Tràn lan khai khoáng, hiểm họa hiện hình

“Hố tử thần” liên tiếp xuất hiện ở cánh đồng thôn Nà Tùm.
“Hố tử thần” liên tiếp xuất hiện ở cánh đồng thôn Nà Tùm.
TP - Lãnh đạo nhiều tỉnh miền núi từng bày tỏ kỳ vọng rằng, kinh tế tỉnh nhà sẽ “thay da đổi thịt” khi cấp phép cho doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản. Thế nhưng sau khi DN lấy hết tài nguyên, người dân nơm nớp sống bên đống bãi thải, còn chính quyền địa phương đau đầu với những khoản nợ thuế, phí khó đòi.

Kỳ 1: Sống bất an bên hố tử thần

Sống chung với tình trạng sụt lún, số “hố tử thần” tăng mỗi ngày, khiến người dân xã Ngọc Phái (Chợ Đồn, Bắc Kạn) chưa đêm nào ngủ yên. Họ phập phồng lo sợ, không biết lúc nào hố tử thần sẽ nuốt trọn ngôi nhà, mạng sống của mình. Theo người dân ở đây, tình trạng này diễn ra đã 8 năm nay do khai thác chì kẽm.

Sụt lún, khô hạn khó lường

Từ UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), chúng tôi đi thẳng theo tỉnh lộ 254 tìm về xã Ngọc Phái. Đến địa phận tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, một hố sâu khoảng 12m, đường kính 16m nằm ngay trên mặt tỉnh lộ đang được san lấp. Hàng loạt xe chở đất, đá được xếp xen lẫn lớp thép gai đổ xuống lòng đường. Vị trí này đã 2 lần bị sụt lún. Toàn bộ số đất đã san lấp lần đầu tiên bị sụt, miệng hố có chiều hướng rộng thêm.

Cách “hố tử thần” này khoảng 1 km là thôn Nà Tùm, Cốc Thử (xã Ngọc Phái). Ngay đầu thôn Nà Tùm, ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình bà Ma Thị Thẩm đầy vết nứt trên tường. Cạnh đó, ngôi nhà khác cùng chung cảnh ngộ. Những vết nứt rộng tới 10 cm, người dân phải dùng xi măng trát kín. Nhưng vừa trát vài hôm, vết nứt mới lại xuất hiện. Tường rào xây chắc chắn nhưng cũng nứt toác, nghiêng ngả chờ sập.

“Ngoài ruộng thì sụt lún thành từng hố sâu, trong nhà nứt hết đợt này đến đợt khác, khiến cuộc sống của chúng tôi đảo lộn. Sáng mai ngủ dậy mới biết mình còn sống. Chứ sụt hố giữa làng thì chết lúc nào không biết”, bà Thẩm nói. Phía sau nhà bà Thẩm là cánh đồng rộng chừng 15 ha của 2 thôn Nà Tùm, Cốc Thử. Dù đây là cao điểm mùa cấy nhưng cánh đồng không một bóng người, bị bỏ hoang. Những thửa ruộng khô khốc, không giọt nước. Trên đầu mương dẫn nước, người dân thay nhau nạo vét kênh mương để mong vớt vát chút nước về làm đất cấy lúa.

Theo chân ông Nguyễn Thế Viên, Trưởng thôn Cốc Thử và Nà Tùm, chúng tôi đến 3 “hố tử thần” nằm cạnh nhau trên cùng thửa ruộng giữa cánh đồng. Mỗi hố sụt lún có đường kính từ 2-3m. Theo cách đo của người dân, mỗi hố sâu từ 4-5m. Để đảm bảo an toàn, người dân dùng tre rào kín xung quanh.

Vừa chỉ vào hố sụt lún, ông Viên nói: “Đây là hố sụt vào dịp tết vừa rồi. Mọi năm, mùa này cánh đồng đã xanh tốt nhưng năm nay hạn hán, chúng tôi nhiều lần vét kênh mương theo dòng suối nhưng không có chút nước nào về. Cả cánh đồng 15 héc ta là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây giờ bỏ hoang. Người dân không có việc làm đành làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày”.

