Gia đình không ai can ngăn, cũng không ủng hộ. Chỉ có ông nội động viên khéo. Rằng bây giờ cưới hỏi đặt hết cả cho người ta, chẳng bận bịu như xưa mà phải lo lắng, con thích thì cứ đi lên chơi với quý thầy vài bữa. Cho vui.
Chiều thứ Sáu tôi xin phép sếp cho nghỉ một tuần, có viết đơn hẳn hoi. Sếp bảo chú mày nguyên tắc quá. Để đơn đấy, anh cho nghỉ mà lo việc. Chắc là định đi chụp ảnh ngoại cảnh ở đâu đó đúng không. Tôi nói dạ không, em lên chùa ở. Sếp cười, chú học theo kiểu của người Lào à, trước ngày đám cưới phải lên chùa tu. Cũng hay. Đi về có gì thú vị bày cho anh theo với. Anh cũng muốn lánh khỏi chốn ồn ào này một thời gian.
Bình thường ở cơ quan nếu có người đi đâu đó đều tổ chức một tiệc nhỏ, gọi là làm cái lễ đưa đường, thông tàu xe. Thượng lộ. Khi về người ấy sẽ có nhã ý làm cái tiệc đáp lại thì gọi vui là hạ lộ. Rồi nâng ly chúc mừng. Hóm hỉnh đùa nhau thượng lộ bình an hạ lộ nằm yên.Sếp nói chú mày xin nghỉ để lên chùa thôi không đưa đường đưa sá chi hết. Anh mời chú đi uống trà Zen. Quán trà Zen nằm ở chỗ đất tận cùng thị xã. Trước đây nó là quán cà phê Đen, lấy tên của chủ quán. Anh chủ ba mươi tuổi là thủ lĩnh một nhóm giang hồ ở thị xã. Sau khi cưới vợ anh chàng giải nghệ. Lột chữ Đ ở trên biển, thay vào đó chữ Z. Thành Zen, nghĩa là thiền. Cái tên thật tĩnh lặng nhưng ít người biết nghĩa.
Tôi vui vì sếp đồng ý cho nghỉ phép một cách dễ dàng. Sếp hơn tôi đúng ba chục tuổi, chỉ còn bốn năm nữa về hưu. Tôi vẫn gọi sếp bằng thầy vì trước đây ông là giáo viên, được điều động sang làm cán bộ chính quyền. Tôi gọi thầy. Sếp thì chỉ xưng anh. Ngồi ở quán trà Zen, sếp nói lúc nãy nghe ý định của chú mày tự dưng anh thấy người lâng lâng nhè nhẹ, cứ như có một gánh nặng vô hình nào đó trút được rồi. Lạ thật, mỗi ngày đến cơ quan việc không nhiều mà đầu cứ nặng khiến anh phải rít thuốc liên tục. Bữa trà hôm đó sếp không hút thuốc, tôi cũng nhịn.
Người tôi lo sẽ can ngăn dự định này chính là vợ sắp cưới. Buổi tối tôi sang nhà nói với em. Rất may là em cũng không tỏ vẻ bất ngờ. Chỉ nói có việc gì cần anh cứ viết ra giấy, ở nhà em làm cho. Lấy thiệp mời hay đặt xe đặt pháo gì đó. Tôi cười bảo không cần đâu, hôm nay anh đã làm xong cả. Em đồng ý cho anh đi là anh mừng rồi.
Tôi tắt nguồn điện thoại di động. Ghi ra giấy số điện thoại bàn của ngôi chùa. Dặn với vợ chưa cưới là nếu có việc gì cần thiết thì gọi vào đấy, xin gặp anh. Tôi cũng làm như thế với gia đình.
Năm giờ sáng tôi chạy xe đi. Mới sáng ngày ra nên đường làng chẳng có ai. Khỏi phải bị hỏi han tò mò. Người ta đi tu cũng thường chọn thời điểm vắng vẻ. Như đức Phật chọn vào lúc nửa đêm. Tôi không đi tu, nhưng lên chùa thì cũng đừng mang theo những lời chào hỏi níu kéo. Tôi mang theo mấy bộ áo quần, một tập giấy trắng và cây bút chì. Đi lên phía tây chừng mười lăm cây số thì tới. Chùa nằm trên vùng trung du. Nhìn ra phía sau đã thấy núi và mờ nhạt những chòm cây trên chót đỉnh.
