Trầm trọng hơn dự báo

Trầm trọng hơn dự báo
TP - Sau khi đăng ý kiến lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, sẽ có 5 triệu lao động thất nghiệp trong năm 2009, PV Tiền Phong trở lại một số làng nghề trọng điểm và thấy thực trạng thất nghiệp khá trầm trọng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tái khẳng định, lao động làng nghề thất nghiệp trong năm 2009 sẽ không dừng ở con số năm triệu người, nếu không có ngay các giải pháp xử lý.

Một số doanh nghiệp làng nghề sẽ chết vì chỉ biết chờ đợi mà không chịu năng động tìm lối ra. Lúc này, các doanh nghiệp làng nghề cần hướng vào thị trường nội địa và phải liên kết chặt chẽ với nhau.

Để gỡ khó cho làng nghề hiện nay, theo ông Lê Huy Thanh, phải chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng cơ hội việc làm cho người lao động bằng cách tập trung kích cầu thị trường nội địa; phải thiết lập hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, trong đó đưa gốm sứ làng nghề vào các siêu thị.

Cùng đó, cần kịp thời triển khai mảng du lịch làng nghề lâu nay bị bỏ ngỏ; đầu tư công nghệ từ làm nguyên liệu đến tráng men cho sản phẩm...

Mới đây, ba hiệp hội (làng nghề, các nhà bán lẻ, và doanh nghiệp vừa & nhỏ) họp tìm lối ra nhưng chưa thấy giải pháp căn cơ, ngoài việc Mê Linh Plaza dành 4.400 m2 cho bày, bán sản phẩm làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Đốc - Chủ nhiệm câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ xã Vạn Điểm nhận định: Quý I/2009, số việc làm ngành gỗ sẽ suy giảm. Nếu hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và các ngành phát huy tác dụng may ra đến giữa 2009 tình hình mới cải thiện chút ít.

Ông Lê Huy Thanh - Phó Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng, cũng bi quan: “Gần mười tháng qua, hàng xuất khẩu của Bát Tràng bế tắc. Khoảng 30 phần trăm trong tổng số 400 hội viên làm hàng xuất khẩu đang điêu đứng, 4.000 người mất việc”.

Còn theo ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ & Lâm sản Việt Nam, năm 2009, ngành này có ít nhất 50.000 lao động mất việc. Muốn vực dậy và phát triển bền vững để lao động có thêm việc làm, doanh nghiệp phải xuất được hàng sang các thị trường mới (Nga, Trung Đông,...). Nhưng điều này không dễ thực hiện.

Đắp đống khắp nơi

Trầm trọng hơn dự báo ảnh 1
Để gỡ khó cho làng nghề phải chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Phạm Anh

Tại Cty TNHH gốm sứ Vĩnh Thắng-doanh nghiệp xuất khẩu đồ sứ lớn nhất ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) chỉ còn lèo tèo vài lao động làm việc.

“Năm 2006-2007, Cty có trên 300 lao động, mỗi tuần xuất hai container hàng. Thế nhưng, từ giữa năm 2008 đến nay, hàng hóa làm ra không bán được, nhiều đơn hàng đã ký nhưng vẫn bị huỷ. Năm nay, may lắm mới có thể duy trì được 100 lao động, mỗi tháng cố gắng xuất hai container hàng” - Anh Nguyễn Anh Tuấn, trợ lý giám đốc công ty này, nói.

Tại cơ sở sản xuất gốm Tấn Hương, hàng sản xuất ra bán không được, đắp đống khắp nơi, sản xuất gần như đình trệ. Anh Nguyễn Khắc Tấn - chủ cơ sở, than: “Doanh thu giảm, đành phải bớt lao động (từ 13 xuống bảy người). Khả năng còn cắt giảm nhiều nữa”. Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Bát Tràng giảm 50 phần trăm sản lượng; doanh thu bằng nửa năm trước.

Tại làng nghề mộc Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), hầu hết các cơ sở sản xuất cũng đóng cửa. Anh Ngô Văn Trọng - Giám đốc Cty Đức Trọng, cho biết, nguồn gỗ đầu vào không thiếu nhưng đầu ra cực kỳ khó khăn. Thường xuyên tại công ty có 30 - 40 công nhân nhưng từ mấy tháng qua, số công nhân còn chưa đến một nửa.

Năm 2008, doanh thu của Cty giảm gần một nửa. Ông Nguyễn Văn Đốc - Chủ nhiệm câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ xã Vạn Điểm cho biết, số lao động năm vừa qua giảm 40 phần trăm, năm nay sẽ còn giảm nhiều.

Tại vùng cói xã Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa), trước kia, hơn 4.000 người trong xã đều sống ổn định với cây cói; mỗi năm cả xã bán được hơn 5.000 tấn cói và gần 500.000 lá chiếu. Thế nhưng, từ giữa năm 2008 đến nay, hàng xuất khẩu không có đầu ra, bà con nơi đây điêu đứng, không có thu nhập, việc làm.

Hai bộ phải đề xuất xử lý thất nghiệp ở làng nghề

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Năm triệu lao động làng nghề mất việc?”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ phải đề xuất phương án xử lý.

Văn phòng Chính phủ có công văn số 437/VPCP-TH do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng CP Nguyễn Xuân Phúc, ký ngày 16/1/2009 gửi hai bộ NN&PTNT, Lao động - Thương binh & Xã hội. Công văn nêu rõ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến: “Giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và các bộ, ngành liên quan đề xuất những vấn đề giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/2/2009”.

Bài báo trên Tiền Phong phản ánh: “Hiện cả nước có 60 phần trăm doanh nghiệp làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20 phần trăm đang thoi thóp. Năm 2009, sẽ có trên 50 phần trăm doanh nghiệp làng nghề phải giải thể, kéo theo khoảng năm triệu lao động mất việc làm, sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội...”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.