó để nuôi con. Anh ấy chọn giải pháp xin vào một ngôi chùa ở miền Nam để thiền và ăn chay và chữa trị bằng thuốc Nam, nhưng phương pháp này cũng không ngăn được các khối u, hạch của anh phát triển rộng và nặng hơn. Cơ thể của anh hoàn toàn đuối sức và kiệt quệ. Vợ anh đã phải đưa chồng về Hà Nội, rồi anh nhập viện và hôn mê, khi đưa về nhà chỉ không lâu anh đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay gia đình.

Tôi từng gặp chị Hoa, người bạn đời của Trần Lập. Người đã bên cạnh chồng suốt 4 tháng trời anh chống chọi lại bệnh tật. Từ ngày yêu và kết hôn với Trần Lập, chị là một người vợ lặng lẽ phía sau ánh hào quang của chồng, chị lặng lẽ sắp xếp cuộc sống, nuôi hai con lớn khôn. Tôi đã thấy gương mặt đầy nghị lực của chị sau tất cả những tháng ngày cùng anh chống chọi căn bệnh ung thư quái ác. Chị gầy và bé nhỏ, chị không xinh đẹp nhưng ở chị toát lên vẻ hiền hậu, chân tình và giản dị.

Một tay chị xăm xắn lo cho anh, tất tả chạy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, gặp hết bạn bè này đến người quen nọ, là người cùng ngành y với chị, để có thể được tư vấn một cách tốt nhất cho chồng mình. Chị tận tụy đến nỗi, nhìn cái dáng vẻ bé nhỏ của chị, tôi không nghĩ rằng chị khó có thể cáng đáng nổi việc vừa chăm chồng, vừa phải làm việc cơ quan, vừa chăm hai con nhỏ (một cháu học lớp 6 và một cháu học lớp 4).

Chị bảo, Trần Lập rất yêu con dù anh ấy không kè kè bên con suốt. Cũng chính vì yêu con mà trước lúc nhắm mắt, nỗi trăn trở của anh ngoài nỗi buồn lắm vì còn bao kế hoạch dang dở, buồn vì không còn được sống để cống hiến nhưng nỗi lo lắng và ước mong lớn nhất là mong muốn vợ cố gắng nuôi con nên người vì các con nhỏ thiệt thòi”.

Là trăng trối thế, nhưng chắc có lẽ, Trần Lập biết rằng người vợ biết lo toan, người chỉ đơn giản là chỉ là một cô y tá bé nhỏ nhưng đầy cứng rắn, người đã bên cạnh động viên và lo lắng mọi thứ trong gia đình những ngày qua sẽ lo lắng được cho hai con của anh, người mà khi còn sống anh luôn “gọi tên” bằng những từ tốt đẹp như: đảm đang, đầy nghị lực.

Chị Hoa là người đứng trong góc tối sau bao nhiêu ánh hào quang của chồng, nhưng ở sâu thẳm trong trái tim Trần Lập, chị mới thực sự là một người “thủ lĩnh gia đình”. Điều đó càng được khẳng định khi Trần Lập, trong đêm nhạc cuối cùng của cuộc đời mình, trước hàng nghìn khán giả đã chia sẻ: Tôi và vợ tôi đã bên nhau 10 năm nhưng tôi chưa có bài hát nào tặng vợ. Có lần khi tôi cùng các con hát bài hát tôi viết cho con thì vợ tôi từng nói đùa rằng anh chẳng viết bài nào cho em cả, hay anh mải sáng tác cho các cô khác ở bên ngoài. Mọi người có thể thấy tôi mạnh mẽ ở đâu đó nhưng thực sự người bền gan và bản lĩnh nhất lại chính là người bạn đời của tôi. Cô ấy mới là một chiến binh thực thụ”.

Rồi anh hát dành tặng vợ bài hát “Tiếng gọi” với tất cả nội lực của mình: “Em cười thứ tha: gõ lên cánh cửa nhỏ/ Đánh thức ước muốn từng ngủ quên/ Gọi tên tôi thoát xa cơn mơ nào/ Chênh vênh bờ đến sau bao gọi mời/ Em kề vai tôi ngồi bên thềm/ Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co/ Và cám dỗ để quay về/ Ở đó có tôi với em/ Này đây tiếng gọi rất mềm/ Thổi ngọn lửa bùng trong mắt thêm sâu/ Hẹn ước ngày tháng êm đềm/ Tiếng gọi rất quen nơi khung trời bỏ ngỏ/ Nuôi những ao ước dù lẻ loi/ Gọi tên tôi vượt qua những hãi hùng/ Chênh vênh bờ đến sau bao gọi mời/ Em kề vai tôi ngồi bên thềm/ Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co/ Và cám dỗ để quay về/ Ở đó có tôi với em”...

