Trại văn chương Tự lực văn đoàn và gia đình bà Thông Nhu

Trại văn chương Tự lực văn đoàn và gia đình bà Thông Nhu
TP - Nhắc tới Tự lực văn đoàn, người ta thường nhắc tới con người trụ cột, đó là bát tú: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Trần Tiêu và Xuân Diệu.
Trại văn chương Tự lực văn đoàn và gia đình bà Thông Nhu ảnh 1
Trại văn chương Tự lực Văn đoàn trong trang trại gia đình Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giàng (Hải Dương). Ảnh chụp tháng 7/2007 (các đồng chí lãnh đạo thị trấn với giáo sư Văn Tạo). Ảnh : Trần Quang Thông.

Người ta cũng không quên báo Phong Hóa, Ngày Nay cùng những tác phẩm mẩn mê lòng người thời đó như Lạnh Lùng, Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa, Hồn bướm mơ tiên, Hà Nội ba sáu phố phường… và một hình ảnh có tính cách nhân đạo – Nhà ánh sáng.

Nhưng ít người biết rằng TLVĐ có trại văn chương rất nên thơ, đó là trang trại gia đình bà Thông Nhu ở thị trấn Cẩm Giàng…

Đối với gia đình họ Nguyễn Tường ở Cẩm Giàng, năm 1918 là một chỗ ngoặt lớn trong cuộc đời họ. Đó là năm ông thông phán Nguyễn Tường Nhu mất ở bên Lào, gia đình bà Nhu lâm vào cảnh nghèo khó khốn quẫn.

Bà Nhu ngày ấy 37 tuổi, tần tảo khuya sớm nuôi bảy con, trong hoàn cảnh người lớn nhất mới 15,16 tuổi (Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1903), bé nhất là Tường Bách lên 2 tuổi.

Người mẹ phải gian khổ, can đảm vượt qua thử thách để nuôi các con ăn học, sống trong cái phố huyện buồn tẻ. Bà Nhu phải đi cân gạo nhưng vẫn không đủ sinh sống.

Bà quay sang nấu thuốc phiện với mục đích kiếm tiền cho con ăn học, nhưng các con lại coi đó là trò chơi có ý thức chống  đối bọn Tây, bởi chúng độc quyền rượu và thuốc phiện.

Ngày ấy các con đều ở Cẩm Giàng thấy mẹ làm vậy là nguy hiểm nên thay nhau canh gác để không cho Tây đoan đến bắt. Một lần chúng sập đến bất ngờ, Thạch Lam chúi mũi vào xem đầu tầu hỏa không biết, thật may Nhất Linh phát hiện trước chạy ra tíu tít hỏi chuyện nhằm giữ chân bọn Tây đoan.

Tường Cẩm bê đồ giấu ở bụi tre mà thoát hiểm. Sau lần ấy, bà Nhu bỏ nghề mạo hiểm lại đi cân gạo, vẫn sống cảnh nghèo nhưng niềm an ủi nhất là các con bà đi học và càng tiến bộ.

Chính cuộc sống khổ nghèo ấy đã lay động trái tim và in đậm trong tâm hồn các con để sau này tạo ra thành nhân vật văn học trong các tác phẩm của TLVĐ.

Gia đình bác Lê là gia đình hàng xóm đã bước vào truyện Thạch Lam, mà sau này Nhất Linh cũng lấy làm chất liệu để viết Xóm Cầu Mới… Người đọc ở thị trấn Cẩm Giàng tinh ý có thể biết đâu là người hay mua rượu chịu của hai chị em Liên, đâu là bến Tiên trong truyện Thạch Lam.

Chính những ngày sống ở Cẩm Giàng đã khiến cho bà Nhu bừng dậy một ước mơ, khi có tiền bà sẽ làm một cái nhà giữa cánh đồng hứng gió mát cho sướng.

Thế rồi vận bĩ qua đi, các con khôn lớn, hai người con đầu đi làm có tiền giúp mẹ cho các em học lên cao, hai người con tiếp theo cũng đỗ đạt đi làm, lại giúp các anh học tiếp.

Chỉ có Thạch Lam bấy giờ chưa học hết bậc tú tài, vì quá sốt ruột đã bảo mẹ nói khéo với ông lý trưởng cho đổi tên Nguyễn Tường Vinh thành Nguyễn Tường Lân, khai tăng thêm tuổi, nhẩy vượt thi lấy bằng tú tài đúng vào tuổi 16. Xong, bỏ học đi làm báo với các anh.

Bà Nhu đã thực sự thoát cảnh túng bấn nhờ các con trưởng thành. Uy tín người mẹ có con học hành đỗ đạt, đã tạo nên thế và lực mới. Bà giao thiệp rộng rãi và buôn bán khá hơn.