Tôi dắt xe vào phía sau ngôi hậu chẩm, chỗ thường để xe của quý thầy. Chọn chỗ trong cùng và khóa cổ xe lại. Sư thầy cũng vừa tụng kinh xong. Gặp tôi ở thềm hiên, thầy hỏi con lên khi nào sao không nghe tiếng xe. Tôi đáp con dắt xe từ ngoài kia vào. Buổi sáng sương nhẹ và yên tĩnh, sợ tiếng máy nổ quấy quả. Không ai nỡ xé tan bầu không khí trong lành ở cửa thiền. Hơn nữa tôi đang rất thành tâm.
Nghe tôi trình bày ý nguyện, thầy bảo thế thì hay quá. Con ở đây luôn thể giúp thầy cải tiến lại cái trang web của giáo hội. Đưa thêm ít bài vở vào cho các mục đầy đặn lên tí. Nhất là chuyên mục địa chí, con tìm mấy bài tham luận ở hội thảo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với Ái Tử đưa lên trang. Tôi đáp con định lên đây sẽ không dùng máy tính, không kết nối giao lưu qua mạng internet gì hết.
Ở dưới nhà hoặc đến cơ quan, tôi luôn bật máy tính và thường trực để hộp mail chờ thư đến. Chốc chốc lượn ra lượn vào cái facebook mặc dù chẳng viết gì lên trang của mình. Ngày nào email cũng có vài cái tin rác, quảng cáo bán đất ở tận Sài Gòn, rồi chăm sóc sắc đẹp. Facebook thì dăm ba phút có người rên rỉ đau đầu chán nản, thèm ăn món này món nọ, nhớ người này nhớ người kia. Có khi đưa lên một bức ảnh đề tự sướng con cá nướng. Ưa nói cho có vần chứ cá nướng mà sướng cái gì. Biết nó vớ vẩn thế mà không thể chừa được cái thói lên face. Hình như ở nước ngoài đã nghiên cứu và kết luận facebook có hiệu ứng gây nghiện. Thế nên lần này lên chùa tôi không mang theo máy tính xách tay và dcom 3g.
Thầy nói ờ vậy thôi, cũng không gấp lắm. Cứ để thư thư rồi làm cũng được con. Cuối dãy nhà tăng còn một phòng trống, sư đệ chuyển vào Sài Gòn học rồi. Thầy bố trí cho con ở đó nghe. Tôi cảm ơn thầy rồi xin được ở phía trên thất. Ngôi thất bằng tranh tre nứa lá nằm cách chùa chừng ba trăm mét. Đi ngược lên phía núi theo lối cỏ mòn. Mỗi năm thầy vào thất một lần. Thời gian này thất đang để trống. Tôi muốn lên đó ở chứ không sử dụng phòng nhà tăng trong chùa. Hỏi thầy như thế có được không. Thầy bảo được, có điều buổi tối hơi buồn đấy, con chịu được không.
Tôi cầm lấy cây chổi, xách đồ cá nhân lên thất. Bước từng bước khoan khoái nhẹ nhàng. Cảnh trời cuối thu mà như chớm xuân. Cỏ xanh dưới chân. Hai bên lối đi có cây. Có cả tiếng chim hót. Cửa thất buộc bằng sợi dây chạc chìu. Chẳng có loại cây nào tên là chạc chìu. Nhưng bất cứ dây cây rừng nào có thể đem cột bó được thì gọi dây chạc chìu. Lần tay mở mối buộc, chợt nhớ bài thơ của một người Quảng Trị. Có gì tặng em: một trái hồng leo. Anh hái về khi qua xóm Rú. Nụ hôn nào trao em rất vội. Giờ gói đời anh: mảnh dây chạc chìu. Nhẩm nhẩm bài thơ rồi chợt cười một mình. Đã lên đây rồi còn nụ hôn với nụ hoa.Tôi quét mạng nhện chăng trên mái thất, quét nền đất. Thất nhỏ nên loáng cái đã xong. Dùng que tre chống cái cửa sổ lên. Lúc này mới thấy bên ngoài, quanh thất có trồng mấy bụi cây chè. Đọt lá xanh tươi. Lộc mơn mởn. Đúng là ở chùa lúc nào cũng xuân, hèn chi quý thầy thanh thoát quá.