Trần Lập từng chia sẻ rằng, khi anh báo tin mình bị ung thư trên facebook, anh không ngờ rằng mình được đón nhận nhiều tình cảm đến thế. Điều khiến anh đầy sung sướng và cảm kích khi anh được bạn bè ủng hộ và chung tay vì một liveshow hoành tráng cách đây chỉ chừng hai tháng. Nhiều khi anh tự hỏi, không biết mình đã thực sự tốt với mọi người được như thế hay chưa. Dù là một người đầy bản lĩnh, đầy tự tin nhưng chắc chắn anh sẽ không được như bây giờ nếu anh đơn độc. Rồi anh khẳng định, chính gia đình, bạn bè và khán giả là người đã nâng anh dậy trong cuộc chạy đua đầy khủng khiếp với căn bệnh ung thư này.

Và có lẽ, cho đến hôm nay, ở đâu đó trong cõi niết bàn, Trần Lập vẫn đang mỉm cười như thể anh vẫn luôn mỉm cười trên sân khấu, với bè bạn. Bởi vì qua hàng nghìn chia sẻ của đồng nghiệp, bạn bè anh, đủ thấy rằng, sức sống của Trần Lập trong trái tim của mỗi người là rất lớn.

Trần Lập: Mênh mông câu hát sâu trong giấc ngủ… ảnh 1
Trần Lập: Mênh mông câu hát sâu trong giấc ngủ… ảnh 2

Ca sỹ Trần Lập và gia đình.

Anh Hoàng, cùng nhóm nhạc Bức Tường đã chia sẻ: “Bạn bè vẫn nhớ về anh với một Trần Lập đầy sức sống và trên từng kilomet đi phượt ở tỉnh này, núi nọ, khi thì sẽ chạy xe qua quãng đường cao bao nhiêu mét trên những con đường khúc khuỷu, nguy hiểm, khi thì sẽ quay video ở chân núi này, đỉnh núi kia, đi hát ở chương trình này, làm biên tập cho chương trình nọ... Anh luôn trong trái tim mỗi chúng tôi”.

Ca sĩ Trần Thu Hà cũng chia sẻ: “Với mình, kết thúc chỉ là tạm thời trong hiện hữu này. Còn duyên sẽ gặp lại cách nào đấy. Tạm biệt chiến sĩ... Anh lên đường bình an”. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng đã viết: “Chúng mình không phải là những anh em thân thiết nhất của Lập nhưng những tình cảm của những người nghệ sĩ, đồng nghiệp sẽ là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất dù ngắn ngủi của Lập”...

Con gái của Trần Lập đã nói với bố: “Bố đừng đi xa mãi mãi, con chỉ muốn bố đi rồi bố lại về như những lần công tác”. Lời nói của con gái bé nhỏ như những vết dao cứa vào trái tim bao nhiêu người yêu thương anh, yêu âm nhạc của anh. Một dòng nhạc không thuộc về số đông nhưng khi đã yêu thì neo giữ vào lòng người với những ca từ đầy sức ám ảnh, nó như những dự cảm về cuộc đời, số phận ngắn ngủi nhưng đầy tài hoa. Trần Lập là cái tên để lại dấu ấn bởi tất cả chặng hành trình không  mệt mỏi của anh từ lúc bé đến khi trưởng thành, lập nghiệp và những ngày chống chọi lại căn bệnh ung thư quái ác.

Anh đúng là một “chiến binh” bởi sau tất cả những nỗi đau, những cái được, mất còn lại trong lòng khán giả, trong lòng bạn bè vẫn là Trần Lập của những nụ cười lạc quan, bản lĩnh như những ca từ luôn tươi sáng của anh trong những khúc nhạc bốc lửa những vấn trữ tình đắm đuối: "Ðể sống có ý nghĩa hơn/ Dù mùa đông buốt giá/ Lá rơi như giọt máu đỏ/ Vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới mầm sống đâm chồi/ Đón nắng vàng/ Cây bàng ơi... Tỏa bóng tháng năm dài/ Dưới vòm lá, tuổi thơ đã qua bao mơ mộng đẹp/ Rồi một sớm lớn khôn/ Nhặt chiếc lá mà lòng nghĩ suy.../ Ðể sống có ý nghĩa hơn/ Dù mùa đông buốt giá/ Lá rơi như giọt máu đỏ/ Vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới mầm sống đâm chồi/ Đón nắng vàng/ Ai vui khi lá bàng đỏ rớt xuống giữa mùa đông?/ Đỏ như máu dẫu xa lìa cành/ Nụ cười luôn tươi sáng trên môi...".

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".