Trầm cảm là bệnh truyền nhiễm?

Tiến sĩ Turhan Canli nói, bệnh nhân trầm cảm bộc lộ nhiều triệu chứng tương tự như người mắc một căn bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa: Corbis
Tiến sĩ Turhan Canli nói, bệnh nhân trầm cảm bộc lộ nhiều triệu chứng tương tự như người mắc một căn bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa: Corbis
Một nhà khoa học Mỹ quả quyết, chứng trầm cảm nên được tái định nghĩa là một căn bệnh truyền nhiễm, thay vì một rối loạn cảm xúc.

Theo tiến sĩ Turhan Canli đến từ Đại học Stony Brook (Mỹ), trầm cảm có thể bắt nguồn từ việc nhiễm một ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn. Các nghiên cứu trong tương lai về chứng bệnh này cần tìm kiếm những loại vi sinh vật đó.

Nếu giả thuyết của mình là đúng, ông Canli hy vọng có thể phát triển được một loại vắc-xin phòng ngừa bệnh trầm cảm trong tương lai.

Viết trên tạp chí Biology of Mood and Anxiety Disorders, tiến sĩ chia giả thuyết của mình thành 3 luận điểm. Ông nói, các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm đã bộc lộ các hành vi giống như bị bệnh đau yếu. Họ mất năng lượng, gặp khó khăn với việc ra khỏi giường và mất hứng thú đối với thế giới xung quanh - các triệu chứng tương tự ở người mắc một căn bệnh truyền nhiễm.

Các nghiên cứu đối với bệnh nhân trầm cảm cũng hé lộ sự tồn tại của các dấu hiệu viêm trong bộ não của họ. Những dấu hiệu này có thể ám chỉ, hệ miễn dịch đã được kích hoạt nhằm đối phó với một loại mầm bệnh nào đó, có thể là ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn đang gây ra các triệu chứng trầm cảm.

Luận điểm thứ hai của ông Canli là, có nhiều ví dụ về ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn tác động đến hành vi cảm xúc trong thế giới tự nhiên. Ví dụ được biết đến nhiều nhất là Toxomaplasma gondii (T.gondii), một loại ký sinh trùng cư trú trong đường ruột của mèo.

Tại đó, nó đẻ trứng và trứng phát tán vào môi trường khi mèo bài tiết ra ngoài. Khi một con chuột tiếp xúc với số trứng này và bị nhiễm ký sinh trùng, nó trở nên thích thú với mùi nước tiểu mèo. Hành vi của chuột là do các nang ký sinh bám rễ khắp bộ não của nó, kích hoạt cùng các chuỗi phản ứng hóa học như trong kích thích tình dục.

Ông Canli nói, 1/3 dân số thế giới được cho là nhiễm ký sinh trùng T.gondii. Việc nhiễm trùng này gắn liền với các dấu hiệu viêm nhiễm quan sát được ở bệnh nhân trầm cảm. Trong số các bệnh nhân bị trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực đã được chẩn đoán, những người có tiền sử cố gắng tự vẫn sở hữu lượng kháng thể chống vi khuẩn T.gondii cao hơn bình thường. Tuy nhiên, các nghiên cứu quy mô lớn nhằm tìm ra mối quan hệ chính xác giữa bệnh trầm cảm nặng và T. gondii hoặc các dạng nhiễm ký sinh trùng khác vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Tương tự, ông Canli trích dẫn hàng loạt nghiên cứu, trong đó ghi nhận sự thay đổi hành vi tình cảm của chuột khi chúng được cho tiếp xúc với vi khuẩn. Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra sự liên quan giữa virus và chứng trầm cảm, dù rất nhỏ.

Luận điểm cuối cùng của ông Canli là, việc tái định nghĩa chứng trầm cảm như một căn bệnh truyền nhiễm là hữu ích xét về các đặc điểm di truyền của bệnh. Việc tìm kiếm các gen cụ thể liên quan đến chứng trầm cảm đã không thu được bất kỳ kết quả nào vì "có lẽ chúng ta đã xem xét sai hướng".

Mặc dù các nghiên cứu đã tìm kiếm những thay đổi bên trong các gen của người, nhưng chúng ta cần phải lưu ý rằng, 8% hệ gen của người dựa vào các thay đổi bên ngoài, chẳng hạn như từ các virus. Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có thể truyền gen của chúng vào các tế bào của chúng ta, dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc di truyền của chúng ta. Chúng cũng có thể được truyền qua việc sinh đẻ hoặc thông qua tiếp xúc giữa cha mẹ với con cái.

Tiến sĩ Candi kết luận, chúng ta cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn đối với bệnh nhân bị trầm cảm và những người không mắc chứng bệnh này để xác định liệu ký sinh trùng, virus và vi khuẩn có là nguyên nhân gây bệnh hay không.

Theo Tuấn Anh

Theo PLO
MỚI - NÓNG