Sư thầy đưa lên thất một cái bình đun nước sôi cắm điện và hộp trà sao. Thầy bảo ở thất có điện đấy. Buổi tối bật công tắc đèn lên. Lúc nào pha trà thì cắm phích đun nước. Giờ cơm xuống chùa ăn với quý thầy. Tôi bạch thầy ở đây có mấy bụi cây chè. Sáng con sẽ ngắt vài đọt pha ấm chè tươi, mời thầy lên đây uống với con. Nói xong mới ngớ ra mình bị hớ. Thất này của thầy chứ tôi đâu phải chủ mà dám nói mời mọc. Tôi tẽn tò lặng im. Thầy cười, ở đây chẳng ai chủ chẳng ai khách. Thầy cũng không mà con cũng không. Ta đều là người nương tạm vào thiên nhiên.
Tôi sực nhớ ra ý định lên đây của mình còn để viết lách. Một tập giấy trắng và cây bút chì đang để trên tợ gỗ kia. Muốn viết một tiểu thuyết, hay một tập tản văn. Lâu nay tôi đều viết trực tiếp vào máy tính, gõ máy chủ yếu bằng hai ngón tay nhưng khá nhuyễn. Lần này sẽ viết lên giấy, viết bằng bút chì để nghe tiếng rột roạt.
Cuốn sách ấy chắc phải thật tĩnh lặng và đúng chất thiền. Sao cho người đọc cảm nhận được sự thư thái nhẹ nhàng khi đọc. Mỗi chữ mỗi câu phải thanh thoát. Đừng bê chuyện chém giết, lừa lọc, dối tình vào. Cũng đừng lan man tả cảnh tả người hay dàn xếp cốt truyện. Cứ kể chuyện tự nhiên đi. Nhưng hình như tôi hơi tham vọng. Chẳng biết sư thầy có mang tham vọng nào khi nhập thất không mà tôi lại như thế. Vậy là còn tự ngã, còn tính toán.
Tay tôi đã bắt đầu thấy khó chịu, thiếu thiếu một cái gì đó. À, chiếc điện thoại. Bình thường cứ mươi phút tôi lại bật điện thoại lên, xem có ai nhắn tin hay gọi nhỡ gì không. Dần thành thói quen, chẳng nghe chuông đổ cũng bật màn hình điện thoại cho sáng lên. Thói quen chờ đợi như kiểu chờ email, chờ hồi đáp trên facebook. Lại vẩn vơ nghĩ giờ này chẳng biết vợ sắp cưới đang làm gì. Có… nhớ mình không. Suốt ngày hôm đó ở trên thất tôi chẳng làm được việc nào ra hồn. Lật sách truyện cổ Phật giáo đọc được nửa cuốn mà chẳng nhớ gì. Do mải nghĩ chuyện vu vơ. Thỉnh thoảng nghe chuông vọng lên lại giật mình.Sáng hôm sau, dù không hứa nhưng sư thầy cũng lên thất. Tôi đã kịp ngắt bảy đọt lá chè, vò xát cho vào ấm. Tráng nước sôi đổ đi nước đầu. Rồi rót vào cho đầy ấm. Thầy bảo đợi nước chè xanh thì lâu hơn pha trà sao. Nhưng ngửi được hương thơm tự nhiên hơn. Thầy hỏi tối qua con ngủ ngon không. Tôi trả lời dạ ngon. Thực ra tối qua tôi khó ngủ, phần vì do lạ chỗ lạ giường, phần vì cứ mải nghĩ vu vơ có ai nhắn tin có ai gửi mail không. Kể cả nhớ vợ chưa cưới nữa. Nhưng tôi phải trả lời ngủ ngon cho thầy an tâm. Thầy bảo con giỏi thế. Đêm nhập thất đầu tiên thường thầy hơi khó ngủ. Nghe thầy nói tôi chợt muốn rút lại câu trả lời lúc nãy.
Hai thầy trò ngồi hai bên chiếc tợ gỗ. Tư thế ngồi xếp bằng giữa nền nhà. Tôi rót nước chè tươi ra chén. Thầy hỏi con ngồi làm việc trên chiếc tợ này ổn chứ. Tôi đáp dạ được, ngồi kiểu này tập trung hơn. Thầy nói đúng rồi, vì tư thế kiết già làm cho não bộ không phân tán tư tưởng, cái mà nhà Phật ta vẫn gọi là vọng tưởng. Rất can hại cho quá trình tu tập.
