Nằm dưới chân đèo Lũng Lô nổi tiếng của Tây Bắc, bản Noong Tài ở xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, Yên Bái) có hàng chục ngôi nhà sàn của đồng bào Tày đang chuyển mình đổi thay một sức sống mới: Làng du lịch cộng đồng văn hóa và sinh thái Thanh niên – phóng sự của Tiền Phong ghi nhận một hướng khởi nghiệp khá ấn tượng của đoàn viên, thanh niên trẻ vùng sơn cước.
Chặng đường 160km đủ mát chân ga ô tô, du khách từ Hà Nội ngược theo hướng Trung Hà qua đất Tân Sơn và chạm đến Văn Chấn (Yên Bái) sẽ gặp biển chỉ dẫn hướng vào bản Noong Tài để có thể lưu trú đêm Tây Bắc thú vị.
Khí hậu mát mẻ của miền sơn cước Thượng Bằng La ban cho vùng núi này 5 thác nước và những cánh rừng xanh nguyên sinh có tự bao đời, được người Tày gìn giữ như báu vật. Cả xã có đến 700 ngôi nhà sàn vẫn nguyên vẹn từ hàng chục năm nằm rải khắp các triền núi – cái vẻ đẹp còn ẩn chứa làn Then mê hoặc của người Tày và vòng xòe Tây Bắc lan rộng khắp vùng. Và đó là khởi nguồn của ý tưởng lập làng du lịch cộng đồng của anh Trần Mạnh, Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn với sự đồng thuận vào cuộc của hàng trăm bạn trẻ, nằm trong đề án Thanh niên làm kinh tế du lịch của Tỉnh đoàn Yên Bái. Ngôi nhà sàn của nhà bạn Nguyễn Thị Hằng được nhắm chọn là mô hình homestay đầu tiên mà cô chủ trẻ tuổi này lập tức hào hứng gia nhập.
Hai bên con đường dẫn vào nhà chị Hằng vòng dưới chân núi có những vườn cam, vườn chè rất đẹp. Những nếp nhà sàn nối nhau bình yên.
Buổi khai trương làng du lịch hôm qua (23/8/2018) có nhiều lãnh đạo các xã lân cận đến học hỏi mô hình và cách vận hành homestay. Cái trẻ trung của áo xanh tình nguyện, người đón khách, người đốt củi nướng thịt, người rửa rau, rải chiếu, rót trà mời khách…, tất cả tươi tắn và hấp dẫn một sức sống mới cho bản nghèo mến khách. Những cô gái trong trang phục Tày xếp hàng duyên dáng gẩy một làn Then đằm thắm - ấn tượng đặc biệt cho bất cứ ai đến đây trải nghiệm làng du lịch Noong Tài.
Nguyễn Thị Hằng cho biết homestay của chị có thể lưu trú cho 40 người qua đêm. Ở đây nước sạch dẫn về từ thác trên núi, rau và thịt, cá, gà rất sẵn có từ trong làng do bàn tay của chính người dân nuôi trồng cung cấp. Chị đã chủ động kết nối với Câu lạc bộ Kinh tế trẻ của xã (gồm 11 thành viên làm kinh tế giỏi) để sẵn nguồn thực phẩm, thậm chí còn sẵn cả đặc sản cho khách mua mang về xuôi.
Sau cuộc giao hữu bóng chuyền hơi ở cái sân rộng ngay trước nhà sàn, ngôi nhà rộn vui trao nhau chén rượu xen lẫn làn Dậm Thuông của cô gái Tày, những món ăn nổi tiếng như pa pỉnh tộp, nộm măng tép suối, rau xôi đỏ cà gai, xôi tím, cơm nắm, gà lam, nem Thượng…, được mọi người khen ngợi hết lời. Cuối đêm, làn Xòe nối những vòng tay và nhịp chân rộn tiếng sàn. Không ai muốn ra về khi chén trà bàn luận cái mô hình homestay này tới đây sẽ rất phát triển, lan ra toàn xã.
Cô gái Hoàng Lan Anh, sinh viên trường CĐSP Yên Bái, khi biết đến mô hình này đã hồ hởi vượt 70 km từ Tp Yên Bái về bản tham gia với các bạn trẻ. Lan Anh cũng là người Tày quê tận xã Đại Lịch đang ghi tên tham dự cuộc thi “Người đẹp Mường Lò” sắp được tổ chức tháng 9.2018, đã từng mơ ước có một làng du lịch như thế ở quê hương: “Người Tày giữ làn Then và nhà sàn bằng sự trân quý đặc biệt. Cái áo mà con gái Tày diện trông đơn giản thế nhưng để dệt nó thì rất kỳ công. Em tự hào mỗi lần mặc nó, và sắp tới đi thi em sẽ biểu diễn một bài múa Tày…”, Lan Anh nói.
Bí thư Huyện đoàn Trần Mạnh thể hiện niềm tin dự án Làng du lịch cộng đồng văn hóa và sinh thái Thanh niên Noong Tài sẽ khởi sắc một hướng khởi nghiệp ở vùng sơn cước giàu bản sắc văn hóa. Anh cho biết huyện Văn Chấn sẽ sớm hoàn thiện những tuyến đường văn hóa (để xe ô tô đi vào tất cả các bản), tổ chức cho thanh niên tập huấn kỹ năng đón tiếp khách, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cung cấp thực phẩm sạch, phát huy bản sắc thú vị mà chỉ có ở bản Tày trên núi Thượng Bằng La. Tất cả đồng hành cùng thanh niên làm kinh tế du lịch – một giải pháp thay đổi diện mạo kinh tế xã hội cho đồng bào vùng cao - ở nơi từng ghi nhiều dấu tích lịch sử anh hùng từ cuộc kháng chiến chống Pháp bên chân đèo Lũng Lô.