Theo ông Viên, từ tháng 1 vừa qua, hiện tượng sụt lún liên tục xảy ra. Khi có thông báo có chỗ sụt, người dân lo lắng không ngủ được. Các hộ có ruộng bị sụt lún và nứt nhà gồm: Lý Văn Vì, Nghiêm Xuân Hội, Vi Quốc Đội, Tô Văn Thưởng và Nguyễn Thị Huyền. Sau khi đất sụt lún, đoàn kiểm tra của xã, huyện đã về kiểm tra thực địa nhưng chưa có kết quả cuối cùng về lí do xảy ra sụt lún.

Do khai thác mỏ thiếc Nà Tùm?

Việc sụt lún tại xã Ngọc Phái xảy ra từ năm 2008. Sau khi có kết quả kiểm tra địa chất của cơ quan chức năng, ngày 18/9/2008, UBND tỉnh Bắc Kạn thông báo về nguyên nhân sụt lún tại 2 thôn Cốc Thử và Nà Tùm do khai thác chì kẽm tại mỏ Nà Tùm của Cty TNHH khai khoáng Bắc Kạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành đã yêu cầu công ty trong quá trình khai thác cần có phương án khắc phục và ngăn chặn hiện tượng sụt lún tại khu vực khai thác và vùng phụ cận đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Có giải pháp cụ thể tạo điều kiện an sinh cho người dân trong vùng để không bị ảnh hưởng  bởi việc khai thác mỏ Nà Tùm. Công ty cần thiết lập phương án tái định cư, xây dựng hệ thống cung cấp nước cho người dân.

Theo ông Viên, năm 2008, tỉnh đã công bố việc sụt lún do mỏ kẽm hút nước nhưng công ty chưa khắc phục khiến người dân rất bức xúc. Mỗi khi công ty bơm nước là cả con suối cạn khô, nước ngấm hết về hồ rộng, sâu chừng 50m trong khu mỏ Nà Tùm.

“Trước mắt chúng tôi lo khắc phục đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống. Dù ai cấp phép cho công ty khai thác khoáng sản nhưng phải phối hợp với chính quyền địa phương để tuân thủ mọi quy định từ vận tải, khai thác đúng chỉ giới, bảo vệ môi trường. UBND huyện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm công ty khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân” 

Ông Hà Sĩ Huân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn

Ông Hà Sĩ Huân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân về hiện tượng sụt lún xảy ra mỗi khi mỏ Nà Tùm hút nước, UBND huyện đã yêu cầu công ty dừng hút nước để chờ kết luận của cơ quan chức năng. UBND huyện đã báo cáo tỉnh và Bộ Tài nguyên & Môi trường để chờ công bố cuối cùng. “Việc sụt lún khiến người dân búc xúc. Lãnh đạo huyện mong muốn công bố nguyên nhân xác đáng để người dân tâm phục khẩu phục. Trước hết huyện yêu cầu công ty dừng hút nước. Tuy nhiên, công ty không chấp hành. Ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu, nhận được phản ánh của người dân, tôi cùng phòng chức năng lập biên bản yêu cầu phía công ty dừng hút nước nhưng họ không ký biên bản”, ông Huân cho biết.


Người đứng đầu UBND huyện Chợ Đồn cho rằng, nếu việc hút nước là nguyên nhân của sụt lún và hạn hán ở xã Ngọc Phái. Gần 20 ha đất ở Ngọc Phái bị hạn hán khiến người dân mất đất sản xuất. Huyện đang xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang hoa màu cho người dân. Đối với sụt lún khiến người dân bất an cũng rất khó xử lý, vì huyện không có quỹ đất để di dân tái định cư và cũng không đủ kinh phí để thực hiện điều này.

“Trước mắt, chúng tôi lo khắc phục đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống. Dù ai cấp phép cho công ty khai thác khoáng sản nhưng phải phối hợp với chính quyền địa phương để tuân thủ mọi quy định từ vận tải, khai thác đúng chỉ giới, bảo vệ môi trường. UBND huyện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm công ty khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân”, ông Huân khẳng định.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.