Bà mua ba mẫu ruộng giữa cánh đồng cách xa phố huyện khoảng gần một nghìn mét, làm nhà để hứng gió trời. Ngôi nhà có cửa quay bốn hướng đông tây nam bắc, trong kính ngoài chớp. Chung quanh trồng cây xanh.

Phía đông trước cửa là một chiếc ao hình vuông thả cá, trên bờ trồng cài nhiều loại hoa thơm. Có lẽ vì thế sau này Thạch Lam có một truyện ngắn rất nổi tiếng là Dưới bóng hoàng lan đầy chất thơ?

Từ một cái nhà giữa cánh đồng, được các con giúp thêm, với đức cần kiệm toan lo của bà Nhu, nơi này trở thành một cái trại khá đẹp, nằm sát đường tàu, khách ngồi trên toa xe lửa Hà Nội – Hải Phòng qua đây cũng có thể nhìn rõ.

Phía đông khuôn viên là một bức tường trồng toàn trúc, cạnh con đường đi vào trường Kiêm bị duy nhất của huyện Cẩm Giàng lúc bấy giờ. Cũng trại này thành nơi sinh hoạt và hoạt động văn chương của TLVĐ và nhóm Phong Hóa, Ngày Nay.

Những giai đoạn khổ nghèo như thế có mấy ai biết, chỉ đến khi thấy bà Nhu là chủ trại lớn, tiện nghi đàng hoàng, các con bà trang phục Âu hóa, có nhà in thiết bị khang trang, thì đã có cách nhìn thiếu phần chia sẻ.

Nhiều người cho rằng thái độ của Thạch Lam, Hoàng Đạo, Nhất Linh đối với nhân vật văn chương có góc nhìn ban ơn, của bậc thượng lưu, của kẻ giàu thương hại người dân nghèo tăm tối, ngu dốt.

Ai biết đâu, chính đó là sự hóa thân của các tác giả TLVĐ vào con người dân quê, mà họ từng sống trong ngày thơ ấu ở Cẩm Giàng.

Thế Uyên – cháu gọi Thạch Lam là cậu, trong một bài “Tìm kiếm Thạch Lam” đã hồi ức về trại Cẩm Giàng: Căn trại này biệt lập giữa cánh đồng, có dãy nhà ngang nhìn ra chiếc ao sát bờ tre, ngày ấy gọi là khu đàn ông. Căn nhà đầu tiên trải thảm cói dầy, có nhiều ghế bành mây.

Cửa lớn nhìn ra đường xe lửa bên kia lũy tre xanh. Chính ở đây những người đàn ông ngồi uống trà, hút thuốc, nói chuyện tâm đắc. Họ toàn là những người thân thiện, gần gũi với gia đình.

Có khi bàn chuyện văn chương, báo chí, có thể là chuyện cải cách giải phóng dân tộc. Thường trong lúc ấy, Thạch Lam ngồi trong đám bạn văn thơ, bởi tính cách Thạch Lam chỉ có thế.

Cuộc sống đại gia đình bà Thông Nhu dần dần biến động theo sự biến động của thời cuộc, không còn giữ được vẻ yên hòa như trước. Thời kỳ các con bà làm báo Phong Hóa, Ngày Nay ở Hà Nội, bà cũng nhiều lần ra Hà Nội ở với các con.

Nhất Linh thuê một ngôi nhà ở đường Quán Thánh, gần tòa báo, đón mẹ lên ở cùng Hoàng Đạo, Tường Bách, Thạch Lam và vợ chồng bà Thế, tức cô Năm. Cơ ngơi trại Cẩm Giàng phải nhờ người nhà trông coi.

Bà Nhu ra Hà Nội ở, bạn bè của bà đến thăm thú rất nhiều bởi một thời gian dài họ không có điều kiện gặp nhau. Trong số ấy có bà phán Lợi rất quan tâm đến Hoàng Đạo.

Bà phán có ý làm mối cho Hoàng Đạo lấy con một bà bạn của mình. Thế rồi chuyện cưới xin suôn sẻ, nhưng vì nhà gái hiếm hoi, nên Hoàng Đạo thuận lòng về ở rể nhà mẹ vợ cho vui cửa vui nhà.

Công việc xong, bà Nhu lại về trại Cẩm Giàng, nơi mà bà gửi gắm bao nhiêu tình yêu và kỷ niệm.

Bà Nhu về quê, người con gái thứ năm là Nguyễn Thị Thế cùng chồng là Cát Kim Hoàn thuê một căn nhà khác ở làng Yên Phụ, gần hồ Tây làm nơi ở lâu dài. Nguyễn Tường Bách bấy giờ đang học bác sĩ nên ở nội trú, chỉ có Thạch Lam ở cùng.