Ngồi kiết già ngay trên sàn nhà chính là để tâm tĩnh lặng, nó còn được gọi là kiểu ngồi liên hoa. Nói đến đấy thầy chỉ vào một cuốn giảng nghĩa kinh Pháp Hoa. Con đọc cuốn này sẽ thấy rõ sự vận động không ngừng nhưng cũng thật tĩnh tại của vũ trụ. Diệu pháp liên hoa, một bông sen yên lặng trên mặt nước nhưng bao hàm trong nó là sự vận động. Ta có thể thấy được điều đó qua việc cánh sen nở khép đều đặn theo chu kỳ thời gian trong một ngày. Nhưng cái sự vận động thâm trầm nhất của hoa sen đấy là hương thơm. Kinh pháp hoa, đọc được chữ thì thấy như cánh sen nở khép, hiểu được kinh như ngửi mùi hương. Người Nhật, người Hàn họ thiền ghê lắm. Thiền trong đời sống hằng ngày. Chính trong cách ngồi đã thấy.
Tôi ngồi nhấp nước chè và lắng nghe thầy nói. Như là đang ngửi được từng ngụm hương sen thoang thoảng đâu đây. Buổi sáng trong lành. Một ít sương khiến gáy cổ tôi hơi lạnh. Tôi không có ý lên đây ngồi thiền một cách bài bản như quý thầy trong mùa nhập thất. Tôi chỉ lên chùa ở chơi vài bữa, tránh xa mấy cái máy móc công nghệ hiện đại, cố gắng viết được một cuốn sách thật giản dị thanh tao trước ngày lấy vợ. Nghe nhiều người nói lấy vợ xong văn chương chữ nghĩa bay đi hết. Mà nếu có viết được thì văn cũng không còn trong sáng. Hồn chữ nặng nợ áo cơm và bon chen.
Ngày thứ ba ở trên thất cũng chính là ngày thứ hai đầu tuần. Sáng nay dưới cơ quan có cuộc họp giao ban. Tôi nghĩ thể nào mọi người cũng bàn tán về chuyện tôi nghỉ phép để lên chùa ở. Người ta lắm chuyện, chắc cũng bàn ra bàn vào nhiều lắm. Bảo cái thằng ấy đang làm cái trò gì thế. Nghĩ vu vơ rồi chợt thấy dớ dẩn. Chắc gì người ta đã để ý đến mình vậy. Con người cứ hay quan trọng hóa bản thân, tự cho mình cái quyền buộc người xung quanh phải quan tâm.
Tôi xuống chùa, hỏi sư thầy xem có việc gì để con làm với cho vui. Thầy bảo có việc gì đâu, cứ ở trên mà đọc sách và viết. Thầy mong được là người đọc đầu tiên những gì con viết trên thất. Nếu con tiện chia sẻ. À, mà cũng có việc đấy. Ta vào rừng chơi. Lâu rồi thầy không nghe tiếng cây rừng trò chuyện. Biết đâu đi vào đấy con lại có được ý tưởng hay hay mà viết.
Người đời thường vẫn thích đến những chốn đông đúc. Có chỗ vui chơi giải trí. Ngắm nghía được nhiều thứ. Thanh niên bây giờ ra trường thì lao vào các thành phố để tìm được việc. Rồi các nhà đầu tư, chỗ họ quẳng tiền vào để thu lợi nhuận cũng lại là các thành phố lớn. Thế mà ở ngôi chùa nơi trung du vốn đã cô độc này, thầy còn muốn vào sâu trong rừng nữa kia. Nhưng tôi thích ý tưởng của thầy. Hai thầy trò vui vẻ đi.
Đến một khe suối. Thầy bảo dừng đây được rồi. Hai thầy trò ngồi trên hai tảng đá to. Nghỉ đi con. Nghe tiếng suối, tiếng rừng. Khéo khen ai nghĩ ra cái đàn đá. Chắc người đó cũng từng nghe nước suối đánh vào cuội.