Thấy phong cảnh Hồ Tây đẹp nên thơ, không khí mát lành, các con lại tìm cách đón bà Nhu ra Hà Nội một lần nữa. Mặc dầu vậy, nhưng bà Nhu cũng cố ở được một năm, lại nằng nặc về ngôi trại của mình ở quê hương Cẩm Giàng…

Mùa xuân năm Đinh Hợi (2007) chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo thị trấn đưa về thăm trại. Khu đất ba mẫu Bắc Bộ nay có ba hộ quản lý và sử dụng: Kho lương thực Cẩm Giàng và hai hộ gia đình nông dân.

Chúng tôi vào một gia đình, được chủ nhà là ông Nguyễn Văn Đạm ngoài 70 tuổi, vồn vã đón tiếp. Nghe kể lại nguồn gốc mới thấy cảm động về tình đất tình người.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gia đình bà Nhu tản cư. Vùng quê Cẩm Giàng tiến hành tiêu thổ kháng chiến, trại bà Nhu cũng như các làng thôn khác, trở thành vườn không nhà trống để tham gia đánh giặc.

Hòa bình lập lại, dân làng trở về xây dựng cuộc sống mới, khu trại nhà bà Nhu vẫn là mảnh đất để không. Vào khoảng năm 53-54 ông Thiệp là sếp ga Cẩm Giàng đã sử dụng khu đất này cho việc công và một phần cho sinh hoạt.

Chính quyền mới tiếp quản nhà ga, ông Thiệp được giữ lại làm việc với tư cách là cán bộ lưu dung. Khoảng năm 1970, cấp trên điều ông Thiệp về nhận công tác ở ga Giáp Bát - Hà Nội.

Trước khi đi, ông đã bán lại cho người em đồng hao là ông Nguyễn Văn Đạm sử dụng khoảng 2.000m2. Số đất còn lại, chính quyền địa phương giao cho gia đình ông Hồ một phần và sử dụng vào việc xây kho lương thực từ thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Khuôn viên nhà ông Đạm còn một cái ao cũ từ thời bà Nhu ở. Trước hình vuông, nay đã biến thành tròn. Ông Đạm nhiều lần cải tạo ao và nhiều lần tìm được vỏ những lọ kem, mỹ phẩm bằng nhựa, bát đĩa cổ, gạch ngói cũ là dấu tích một thời gia đình bà Nhu từng sinh sống. Những cây mít, cây nhãn, cây doi trồng trong vườn đã lâu niên vẫn còn tỏa màu xanh mát, lại đang mùa ra quả.

Tất cả kỷ vật thời TLVĐ trên mảnh đất này nay chẳng còn gì,  ngoài chiếc ao. Bãi biển nương dâu mà! Tôi bỗng liên tưởng tới bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương đời Đường, đại ý rằng: Xa quê nay trở về chứng kiến bao đổi thay, mất mát, duy chỉ sóng nước hồ Kính Thủy, khi gió xuân thổi vào vẫn không làm thay đổi ngọn sóng ngày xưa. Chúng tôi hình dung ra mùi hoàng lan thơm ngào ngạt đâu đây, và cứ bâng khuâng cố tưởng tượng xem chỗ nào mồng ba Tết Nhâm Ngọ 1942 Thạch Lam cùng bạn văn ngồi uống rượu Mỹ tửu vui đùa nói chuyện văn chương?

Trang trại Cẩm Giàng không chỉ là nơi đi về của gia đình anh em con cháu bà Thông Nhu, mà còn bao lần đón tiếp các bậc văn nhân thi sĩ, những người cùng chí hướng nghệ thuật TLVĐ về nghỉ sau những ngày làm việc căng thẳng ở thành phố.

Đó cũng là một vùng quê yên tĩnh, có những mẫu người, cảnh trí đẹp tươi đáng làm bối cảnh cho những trang tiểu thuyết của họ, còn là mảnh đất lưu gửi nhiều kỷ niệm nhân thế.

Ông Đạm chỉ cho chúng tôi chỗ nào là ngôi nhà bốn hướng của bà Nhu, rằng nếu có xây dựng nhà lưu niệm, thì chính bên bờ ao này sẽ là nơi đặt bia kỷ niệm. Thì ra ông đã chuẩn bị trước, nếu nhà nước có nhu cầu lấy lại đất này để sử dụng vào việc nghĩa cử, sẽ sẵn sàng vui lòng…

MỚI - NÓNG
Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20 thăm hỏi, động viên gia đình Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh - vợ liệt sĩ Bùi Văn Kim
Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ'
TP - Tháng 8/2019, Đại úy Bùi Văn Kim - Chính trị viên Đại đội 33 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu Quân khu 1) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù tại sân bay Hòa Lạc và được truy phong liệt sĩ. Một năm sau, vợ anh được Bộ Quốc phòng tuyển dụng và được điều động về chính đơn vị của chồng công tác.