Tôi hỏi thầy thấy con có căn tu không. Sao thầy không khuyên con đi tu. Thầy hỏi lại con nghĩ đi tu sướng hay cực. Tôi nói dạ con không biết. Thầy cười. Vậy là có căn tu rồi đấy. Nhiều người từng hỏi thầy như vậy. Người nói đi tu sướng, thoát khỏi cảnh đời mệt nhọc, khỏi phải bon chen lợi danh. Có người nói đi tu cực, nhưng cực bây giờ để sướng về sau. Thảy tất như vậy đều không có căn tu. Vì đi tu thì không nghĩ đến sướng cực, không toan lợi. Còn đeo đẳng cái tự ngã vào chốn thiền thì sớm muộn nó cũng lôi anh về với đời.
Hai thầy trò ngồi một lúc thì về. Dọc đường không ai nói gì nữa. Thầy bảo im lặng mà nghe rừng, mang lấy cái thanh tịnh ấy về dưới kia, đừng nghĩ ngợi gì cả. Nhưng tôi không thể không nghĩ. Băn khoăn quá.
Nếu không phải vì việc cưới vợ, có lẽ tôi sẽ xin ở lại đây thêm một thời gian. Thậm chí là ở luôn. Thầy bảo tôi có căn tu. Mà tôi thì thấy mình hợp với chốn này hơn. Thôi có lẽ đợi đến lúc nghỉ hưu, tôi sẽ lên đây ở hẳn. Nhẩm tính, còn hơn ba mươi năm nữa. Chẳng biết đến lúc đó người ta có phá khu rừng này để làm dự án không.
Thầy nhủ tôi đánh chuông chiều. Thỉnh một hồi cho an lành con. Thầy nói từ mai ai làm việc nấy. Để cho con tập trung vào viết. Thầy cũng không lên thất uống nước chè nữa đâu. Sáng sớm là lúc viết dễ nhất đấy. Gắng tranh thủ.
Ở thất suốt ngày đều thú vị. Sáng có sương. Sương đẫm ướt lá chè. Nhìn lên trên núi thấy mờ mờ màu xám xanh. Buổi trưa nắng lên đã có tán cây rừng che phủ gần hết. Chỉ có ít nắng lọt qua, rọi xuống đất thành đốm sáng. Chim đổi nhau hót kêu mà không thấy bóng. Hoàng hôn thấy chim đã về đậu ngủ trên nhành cây trước thất. Chuông chiều vang chậm. Chim không buồn nhúc nhích. Buổi tối tuyệt đối im lặng.
Tôi ngồi trước tập giấy trắng. Cầm bút chì lên. Chấm vào giấy trắng. Nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, và cũng chẳng biết viết cái gì. Đã ở đây năm ngày mà vẫn chưa nặn ra được chữ nào. Đầu thông rỗng dần dần, người cũng cảm thấy nhẹ hơn. Nhưng chữ nghĩa đi đâu sạch trơn. E rằng kế hoạch viết sách bị cháy dở quá. Như vậy thì chuyến đi không đạt được sở nguyện. Và tôi còn mắc nợ thầy.Mấy bữa cơm trưa tôi xuống chùa ăn cùng thầy. Thầy nhìn tôi cười. Không trò chuyện nhiều, và không hề hỏi tôi viết lách thế nào rồi. Tôi tự tổ chức cho mình một trại sáng tác cá nhân. Lẽ nào đến ngày tổng kết trại lại không nộp bản thảo thu hoạch tác phẩm. Nếu là những trại thường, thể nào trước khi đi dự tôi cũng thủ sẵn vài cái truyện lưu trong máy, vài cái truyện dang dở chưa viết xong. Phòng khi ở trại không viết được câu chữ nào thì lôi nó ra chữa quấy quá rồi nộp cho qua chuyện. Đỡ phải áy náy với ban tổ chức. Và phần nhiều mấy trại trước tôi đều không viết gì cả, ham chơi, ham làm quen trao đổi, bù khú với mọi người, hoặc bị làm phiền. Lần này ở một mình, thừa yên tĩnh. Không rượu bia. Không ai làm phiền cả. Vậy mà cũng chẳng viết được.
May cho tôi, chứ không cũng chả biết kể chuyện gì.
Một người viết văn có thể viết được gì khi gần gụi với Thiền giới? Câu hỏi lý thú.
Và vấn đề có vẻ siêu hình này được Hoàng Công Danh cụ thể hóa với một câu chuyện dung dị, nhưng bên trong ngầm ẩn những xung đột nội tại của con người trong thời đại được gắn nhãn “văn minh”.
L.A.H